Không chỉ tại Việt Nam mà ở một số nước châu Á khác như Thái Lan, Ấn Độ hay Trung Quốc, cây gấc cũng được canh trồng và sử dụng khá phổ biến. Đặc biệt, ngoài quả gấc, các bộ phận như hạt, rễ, lá và dây gấc đều là vị thuốc quý hỗ trợ chữa bệnh.
1. Đặc điểm của cây gấc
Cây gấc có tên khoa học là Momordica cochinchinensis, cây dây leo sống lâu năm, thuộc chi mướp đắng, thích hợp sinh trưởng trong điều kiện khí hậu mát mẻ. Cây gấc có hoa màu vàng, quả hình tròn, sắc xanh khi chín chuyển sang đỏ cam, phần vỏ có gai đậm.
Tại Việt Nam có khoảng 3 loại gấc là gấc nếp, gấc tẻ và gấc lai, thường cho thu hoạch quả vào khoảng từ tháng 9 tới tháng 1 âm lịch hàng năm, tức thời điểm cuối năm, giáp Tết.
2. Tác dụng của quả gấc (thịt gấc) với sức khỏe và làm đẹp
Quả gấc vốn nổi danh là “quả đến từ thiên đường” bởi vừa mang màu sắc rực rỡ, vừa hội tụ vô vàng chất chống oxy hóa cùng các nhóm vitamin thiết yếu cho cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu thêm về tác dụng của quả gấc với sức khỏe và làm đẹp ngay sau đây nhé!
2.1 Cải thiện thị lực
Một trong những tác dụng của quả gấc cần phải nhắc tới đầu tiên đó chính là hỗ trợ duy trì và cải thiện thị lực vô cùng hiệu quả.
Rất nhiều các nghiên cứu dinh dưỡng nhận thấy rằng hàm lượng hoạt chất tiền vitamin A – beta-carotene được tìm thấy trong thịt gấc cao hơn khoảng 10 lần so với cà rốt. Dưỡng chất này sẽ trực tiếp tham gia sản sinh sắc tố ở võng mạc, bảo vệ giác mác, đồng thời thúc đẩy tầm nhìn của mắt trong điều kiện ánh sáng yếu.
Xem thêm: Ngoài việc giúp sáng mắt, vitamin A còn vô vàn lợi ích khác cho sức khỏe
2.2 Ngăn ngừa ung thư
Giống như nhiều loại quả có màu đỏ như cà chua hay dưa hấu,…quả gấc cũng chứa lượng chất lycopene cực kì lớn. Theo đó hoạt chất chống oxy hóa thuộc nhóm carotenoid này có khả năng ngăn chặn sự tấn công của gốc tự do lên tế bào, ức chế hình thành khối u, từ đó hạn chế tối đa tỉ lệ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm.
2.3 Phòng chống thiếu máu
Bổ sung thêm gấc vào chế độ dinh dưỡng là cách chúng ta chủ động phòng chống thiếu máu và các bệnh lý liên quan đến thiếu máu. Điều này là bởi trong gấc có chứa lượng lớn vitamin C – thành tố xúc tác quan trọng giúp cơ thể dễ dàng hấp thu vi chất sắt, nhằm tăng sinh hồng cầu.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chia sẻ rằng, sự hiện diện của vitamin C còn góp phần bảo toàn hai nhóm chất beta- carotene và lycopene không bị hao hụt.
Xem thêm: Những biểu hiện ‘tố cáo’ bạn đang bị thiếu máu, tuyệt đối không nên bỏ qua
2.4 Giảm mức cholesterol
Quả gấc được xếp vào nhóm thực phẩm khá lành mạnh đối với hệ tuần hoàn và tim mạch. Lúc này, lượng chất axit oleic và axit linoleic từ tinh dầu gấc sẽ “giải phóng” cholesterol xấu (LDL) ra khỏi cơ thể, giảm thiểu tỉ lệ tắc nghẽn động mạch vành – nguyên nhân gây ra các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng như đột quỵ, suy tim hay thậm chí là tử vong.
2.5 Tác dụng của quả gấc tăng cường trí nhớ
Theo phân tích dinh dưỡng, ngoài axit oleic và axit linoleic, quả gấc còn chứa nhóm axit béo omega-3 rất cần thiết cho hệ thần kinh. Cụ thể, omega-3 đảm nhiệm vai trò kết nối các tế bào thần kinh, tăng cường trí nhớ cũng như phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
2.6 Tốt cho hệ tiêu hóa
Các dưỡng chất chiết xuất từ thịt gấc được đánh giá là tốt cho hệ tiêu hóa, chúng có nhiệm vụ tăng sinh lợi khuẩn đường ruột, thúc đẩy quá trình bài tiết chất thải và cải thiện chứng táo bón kéo dài.
