6 tác dụng của nấm hương (nấm đông cô) tốt cho sức khỏe

(VOH) – Cùng với nấm mèo, nấm rơm hay nấm bào ngư, nấm hương cũng thuộc nhóm nguyên liệu giàu dưỡng chất và vô cùng nổi tiếng trong ẩm thực Á Đông. Vậy tác dụng của nấm hương đối với sức khỏe là gì?

1. Nấm hương là nấm gì? 

Có thể nhiều bạn vẫn thường thắc mắc “nấm hương và nấm đông cô có khác nhau không?”, câu trả lời là không. Nấm hương và nấm đông cô là 1 loại vì tên gọi nấm hương ra đời bởi loại nấm này có hương và mùi thơm rất đặc trưng, còn nấm đông cô chính là cách gọi dựa theo phiên âm trong tiếng Hoa.

Nấm hương thuộc họ Polyporaceae, là một trong những loại nấm thường mọc kí sinh trên các cây thân gỗ như cây sồi, cây phong, mũ nấm xòe rộng như chiếc ô với đường kính khoảng 4 - 10cm, thân nấm hình trụ ngắn gắn chặt vào tâm của mũ nấm.

Hiện nay sau khi thu hái nấm hương tươi, để bảo quản và sử dụng lâu dài, người ta thường đem sấy hoặc phơi thành nấm hương khô. 

nam-huong-nam-dong-co-nau-gi-ngon-va-tot-cho-suc-khoe-voh-0
Nấm hương có thể dùng tươi hoặc đem sấy khô (Nguồn: Internet)

2. Tác dụng của nấm hương (nấm đông cô) đối với sức khỏe

Là một nguyên liệu dân dã, có giá thành không quá cao song nấm hương vẫn luôn được xếp vào danh sách thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quý giá, gồm các vitamin thiết yếu như vitamin B, vitamin D, vitamin C cùng hàm lượng lớn chất đạm. Dù nấm hương khô hay nấm hương tươi, nếu sử dụng đủ lượng và đúng cách đều sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe sau: 

2.1 Cải thiện hệ miễn dịch

Các phân tích dinh dưỡng đã chỉ ra rằng hoạt chất polysaccharides được tìm thấy trong nấm hương chính là thành tố quan trọng củng cố hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Polysaccharid sẽ hoạt động như chất xúc tác tăng sản sinh tế bào bạch cầu trung tính để “tiêu diệt” mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. (1) 

Xem thêm: Cách tăng sức đề kháng để vượt qua giai đoạn dịch nCoV một cách an toàn

2.2 Bảo vệ tim mạch 

Giống như các loại nấm, trong nấm hương cũng chứa lượng chất beta – glucan tương đối dồi dào. Hoạt chất này là một chất xơ đặc biệt, chúng sẽ dính kết với cholesterol xấu tích tụ ở thành mạch và đi ra ngoài, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn động mạch và bảo vệ trái tim khỏe mạnh. (2) 

2.3 Tốt cho xương khớp

Bổ sung đều đặn, hợp lý nấm hương trong khẩu phần ăn sẽ giúp bạn hấp thu thêm lượng vitamin D tự nhiên vô cùng quý giá. Nhóm chất này góp phần thúc đẩy quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi, photpho, tăng cường hình thành mật độ khoáng xương cùng tế bào xương mới, giảm đau nhức hữu hiệu. (3) 

nam-huong-nam-dong-co-nau-gi-ngon-va-tot-cho-suc-khoe-voh-6
Ăn thêm nấm hương để tiếp nạp vitamin D, củng cố xương chắc khỏe (Nguồn: Internet)

2.4 Phòng chống ung thư

Cùng với vai trò cải thiện hệ miễn dịch, chất chống oxy hóa polysaccharid còn hỗ trợ kiểm soát nồng độ gốc tự do ở mức an toàn, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ gây tổn thương cho các tế bào và phòng chống bệnh ung thư hiệu quả. (4)  

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.5 Ngăn ngừa lão hóa da

Bên cạnh vitamin D, tác dụng của nấm hương cũng mang lại hàm lượng vitamin E và selen khá lớn. Các hoạt chất này khi vào cơ thể sẽ đảm nhiệm vai trò tái tạo tế bào biểu dưới da, đồng thời duy trì độ ẩm, giúp giảm tỉ lệ bị lão hóa da sớm.  

