Nước hầm xương có tốt không? Cách nấu và sử dụng khoa học

(VOH) – Thay vì phải nêm nếm nhiều chất tạo ngọt nhân tạo cho những món nước, các bà nội trợ thường muốn nấu một nồi nước hầm xương với vị ngọt tự nhiên hơn. Dù vậy dùng nước hầm xương có tốt không?

Có thể nói nước hầm xương hay nước ninh xương là một thành phần gần như không thể bỏ sót nếu bạn muốn trổ tài chế biến các món canh hay các món ăn cần nhiều nước dùng như bún, phở,…Tùy theo sở thích cũng như nhu cầu, đầu bếp có thể lựa chọn phần xương heo, xương gà hoặc xương bò cho thật phù hợp. Tuy nhiên, sử dụng nước hầm xương có tác động thế nào tới sức khỏe và cần lưu ý điều gì khi nấu? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết này.

1. Nước hầm xương có tốt không?

Quá trình đun hầm xương sẽ tạo điều kiện để các chất dinh dưỡng từ xương được tiết ra một cách trọn vẹn nhất, hòa quyện với nước. Chính vì thế, nếu nắm rõ phương pháp hầm xương và cân đối liều lượng thì sử dụng nước hầm xương có tốt cho sức khỏe, đem đến những lợi ích tiêu biểu như:

1.1 Tăng cảm giác ngon miệng

Có thể bạn chưa biết, vị ngọt mà nước hầm xương đem lại chính là một trong những hương vị cơ bản mà vị giác của chúng ta cảm nhận được – mang tên unami. Do đó, các món ăn có thành phần “nòng cốt” gồm nước hầm xương thực sự thơm ngọt, hấp dẫn khó cưỡng và khiến bạn cảm thấy ăn ngon miệng hơn.  

nuoc-ham-xuong-co-tot-khong-cach-nau-va-su-dung-khoa-hoc-voh-0
Vị ngọt từ nước hầm xương sẽ giúp món ăn trở nên thơm ngon hơn và tăng cảm giác ngon miệng (Nguồn: Internet)

1.2 Củng cố hệ vận động

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong nước hầm xương có chứa các khoáng chất được tìm thấy từ xương và tủy xương. Tuy hàm lượng các dưỡng chất không quá cao nhưng chúng đều góp phần không nhỏ tăng kết nối giữa các khớp xương, củng cố hệ vận động trở nên dẻo dai, chắc khỏe.

Xem thêm: ‘Khám phá’ đặc điểm và vai trò của chất khoáng – dưỡng chất quan trọng ‘bậc nhất’ với cơ thể

1.3 Bổ sung collagen

Nước hầm xương thuộc danh sách những thực phẩm giàu collagen bậc nhất mà bạn có thể tham khảo bổ sung vào khẩu phần ăn. Lượng chất này từ tủy của các loại xương sẽ tham gia khôi phục độ đàn hồi lớp biểu bì dưới da, duy trì tính toàn vẹn của mô sụn khớp, đồng thời tái tạo chất sừng để bảo vệ móng tay, móng chân.

1.4 Tăng khả năng kháng viêm

Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng phần lớn thành phần của những loại nước hầm xương có chứa hai nhóm chất kháng viêm mạnh gồm glycine và arginine. Hấp thu thêm các hoạt chất này sẽ giúp bạn chủ động phòng chống bệnh lý viêm mãn tính, đặc biệt liên quan đến đường hô hấp như hen suyễn

1.5 Hỗ trợ làm lành vết thương

Không chỉ đảm nhiệm vai trò tăng cường độ đàn hồi của da, collagen mà nước hầm xương đem lại còn hỗ trợ làm lành vết thương nhanh chóng cũng như xóa mờ mô sẹo.

Xem thêm: 9 cách xóa sẹo 'dễ ợt' mà bạn có thể áp dụng tại nhà 

1.6 Cải thiện sức đề kháng

Nhờ cung cấp thêm chất khoáng cho cơ thể, các món ăn từ nước hầm xương cũng thường được tận dụng để bồi bổ cho người bệnh cần hồi phục sức khỏe và cải thiện sức đề kháng.

nuoc-ham-xuong-co-tot-khong-cach-nau-va-su-dung-khoa-hoc-voh-1
Các món ăn từ nước hầm xương thường được tận dụng để bồi bổ, tăng cường sức đề kháng (Nguồn: Internet)

2. Có nên cho trẻ ăn nước hầm xương?

Đối với trẻ nhỏ, nhất là nhóm trẻ đang trong độ tuổi ăn dặm, các món cháo hay canh hầm là lựa chọn khá lý tưởng mà mẹ thường bổ sung vào thực đơn. Để chế biến thành công và “thu hút” các bé thì mẹ vẫn có thể tận dụng vị ngọt của nước hầm xương.

