Bắp cải giòn ngọt, cung cấp nguồn khoáng chất và vitamin dồi dào, lại có thể làm nguyên liệu của vô vàn món ăn thơm ngon nên không khó hiểu vì sao khi vào mùa nhà nhà đều chọn mua. Tuy nhiên, để có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị cũng như hấp thu hiệu quả dưỡng chất từ loại rau này bạn cần chú ý sử dụng đúng cách, đúng lượng.
1. Tác hại của bắp cải là gì?
Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng hàng ngày, các chuyên gia luôn khuyến khích chúng ta kết hợp đa dạng nhiều loại rau xanh thay vì chỉ tập trung ăn một loại. Theo đó, ăn bắp cải nhiều hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, mỗi bữa chỉ nên ăn từ 300 – 500g và khoảng 2 – 3 bữa trong tuần là hợp lý.
Duy trì hàm lượng như vậy sẽ giúp bạn chủ động phòng tránh một số tác hại của bắp cải dưới đây:
1.1 Ăn nhiều bắp cải có bị bướu cổ không?
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và nhận thấy rằng ăn nhiều bắp cải có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh bướu cổ. Bởi lúc này hấp thu lượng lớn hoạt chất goitrogens từ bắp cải sẽ làm ức chế hoạt động chuyển hóa i-ốt tới tuyến giáp, dẫn đến tình trạng sưng to và tạo bướu ở cổ.
1.2 Gây tiêu chảy
Bắp cải được xếp vào nhóm thực phẩm có tính hàn mát và rất giàu chất xơ. Song cũng chính vì vậy, nếu bạn liên tục tiêu thụ nhiều loại rau này, hệ tiêu hóa có thể sẽ gặp “trục trặc”, dễ bị lạnh bụng và mắc chứng tiêu chảy kéo dài.
Xem thêm: Ăn gì khi bị tiêu chảy? 7 loại thực phẩm sẽ giúp giải quyết vấn đề trên
1.3 Đầy hơi chướng bụng
Theo phân tích dinh dưỡng, trong bắp cải chứa đường riffinose – thuộc nhóm đường có cấu trúc phức tạp mà đường ruột rất khó hấp thu toàn bộ, thậm chí còn tăng sinh khí carbon dioxide. Do đó ăn bắp cải với hàm lượng lớn có thể là tác nhân khiến bạn cảm thấy ợ hợi, đầy hơi và “ậm ạch” trong bụng.
1.4 Hạ huyết áp quá mức
Nhờ có chứa lượng khoáng chất kali dồi dào, bắp cải được đánh giá là một loại rau xanh khá phù hợp với người bệnh huyết áp cao. Nhưng không vì thế mà bạn chỉ tập trung thêm bắp cải vào khẩu phần ăn vì đôi khi sẽ gây tác dụng ngược, làm hạ huyết áp xuống thấp quá mức, bị hoa mắt chóng mặt và choáng váng.
Xem thêm: Nhận diện 9 thủ phạm gây hoa mắt chóng mặt cùng chế độ ăn uống giúp cải thiện sức khỏe
1.5 Tương tác với thuốc chống đông máu
Lượng vitamin K được tìm thấy trong bắp cải khá lớn, tương đương với hơn 80% nhu cầu hàng ngày mà cơ thể cần. Thế nhưng chúng ta biết rằng vitamin K vốn có đặc tính thúc đẩy protein prothrombin hoạt động để quá trình đông máu diễn ra nhanh chóng - tác động hoàn toàn trái ngược thuốc chống đông máu.
Vì vậy, lời khuyên là khi đang điều trị có sử dụng thuốc chống đông máu như warfarin bạn cần tham vấn bác sĩ trước khi thêm bắp cải vào chế độ dinh dưỡng, để hạn chế tương tác thuốc xảy ra.