2.7 Tác dụng của quả gấc trị nám, tàn nhang
Bên cạnh vitamin C và vitamin A, quả gấc còn mang tới một lượng lớn vitamin E tự nhiên hỗ trợ nuôi dưỡng làn da sáng khỏe. Vitamin E sẽ giảm tốc độ hình thành hắc tố melanin cũng như kích thích tái tạo lớp collagen dưới da. Có lẽ vì vậy nên các loại mặt nạ dầu gấc rất “được lòng” chị em phụ nữ, giúp trị nám và tàn nhang hữu hiệu.
Xem thêm: Phái nữ 'phát cuồng' 'với khả năng thần kỳ của mặt nạ dầu gấc
3. Tác dụng của hạt gấc
Cùng với phần thịt gấc đỏ rực tạo màu sắc bắt mắt cho các món ăn, hạt gấc (mộc miết tử) cũng được dùng để điều chế một số bài thuốc Đông y trị bệnh. Bởi tác dụng của hạt gấc hay chính xác là lớp màng đỏ bao quanh phần hạt đen cung cấp lượng vitamin E và chất chống oxy hóa vô cùng dồi dào. Chính vì thế, nhiều gia đình sẽ lọc lấy phần hạt gấc rồi phơi khô hoặc nướng, đem ngâm với rượu để xoa bóp, giảm đau.
Đặc biệt, trong liệu trình dưỡng da, bạn cũng có thể tham khảo dùng hạt gấc ngâm rượu để tăng độ ẩm cho da. Tuy nhiên nếu có tiền sử dị ứng ngứa ngáy thì tốt nhất phải hỏi ý kiến bác sĩ da liễu trước khi sử dụng.
Xem thêm: Hạt gấc ngâm rượu có tác dụng gì mà mọi nhà mách nhau ‘gom góp’ hạt?
4. Gợi ý các món ngon từ quả gấc
Để hấp thu trọn vẹn nguồn dinh dưỡng từ quả gấc, cách đơn giản nhất là tận dụng gấc làm nguyên liệu chế biến các món ăn hấp dẫn và thơm ngon, gồm cả món ngọt lẫn món mặt. Trong đó nhất định phải kể tới những cái tên nổi bật như xôi gấc, bánh chưng gấc, sữa gấc hay các món canh, món xào từ quả gấc non.
Ngoài ra, lá gấc non thái chỉ còn được dùng như một loại gia vị không thể thiếu trong món củ niễng xào rượu – một món ăn đặc biệt ở miền Bắc.
Xem thêm: 10 cách chế biến quả gấc đơn giản, hấp dẫn để các ‘đầu bếp tại gia’ thỏa sức trổ tài
5. Một số lưu ý dùng quả gấc đúng cách
Ngoài việc “nằm lòng” các công thức chế biến món ngon từ quả gấc, để hấp thu trọn vẹn dưỡng chất, bạn cần ghi nhớ thực hiện một số lưu ý an toàn sau đây nhé:
5.1 Không bỏ màng đỏ quanh hạt gấc
Như đã chia sẻ, màng đỏ bao quanh hạt gấc là phần rất giàu dinh dưỡng, do đó hãy tách lấy bộ phận này thêm vào các món ăn.
5.2 Hạn chế ăn quá nhiều gấc
Mặc dù tác dụng của hạt gấc tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều gấc vì đây là loại quả có chứa nhiều dạng tiền vitamin A, khi dư thừa, cơ thể không đào thải ra mà sẽ tích lũy lại trong gan, lâu ngày sẽ gây vàng da, ngộ độc.
Xem thêm: Những tác hại nguy hiểm khi thừa vitamin A quá nhiều trong cơ thể
5.3 Tránh lạm dụng dầu gấc
Dầu gấc bổ dưỡng nhưng chỉ nên dùng 1 – 2ml dầu gấc mỗi ngày cho người lớn. Khi đã dùng dầu gấc thì không nên ăn nhiều các loại rau quả giàu chất beta carotene như bí đỏ, cà rốt, đu đủ...
Nếu là dầu gấc nguyên chất ép từ màng gấc đã phơi, sấy khô thì với trẻ em chỉ cần 8 giọt/ ngày (khoảng 2 viên nang).
6. Thành phần dinh dưỡng của quả gấc
Giá trị dinh dưỡng của quả gấc khá cao trong các nghiên cứu hiện đại. Theo tài liệu từ Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam – Bộ Y tế thì các chất dinh dưỡng trong 100gr thịt gấc có rất nhiều. Một số thành phần dinh dưỡng điển hình như:
- Nước: 77 g
- Năng lượng: 122 KCal
- Protein: 2.1 g
- Carbohydrate (đạm): 10.5 g
- Chất béo: 7.9 g
- Photpho: 6 mg
- Vitamin C: 11 mg
- Beta-carotene (tiền sinh tố A): 21756 µg
Dù quả gấc là siêu thực phẩm bổ dưỡng nhưng nếu muốn tận dụng tối ưu những tác dụng của quả gấc với sức khỏe, bạn đừng quên tuân thủ các quy tắc an toàn trên đây nhé!