Có nên cho trẻ ăn nước hầm xương thế nhưng cần lưu ý rằng hạn chế chỉ nấu cháo “chay” với nước hầm xương bởi có thể khiến con bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Tốt nhất vẫn cần kết hợp đa dạng các nguyên liệu, nhằm đảm bao cung ứng đủ nhóm dưỡng chất thiết yếu như chất đạm, chất xơ, chất béo, khoáng chất và tinh bột cho cơ thể con.

Xem thêm: 13 sai lầm ‘to đùng’ nhiều mẹ thường gặp khi tập cho trẻ ăn dặm

3. Một số lưu ý cần biết để nấu nước hầm xương ngon ngọt

Muốn có một nồi nước hầm xương đạt độ ngọt thơm và đậm đà nhất, bạn nên “bỏ túi” một vài mẹo nhỏ nhưng cực kì quan trọng này:

3.1 Lựa chọn nồi hầm phù hợp

Lựa chọn đúng nồi để hầm nước xương cũng là yếu tố “then chốt” mà bạn nên chú ý. Theo đó, nếu muốn hầm trên bếp gas thì các loại nồi inox dày đều phù hợp. Bên cạnh đó, khi nấu, bạn nên điều chỉnh lửa ở mức nhỏ, không để sôi bùng sẽ khiến nước bị đùng, mùi nồng và mất đi vị ngọt thanh tự nhiên.

Ngoài ra, bạn có thể tận dụng ngay nồi cơm điện thường ngày để nấu nước hầm xương.

3.2 Hầm đủ thời gian

Với mỗi loại xương sẽ đòi hỏi “cữ” thời gian hầm khác nhau, cụ thể:

  • Nước hầm xương heo: 4 – 5 tiếng
  • Nước hầm xương bò: 8 – 10 tiếng
  • Nước hầm xương gà: 2 tiếng
  • Nước hầm cá: 45 phút – 1 tiếng

3.3 Chú ý vớt bọt

Trong khoảng 30 phút đầu khi bắt đầu đun nước hầm, bạn cần chú ý thực hiện vớt bỏ lớp bọt trắng để giữ độ trong của nước.

nuoc-ham-xuong-co-tot-khong-cach-nau-va-su-dung-khoa-hoc-voh-2
Chú ý vớt bọt trắng để giữ độ trong của nước hầm xương (Nguồn: Internet)

4. Nước hầm xương để qua đêm được không?

Thông thường chúng ta sẽ nấu một lượng nước hầm xương tương đối lớn để thuận tiện cho chế biến món ăn. Nếu không sử dụng hết và cất trữ trong ngăn mát tủ lạnh thì bạn có thể yên tâm rằng nước hầm xương để qua đêm vẫn được. Với trường hợp cấp đông, thời hạn sử dụng nước hầm xương sẽ dài hơn, từ 3 – 5 ngày.

Xem thêm: Giới hạn thời gian khi bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh là bao lâu?

5. Tác dụng phụ khi dùng nước hầm xương sai cách

Vừa góp phần tăng thêm hương vị thơm ngon của các món ăn, vừa hỗ trợ cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe song bạn chỉ nên dùng nước hầm xương khoảng 2 lần/tuần, nhằm phòng ngừa các dụng phụ dưới đây:

5.1 Tăng nguy cơ béo phì

Một trong những tác động tiêu cực khi tiêu thụ quá nhiều nước hầm xương mà bạn cần đề phòng đó là nguy cơ cao mắc béo phì. Điều này bởi hấp thu lượng lớn chất béo động vật sẽ tăng tích tụ mỡ và khó kiểm soát cân nặng.

5.2 Mắc bệnh gout

Các chuyên gia sức khỏe cũng khuyến cáo chúng ta không nên sử dụng quá nhiều các món ăn từ hầm xương để giảm thiểu tình trạng nồng độ purin trong máu tăng cao, dẫn tới bệnh gout.

Thiếu đi nước hầm xương có thể làm độ hấp dẫn của món ăn giảm đi vài phần, tuy vậy bạn đừng quên điều chỉnh liều lượng hợp lý và sử dụng thật đúng cách đấy nhé. Điều đó sẽ giúp bạn có cơ hội thưởng thức trọn vẹn hương vị, đồng thời cũng cải thiện sức khỏe hiệu quả hơn đấy.