2. Một số đối tượng không nên ăn bắp cải
Các món ăn từ bắp cải thường dễ chế biến và khá hấp dẫn, song thực tế thì không phải ai cũng được khuyến khích bổ sung chúng vào thực đơn. Theo đó, nếu bạn thuộc một trong các đối tượng dưới đây thì tốt nhất không nên ăn bắp cải hoặc hạn chế tối đa lượng rau này trong khẩu phần ăn:
2.1 Đang điều trị cường giáp
Như đã chia sẻ, tiếp nạp quá nhiều lượng chất goitrogens trong bắp cải có thể gây thiếu hụt i-ốt và làm “gián đoạn” các hoạt động chuyển hóa của tuyến giáp. Do vậy, đây không phải là loại rau xanh thích hợp với người đang điều trị bệnh cường giáp.
Trường hợp bạn thấy “thèm”, hãy ăn ở một lượng vừa phải (khoảng 50 – 70g), trước khi ăn nên cắt từng lá bắp cải, ngâm rửa rồi thái nhỏ, để khoảng 10 - 15 phút rồi mới chế biến bởi khi đó, goitrogens sẽ bị phân hủy hết.
2.2 Bị rối loạn tiêu hóa
Đối với nhóm người thể trạng hư hàn, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa (nhất là mắc chứng tiêu chảy) thì nên cân nhắc trước khi sử dụng những món ăn từ bắp cải, nhằm tránh khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
2.3 Mắc bệnh suy thận
Khi đang mắc bệnh suy thận (thậm chí đang phải chạy thận nhân tạo), bạn nên chú ý cắt giảm rau bắp cải trong bữa ăn hàng ngày. Điều này là bởi hàm lượng lớn khoáng chất kali từ bắp cải sẽ tăng gánh nặng lên hoạt động bài tiết và lọc máu của thận, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Xem thêm: 8 dấu hiệu suy thận mà nhiều người thường chủ quan bỏ qua
3. Những lưu ý khác cần biết khi ăn bắp cải
Dưới đây là những lưu ý an toàn khác cần biết khi chế biến và sử dụng các món ăn từ bắp cải:
3.1 Ngâm rửa sạch trước khi chế biến
Dù pha chế nước ép bắp cải từ bắp cải sống hay đem nấu chín, công đoạn đầu tiên bạn phải thực hiện là rửa sạch và ngâm rau với dung dịch nước muối loãng từ 15 – 20 phút. Ngâm rửa kĩ càng như vậy sẽ loại bỏ được bụi bẩn, thuốc trừ sâu hay phân bón trong rau, giảm thiểu những rủi ro sức khỏe.
3.2 Không đun nấu quá lâu
Trong quá trình chế biến bắp cải như luộc, hấp hay xào, chú ý không đun ở nhiệt độ cao và quá lâu vì không chỉ làm hao hụt dưỡng chất mà còn khiến rau nhũn mềm, kém hấp dẫn.
3.3 Tránh tích trữ lâu các món ăn từ bắp cải
Hãy chế biến món ăn từ bắp cải với lượng vừa đủ để dùng hết trong bữa, tránh tích trữ qua đêm và nhiều ngày vì chúng sẽ sản sinh nhiều muối nitrat, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Xem thêm: Giới hạn thời gian khi bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh là bao lâu?
3.4 Hạn chế ăn trái cây giàu vitamin C cùng bắp cải
Sau khi ăn rau bắp cải, tuyệt đối không nên ăn ngay các loại trái cây giàu vitamin C như quả cam, quả bưởi,…mà hãy dùng cách khoảng 45 phút – 1 tiếng.
Hiểu rõ các tác hại của bắp cải không phải để chúng ta kiêng khem hoàn toàn loại rau này, thay vào đó hãy “nằm lòng” những hướng dẫn an toàn, khoa học trên đây và sử dụng thật hợp lý để hấp thu đa dạng chất dinh dưỡng cũng như bảo vệ sức khỏe thật tốt, bạn nhé!