2.6 Duy trì sự tập trung

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích bạn ăn thêm nấm hương để tiếp nạp thêm các vitamin nhóm B như vitamin B3, vitamin B5 hay vitamin B6. Đây đều là những dưỡng chất rất cần thiết cho hoạt động của não bộ, cải thiện khả năng ghi nhớ và tập trung.  

Xem thêm: Chứng hay quên là bệnh gì và cách điều trị kịp thời?

3. Tác hại của nấm hương (nấm đông cô)

Những tác hại của nấm hương vẫn có thể xảy ra nếu chúng ta sử dụng sai cách, ăn quá nhiều và thiếu khoa học. Theo đó không nên ăn quá nhiều nấm hương để tránh bị đầy bụng khó tiêu, mỗi bữa chỉ nên ăn từ khoảng 50 – 100g, trong tuần ăn tối đa 2 bữa là tốt nhất. Đặc biệt nếu có dấu hiệu dị ứng thì cần tạm ngưng dùng loại nấm này.

nam-huong-nam-dong-co-nau-gi-ngon-va-tot-cho-suc-khoe-voh-7
Sử dụng nấm hương đúng cách, lượng vừa đủ để không gây hại cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, trong quá trình bảo quản và chế biến nấm hương, bạn cần chú ý một số điều sau: 

  • Lựa chọn nguồn nấm hương có chất lượng, không bị mốc hỏng hay nhũn thối. 
  • Trước khi chế biến nên ngâm rửa sạch với nước muối tối đa 20 phút. Khi đã ngâm rửa thì nên sử dụng hết trong ngày, tránh tích trữ lâu. 
  • Chỉ ăn nấm hương đã nấu chín để hạn chế bị ngộ độc. 

4. Dùng nấm hương nấu gì ngon?

Nấm hương dường như đã trở thành thực phẩm rất gần gũi trong gian bếp của mỗi gia đình, được tìm mua dễ dàng ở bất cứ mùa nào trong năm. Tùy theo sở thích và khẩu vị, bạn có thể lựa chọn nấm hương tươi và nấm hương khô để tự chế biến một vài món ăn thơm ngon, bổ dưỡng dưới đây: 

4.1 Ruốc nấm hương (Chà bông nấm hương)

Phần chân nấm hương dai cứng và hơi đắng nhẹ liệu có ăn được không? Hoàn toàn ăn được nên bạn đừng vội cắt bỏ đi nhé, chỉ cần thêm một chút gia vị, rang chín đều sẽ có ngay món ruốc nấm hương thơm phức. 

nam-huong-nam-dong-co-nau-gi-ngon-va-tot-cho-suc-khoe-voh-1
Ruốc nấm hương giòn giòn, thơm phức (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Chân nấm hương: 150g
  • Gia vị: nước tương, muối 

Cách làm ruốc nấm hương

  • Ngâm rửa sạch chân nấm hương với nước muối loãng, sau đó đem luộc sơ qua để chân nấm mềm hơn. 
  • Sau khi chân nấm chín, vớt ra để ráo nước rồi tiến hành xé thành sợi nhỏ. (Hoặc dùng máy xay sinh tố xay nhỏ). 
  • Ướp chân nấm đã xé sợi với nước tương và một chút muối, sau đó đem xào với lửa nhỏ. Đảo đều tay đến khi nấm se lại, khô vừa đủ độ thì tắt bếp. 

4.2 Gà hầm nấm hương (nấm đông cô)

Thịt gà mềm ngọt hầm với nấm hương thơm bùi hứa hẹn đem đến món hầm đậm đà, lại rất tốt cho sức khỏe đấy nhé. 

nam-huong-nam-dong-co-nau-gi-ngon-va-tot-cho-suc-khoe-voh-2
Gà hầm nấm hương đậm đà, thơm ngon, giúp phục hồi sức khỏe (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Nấm hương: 50g
  • Thịt gà: khoảng 1.2 – 1.5 g (tùy theo nhu cầu)
  • Cà rốt
  • Bông cải xanh
  • Hành tím
  • Nước dừa 
  • Gia vị: hạt tiêu, nước mắm, hạt nêm

Cách làm gà hầm nấm hương

  • Ngâm rửa sạch nấm hương, bông cải xanh với nước muối loãng khoảng 20 phút. 
  • Cà rốt gọt vỏ rồi thái miếng nhỏ vừa ăn. 
  • Sơ chế sạch thịt gà với gừng và muối, sau đó chặt thành miếng vừa ăn. Đem ướp thịt gà với hành tím băm nhỏ, nước mắm, hạt nêm và hạt tiêu. 
  • Phi thơm hành tím, sau đó cho thịt gà vào xào trước, thịt gà chín săn lại thì cho cà rốt và nấm vào cùng. Tiếp đến cho nước vào đun hầm. Khi sôi thì nêm nếm lại và thêm nước dừa tươi, đun tiếp khoảng 5 – 10 phút, cho bông cải xanh vào. 

Gợi ý: Nếu muốn nước hầm sánh sệt, có thể thêm chút bột năng. 

Xem thêm: Thịt gà bao nhiêu calo? 7 lợi ích của thịt gà bạn nên biết

4.3 Canh nấm hương (nấm đông cô)

Nếu muốn thưởng thức món canh chay thanh đạm, ngọt lành, hãy thử kết hợp nấm hương, hạt sen nấu cùng đậu phụ xem sao. 

nam-huong-nam-dong-co-nau-gi-ngon-va-tot-cho-suc-khoe-voh-3
Canh nấm hương thanh đạm, mát lành (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Nấm hương: 50g
  • Hạt sen: 50g
  • Đậu phụ: 100g
  • Cà rốt: 1 củ 
  • Hành tím
  • Hành lá
  • Ngò rí (rau mùi) 
  • Gia vị: hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu

Cách làm canh nấm hương

  • Rửa sạch nấm hương, nên ngâm nước muối loãng khoảng 20 phút. 
  • Cà rốt gọt vỏ, thái thành miếng nhỏ vừa ăn. 
  • Đậu phụ cắt miếng nhỏ. 
  • Phi thơm hành tím, cho nấm hương vào xào trước, nêm nếm gia vị và cho nước vào đun. Khi sôi cho thêm cà rốt và đậu phụ vào. Đun tiếp khoảng 10 phút thì tắt bếp. 
  • Trước khi dùng, nên thêm hành lá, ngò rí và chút hạt tiêu.  

Xem thêm: 8 tác dụng của hành lá – loại gia vị quen thuộc với mọi nhà 

4.4 Nấm hương xào thịt bò

Vẫn là thịt bò thơm đậm đà nhưng xào cùng nấm hương giòn giòn thì hương vị còn thơm ngon “gấp bội”. 

nam-huong-nam-dong-co-nau-gi-ngon-va-tot-cho-suc-khoe-voh-4
Nấm hương xào thịt bò ngọt mềm (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Nấm hương: 50g
  • Thịt bò: 100g
  • Hành tím
  • Tỏi 
  • Gia vị: nước mắm, hạt nêm, dầu hào

Cách làm nấm hương xào thịt bò

  • Rửa sạch nấm hương với nước muối loãng, để ráo nước. Có thể cắt đôi nấm hoặc giữ nguyên tùy ý. 
  • Sơ chế sạch thịt bò rồi thái lát mỏng để khi xào không bị dai. Ướp thịt bò với dầu hào, tỏi băm nhỏ để thịt mềm hơn. 
  • Phi thơm hành tím và tỏi băm nhỏ rồi cho nấm hương vào xào trước khoảng 5 phút, nấm mềm thì cho thịt bò vào đảo cùng. Nên dùng lửa lớn để thịt bò không bị dai. 

Xem thêm: Với cách này bạn chỉ cần 'liếc sơ' cũng có thể nhận biết thịt bò thật hay giả

4.5 Nấm hương om trứng cút

Có sẵn nấm hương và trứng cút, bắt tay vào bếp “biến tấu” món nấm hương om trứng cút đãi cả nhà nào! 

nam-huong-nam-dong-co-nau-gi-ngon-va-tot-cho-suc-khoe-voh-5
Nấm hương om trứng cút ngầy ngậy (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Nấm hương: 50g 
  • Trứng cút: 10 – 15 trái (tùy nhu cầu)
  • Hành lá
  • Hành tím
  • Gia vị: nước tương, hạt tiêu, hạt nêm, đường

Cách làm nấm hương om trứng cút 

  • Ngâm rửa sạch nấm hương, loại bỏ bụi bẩn và nấm mốc. 
  • Đập từng trái trứng cút vào mặt trong của mũ nấm. Cắt nhỏ hành lá, rắc lên trên, sau đó đem nướng ở mức 180 độ C khoảng 15 phút. 
  • Phi thơm hành tím, cho hỗn hợp sốt gồm nước tương, đường và chút hạt tiêu vào đun sôi, phần nấm và trứng cút đã nướng vào đun trong khoảng 10 phút để thấm vị. 

Xem thêm: Thật ‘có lỗi’ cho sức khỏe nếu bạn không biết ăn hành tím

5. Cách lựa chọn, sơ chế và bảo quản nấm hương (nấm đông cô)

5.1 Cách lựa chọn nấm hương (nấm đông cô)

Để nấu được những món ăn từ nấm hương thật ngon khi lựa chọn khi mua cũng hết sức quan trọng, khi mua nấm hương tươi hoặc khô thì bạn nên lưu ý các vấn đề sau:

  • Nấm hương tươi: Nên chọn những nấm có kích thước vừa phải, chân ngắn, mũ nấm cụp chặt lại và lựa loại có màu vàng nâu. Chú ý phần bên ngoài nấm không bị dập nát hay úng nước và có mùi hôi.
  • Nấm hương khô: Nên chọn những nấm không bị gãy nứt, không bị mốc trắng, không có mùi hôi và chọn những nấm có màu nâu sáng.

5.2 Cách sơ chế nấm hương (nấm đông cô)

Nấm hương tươi mua về chỉ cần bằng phần gốc chân rồi đem đi rửa sạch rồi ngâm với nước muối loãng tầm 2 - 3 phút xong vớt ra để ráo nước. Có thể chần nấm qua nước sôi tầm 3 phút rồi vớt ra hoặc dùng rửa nấm bằng nước vo gạo để khử bớt mùi hăng của nấm.

Nấm hương khô khi sử dụng thì cần phải đem đi ngâm trong nước đến khi nở ra hết thì rửa sạch lại 1 lần nước rồi để ráo hoặc có thể đi luộc qua nước sôi tầm 3 phút trước khi chế biến.

5.3 Cách bảo quản nấm hương (nấm đông cô)

Đối với nấm hương tươi nếu mua về mà chưa sử dụng thì cho nấm vào 1 cái túi bọc lại và cho vào ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ 1 - 3 độ C, nấm đông cô tươi có thể bảo quản được 30 ngày nếu không bị ẩm nước, nên sử dụng ngay tuần đầu để thưởng thức trọn vẹn hương vị và chất dinh dưỡng của nấm.

Đối với nấm hương khô thì chỉ cần để nơi thoáng mát, khô ráo và tránh ánh nắng trực tiếp.

6. Thành phần dinh dưỡng của nấm hương (nấm đông cô)

Hàm lượng chất dinh dưỡng trong khoảng 15g nấm hương được phân tích như sau: 

  • Lượng calo: 44
  • Carbs: 11g
  • Chất xơ: 2g
  • Chất đạm: 1g
  • Riboflavin: 11% giá trị hàng ngày 
  • Niacin: 11% giá trị hàng ngày
  • Đồng: 39% giá trị hàng ngày 
  • Vitamin B5: 33% giá trị hàng ngày 
  • Selen: 10% giá trị hàng ngày 
  • Mangan: 9% giá trị hàng ngày 
  • Kẽm: 8% giá trị hàng ngày 
  • Vitamin B6: 7% giá trị hàng ngày 
  • Folate: 6% giá trị hàng ngày 
  • Vitamin D: 6% giá trị hàng ngày 

Không cao sang hay đắt đỏ gì nhưng với vị ngọt thơm, giòn giòn, nấm hương vẫn chiếm vị trí quan trọng trong “làng ẩm thực”, góp phần tạo nên rất nhiều món ăn bổ dưỡng và hấp dẫn. Hãy chú ý sử dụng loại nấm này thật khoa học, liều lượng hợp lý để tận dụng tối đa tác dụng của nấm hương mang lại cũng như bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể nhé.