‘Thiết kế’ món ăn dặm nước mía cho bé yêu với 4 công thức này

(VOH) – Thời gian gần đây nhiều mẹ đảm đang ‘mày mò’ tận dụng nước mía làm nước dùng chế biến món ăn dặm cho các bé. Nhưng liệu rằng ăn dặm nước mía có tốt không và cần lưu ý gì khi nấu loại nước này?

Từ lâu mía đã được xếp vào nhóm trái cây có vị ngọt ngào, giàu dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên điểm khác biệt của mía đó là khá giòn cứng nên để các bé yêu có thể thưởng thức được hương vị cũng như hấp thu thêm nhiều chất dinh dưỡng quý giá từ loại trái cây này, phần lớn các mẹ thường dùng nước mía.

1. Ăn dặm nước mía có tốt cho trẻ?

Vừa có vị ngọt man mát, vừa cung cấp các vitamin cùng khoáng chất thiết yếu, ăn dặm nước mía là một gợi ý tuyệt vời mà mẹ có thể tham khảo áp dụng. Ăn dặm nước mía tốt cho trẻ và mang tới những lợi ích sức khỏe như:

1.1 Kích thích trẻ ăn ngon miệng

Thay vì nêm nếm với đường tinh luyện hay các chất tạo ngọt khác, những món ăn chế biến trực tiếp từ nước mía sẽ có vị ngọt thơm tự nhiên, dễ dàng “hấp dẫn” các bạn nhỏ. Từ đây có thể giúp con cảm thấy ăn ngon miệng, bữa ăn dặm sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

thiet-ke-mon-an-dam-nuoc-mia-cho-be-yeu-voi-4-cong-thuc-nay-voh-0
Vị ngọt ngọt, thơm thơm của nước mía sẽ khiến món ăn hấp dẫn hơn, kích thích bé ăn ngon miệng (Nguồn: Internet)

1.2 Thanh nhiệt, làm mát cơ thể

Nước mía vốn được đánh giá là loại nước trái cây có tính hàn mát, với đặc tính thanh nhiệt và làm mát cơ thể khá hữu hiệu. Vì thế, để hạn chế bé gặp bị nóng trong người hay rôm sảy ngứa ngáy, mẹ hoàn toàn có thể bổ sung thêm nước mía trong khẩu phần cho bé ăn dặm.  

Xem thêm: Vì sao trẻ bị rôm sảy? Cách chữa trị hiệu quả cha mẹ cần phải biết

1.3 Hỗ trợ phát triển hệ vận động

Như đã chia sẻ, trong mía có chứa lượng khoáng chất tương đối dồi dào, điển hình phải kể đến canximagie. Theo đó, những dưỡng chất này đều trực tiếp tham gia hình thành tế bào xương mới, thúc đẩy tăng trưởng chiều cao và hỗ trợ hoàn thiện hệ vận động của con trẻ.

1.4 Giảm viêm họng

Ngoài nước lọc ấm hay nước mật ong, cho bé nhấp chút nước mía cũng là cách cải thiện cơn ho và giảm viêm họng khá an toàn, lành tính. Tuy nhiên cần lưu ý rằng phương pháp chỉ phù hợp với những trường hợp nhẹ, nếu con ho dai dẳng nhiều ngày, cha mẹ nên đưa bé tới cơ sở y tế thăm khám để bác sĩ chỉ định dùng thuốc đặc trị.

Xem thêm: Các nguyên nhân chính khiến trẻ bị viêm họng và cách đối phó cha mẹ phải biết

2. Cách nấu nước mía cho bé ăn dặm

Bên cạnh cho bé uống nước mía trực tiếp, dưới đây xin mách nhỏ mẹ một vài cách nấu nước mía cho bé ăn dặm cực kì đơn giản nhưng vẫn có thể khiến những “thực khách nhỏ” này thích mê:

2.1 Nước dashi từ mía

thiet-ke-mon-an-dam-nuoc-mia-cho-be-yeu-voi-4-cong-thuc-nay-voh-1
Nước dashi từ mía vừa ngọt thơm, lại giàu dưỡng chất (Nguồn: Internet)

Nếu lựa chọn xây dựng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật thì có lẽ nước dashi là loại nước dùng gần như không thể “vắng bóng” giúp mẹ chế biến nhiều món ăn đậm đà và bổ dưỡng cho bé yêu. Cùng với công thức nước dashi từ rong biển kombu hay cá ngừ bào khô, nước dashi từ mía – nước mía hầm ngọt thơm cũng rất thích hợp với chế độ ăn dặm của các bé đấy!

Xem thêm: Hướng dẫn mẹ cách nấu 5 loại nước dashi giúp bé ăn ngon miệng, tăng cân nhanh

2.2 Cháo nước mía

thiet-ke-mon-an-dam-nuoc-mia-cho-be-yeu-voi-4-cong-thuc-nay-voh-2
Cháo nước mía mềm ngọt, dễ chế biến (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Mía tươi: 1 – 2 khúc dài khoảng 10cm
  • Gạo tẻ (hoặc bột gạo đã xay sẵn): 50 – 70g
  • Nước: 300 – 500ml
  • Gia vị cho trẻ ăn dặm

Cách nấu cháo nước mía cho bé ăn dặm

  • Cạo bỏ vỏ mía, sau đó tiện thành các khúc nhỏ và đem luộc để cho hết nước ngọt. Tiếp đến dùng rây lọc bỏ bớt cặn bã, lợn cợn để khi ăn bé không bị hóc nghẹn.
  • Vo sạch gạo, trút nước mía và thêm chút nước lọc rồi tiến hành nấu cháo như bình thường.
  • Khi cháo chín, nêm một chút gia vị vừa ăn rồi cho bé thưởng thức.

Xem thêm: Mách nhỏ các mẹ 6 công thức nấu cháo bí đao cho bé ăn dặm

2.3 Chè sen đậu đỏ nước mía

thiet-ke-mon-an-dam-nuoc-mia-cho-be-yeu-voi-4-cong-thuc-nay-voh-3
Chè sen đậu đỏ nước mía hấp dẫn (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Mía tươi: 1 – 2 khúc nhỏ
  • Hạt sen: 20g
  • Đậu đỏ: 20g
  • Bột năng (không bắt buộc)

Cách nấu chè sen đậu đỏ nước mía

  • Cạo vỏ mía, đem tiện thành các khúc nhỏ rồi luộc đem luộc chín, lọc bỏ bã và chắt lấy nước ngọt.
  • Ngâm hạt sen và đậu đỏ từ 5 – 6 tiếng. Chú ý tách bỏ phần tâm sen để khi nấu chè không bị đắng.
  • Ninh như hỗn hợp hạt sen và đậu đỏ. Tùy theo khả năng ăn thô của bé, mẹ có thể xay nhuyễn nhỏ phù hợp.
  • Đun sôi hỗn hợp gồm hạt sen, đậu đỏ và nước mía, đun khoảng 5 – 10 phút. Nếu muốn chè sánh quyện, mẹ hãy hòa thêm chút bột năng.

Xem thêm: Hướng dẫn mẹ 7 cách nấu cháo đậu đỏ cho bé yêu tập ăn dặm

2.4 Súp khoai lang nước mía

thiet-ke-mon-an-dam-nuoc-mia-cho-be-yeu-voi-4-cong-thuc-nay-voh-4
Súp khoai lang nước mía ngầy ngậy (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Mía tươi: 1 – 2 khúc nhỏ
  • Khoai lang: 1 củ nhỏ (15 – 20g)
  • Sữa mẹ (hoặc sữa công thức): 100 – 150ml

Cách nấu súp khoai lang nước mía

  • Cạo vỏ mía, tiện thành các khúc nhỏ. Đem luộc mía cho ra hết nước ngọt, chú ý dùng rây lọc bỏ bã.
  • Ngâm rửa sạch khoai lang, đem luộc chín. Tiếp đến bóc vỏ, nghiền khoai nhuyễn nhỏ.
  • Đun sôi hỗn hợp gồm khoai lang, nước mía, liên tục khuấy đều tay tới khi khoai lang tan nhuyễn mịn, thêm chút sữa để tăng vị ngậy cho súp.

Xem thêm: 5 món cháo khoai mỡ cho bé ăn dặm giàu dinh dưỡng

3. Nấu nước mía cho bé ăn dặm khi nào là tốt nhất?

Khi trẻ bắt đầu bước vào thời kì ăn dặm, từ đủ 6 tháng tuổi trở lên mẹ hoàn toàn có thể yên tâm dùng nước mía thay thế cho các loại nước dùng thông thường. Ngoài ra, lời khuyên là mẹ nên bổ sung các món ăn từ nước mía vào bữa sáng, bữa trưa hay bữa xế chiều, nhằm đảm bảo bé có thể hấp thu trọn vẹn nguồn dưỡng chất.

4. Một số lưu ý cần biết khi dùng nước mía cho bé ăn dặm

Khi quyết định lựa chọn nấu nước mía cho bé ăn dặm, mẹ hãy chú ý thực hiện một số khuyến cáo an toàn sau:

  • Không nên lạm dụng nước mía trong chế biến món ăn dặm, dễ tạo cho trẻ thói quen thích ăn ngọt về sau, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh béo phì hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng. Tốt nhất mỗi tuần chỉ cho bé dùng từ 1 – 2 món từ nước mía.
  • Ăn dặm nước mía không giúp bé tăng cân nhanh nên mẹ tránh thêm quá nước mía vào món ăn, khoảng 30 – 50ml nước mía là hợp lý, duy trì một lượng ổn định cho món ăn.
  • Trong trường hợp bé đang bị tiêu chảy, đi tướt cũng nên hạn chế thêm nước mía vào món ăn.

Nhìn chung, nước mía không chỉ đơn thuần là loại nước trái cây rẻ tiền, dễ tìm kiếm mà còn được xem như một loại nước dùng ngon ngọt, bổ dường khá phù hợp với chế độ ăn dặm của các bé. