Say cà phê là gì? Say cà phê nên làm gì để cải thiện hiệu quả?

(VOH) – Xếp đầu trong danh sách các thức uống giúp lấy lại sự tỉnh táo và tập trung của não bộ chắc hẳn phải kể tới cà phê. Thế nhưng nếu không tiêu thụ đúng cách, rất dễ bị say cà phê và mệt mỏi hơn.

Khi rơi vào trạng thái mơ màng và chẳng thể chú tâm hoàn thành công việc, phần lớn chúng ta có lẽ sẽ tìm đến cà phê như một “vị cứu tinh” để đánh thức cơ thể. Tuy nhiên, khi lạm dụng cà phê thiếu khoa học thì rất khó tránh khỏi tình trạng say cà phê - một trong những tác dụng phụ của cà phê mà các chuyên gia sức khỏe đều đã cảnh báo.

1. Say cà phê là gì?

Say cà phê là tình trạng cơ thể tiếp nạp lượng chất kích thích caffeine vượt quá ngưỡng an toàn, cao hơn 400mg mỗi ngày. Lúc này, một số triệu chứng điển hình sau đây thường xuất hiện:

  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Tim đập nhanh, thở dốc
  • Cồn cào, muốn nôn ói
  • Co thắt cơ, khó vận động
  • Bồn chồn, khó tập trung
  • Mệt mỏi, dễ cáu gắt
say-ca-phe-la-gi-say-ca-phe-nen-lam-gi-de-cai-thien-hieu-qua-voh-0
Say cà phê sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân dẫn đến say cà phê

Theo các nghiên cứu chuyên khoa, cà phê trở thành thức uống không “thân thiện” với nhiều người và gây ra hiện tượng say cà phê có thể do những tác nhân này:

2.1 Không dung nạp caffein

Không dung nạp caffein là một nguyên nhân phổ biến khiến bạn không thể “kháng cự” lại cơn say cà phê. Theo đó, cơ thể chưa sẵn sàng tiếp nạp lượng caffein từ cà phê mang lại và nhạy cảm với tác động của chất kích thích này tới quá trình sản sinh adrenaline – yếu tố giúp bạn không cảm thấy buồn ngủ.

Vì thế nếu bạn từng có tiền sử bị say trà hay các thức uống chứa caffeine khác thì tỉ lệ bị say cà phê cũng khá cao.

2.2 Tích tụ adenosine trong não bộ

Song song với việc thúc đẩy sản xuất adrenaline, caffeine trong cà phê còn có khả năng ngăn chặn não bộ tiếp nhận adenosine – hoạt chất kéo cơn buồn ngủ tìm tới bạn. Dù vậy, adenosine vẫn hình thành, tích tụ lại và chờ gắn kết với thụ thể trong não, điều này là nguyên do bạn trở nên bức bối, mệt mỏi hơn.

Xem thêm: 11 lợi ích về thể chất và tinh thần cho thấy việc ngủ đủ giấc cực kỳ quan trọng!

2.3 Thiếu hụt khoáng chất

Caffeine được xếp vào nhóm hoạt chất có đặc tính lợi tiểu cao, kích thích bàng quàng co bóp rồi làm tăng tần suất đi tiểu. Do đó, nếu uống lượng lớn cà phê trong ngày có thể dẫn tới hiện tượng mất nước, đồng thời bài tiết cả những khoáng chất quan trọng ra bên ngoài và khiến cơ thể kiệt sức.

3. Say cà phê nên làm gì để khắc phục?

Thông thường các triệu chứng do say cà phê sẽ xảy ra khá sớm, sau khoảng 10 – 15 phút kể từ khi bạn bắt đầu uống. Trường hợp nhận thấy những biểu hiện bất thường đó, hãy tạm ngưng sử dụng cà phê ngay và nhanh chóng thực hiện các phương pháp khắc phục sau:

3.1 Say cà phê uống gì cho tỉnh?

Để sớm vượt qua cơn say cà phê và tỉnh táo trở lại, bạn nên tham khảo dùng bổ sung một số thức uống lành mạnh này:

Nước lọc

Nước lọc là loại nước giúp bạn “vực dậy” khi say cà phê cực kì hiệu quả. Điều này bởi nước có khả năng hòa tan lượng caffeine, ngăn ngừa mất nước, đặc biệt giúp bạn khôi phục lại độ ẩm cùng lượng chất khoáng bị hao hụt.

Xem thêm: Uống nước lọc mỗi ngày nhưng bạn đã biết đến những công dụng này chưa?

Nước chanh ấm

Nước chanh ấm với vị chua dịu, hòa thêm chút mật ong ngọt thơm là gợi ý lý tưởng dành cho người bị say cà phê. Lượng lớn vitamin C từ nước chanh cũng kích thích quá trình làm loãng caffeine từ cà phê, giúp bạn sớm lấy lại năng lượng hoạt động.

say-ca-phe-la-gi-say-ca-phe-nen-lam-gi-de-cai-thien-hieu-qua-voh-1
Nước chanh ấm với mật ong ngọt dịu sẽ giảm cảm giác nôn nao khi say cà phê (Nguồn: Internet)

Trà gừng

Theo lời khuyên từ các chuyên gia sức khỏe, say cà phê có thể uống trà gừng cho tỉnh. Trà gừng ấm nóng, thơm dịu vừa giúp bạn thư giãn, vừa xoa dịu cảm giác buồn nôn khó chịu.

Xem thêm: Trà gừng – loại trà ‘bình dân’ quen thuộc nhưng chưa chắc bạn biết hết 5 lợi ích cải thiện sức khỏe này

3.2 Ăn gì khi say cà phê?

Bên cạnh việc “cắt” cà phê và dùng các đồ uống thay thế trên đây, đừng quên tăng cường ăn các nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng như:

Bánh mì đen

Bánh mì đen thuộc nhóm thực phẩm rất giàu vitamin B và carbohydrate phức hợp, hỗ trợ cơ thể tạo năng lượng, đồng thời giảm hiện tượng cồn ruột hay muốn nôn ói khi say cà phê.

Trái cây

Đối với tình trạng bị say cà phê, lời khuyên là bạn nên ăn thêm trái cây, nhất là nhóm trái cây giàu khoáng chất kalimagie như quả chuối, quả cam, quả bơ, quả chà là hay quả nho.

Cháo

Nếu cảm thấy mệt nhoài và chóng mặt vì say cà phê, bạn hãy nhờ người thân chuẩn bị một tô cháo ấm nóng để bồi bổ thêm, nhằm bù đắp chất dinh dưỡng thiếu hụt khi nôn ói liên tục.

Xem thêm: Tổng hợp 9 cách nấu cháo cho người ốm đơn giản, bổ dưỡng để nhanh chóng 'lại sức'

3.3 Một số biện pháp khác cải thiện say cà phê

Nhìn chung, say cà phê sau khoảng 5 – 6 tiếng thì hết song để sớm “lại sức”, tốt nhất nên dành thời gian thực hiện thêm một số biện pháp được khuyến cáo dưới đây:

Tập hít thở

Với mục đích điều hòa nhịp tim cũng như giảm bớt cảm giác bồn chồn, lâng lâng, bạn có thể áp dụng bài tập hít thở 4-7-8. Cụ thể:

  • 4 giây đầu tiên hít vào bằng mũi
  • 7 giây giữ hơi
  • 8 giây thở ra bằng miệng

Xoa ấm bàn tay, bàn chân

Khi bị say cà phê, bạn cần tạm dừng làm việc và cho bản thân nghỉ ngơi một chút. Lúc này nên làm ấm lòng bàn tay, bàn chân và xoa bóp nhẹ nhàng vùng Thái dương hoặc Ấn đường (giữa trán).

say-ca-phe-la-gi-say-ca-phe-nen-lam-gi-de-cai-thien-hieu-qua-voh-2
Xoa bóp nhẹ nhàng các huyệt quan trọng để khắc phục say cà phê (Nguồn: Internet)

Vận động nhẹ nhàng

Cùng với bài tập hít thở và xoa ấm các huyệt quan trọng, hãy cố gắng duy trì vận động, đi lại nhẹ nhàng, tránh ngồi yên một chỗ quá lâu khiến dòng luân chuyển máu bị tắc nghẽn, tình trạng say cà phê càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Xem thêm: Vận động mỗi ngày bao nhiêu là đủ?

4. Những lưu ý cần biết để không bị say cà phê

Để có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của những ly cà phê mà không rơi vào trạng thái “lên mây” do say cà phê, đừng quên tuân thủ những lưu ý an toàn sau đây:

4.1 Cân bằng lượng cà phê

Như đã chia sẻ, nếu bạn uống nhiều cà phê trong ngày và tiếp nạp lượng caffeine vượt quá khả năng của cơ thể thì nguy cơ cao sẽ bị say cà phê. Chính vì thế, hãy xây dựng thói quen uống cà phê thật điều độ, mỗi ngày chỉ dùng từ 1 – 2 ly cà phê (ly có thể tích 150 – 200ml) là hợp lý.  

4.2 Không uống khi bụng đói

Nhiều người trong chúng ta sẽ “chào buổi sáng” bằng một ly cà phê đậm đặc ngay cả khi chưa dùng bữa sáng. Thế nhưng nếu hấp thu caffeine vào lúc bụng còn rỗng, mức độ say cà phê sẽ khá nặng và tăng nguy cơ bị đau dạ dày. Do đó, bạn phải “lót dạ” trước rồi mới nhâm nhi cà phê đấy nhé!

Xem thêm: Chế độ ăn uống để thoát khỏi sự mỏi mệt của bệnh đau dạ dày theo tư vấn của chuyên gia đầu ngành

4.3 Tránh dùng cà phê cùng đồ uồng có cồn

Sau khi sử dụng các đồ uống có cồn như bia hay rượu, tuyệt đối không nên uống thêm cà phê. Caffein kết hợp với chất không chỉ làm bạn chóng say mà còn gây “gánh nặng” lên hoạt động thải độc của lá gan.

4.4 Cung cấp đầy đủ khoáng chất

Nhằm hạn chế tối đa tỉ lệ bị say cà phê, bạn cần đảm bảo bổ sung đa dạng các loại thực phẩm giàu khoáng chất trong khẩu phần ăn hàng ngày, chủ động phòng tránh rủi ro bị thiếu hụt trầm trọng.

Để uống cà phê đúng cách và “đẩy lùi” cơn say cà phê một cách hiệu quả nhất, lần tới bạn nên chú ý áp dụng những hướng dẫn an toàn được chia sẻ trong bài viết trên đây. Từ đó cũng cải thiện sức khỏe tốt hơn, tránh “trách oan” cà phê nhé!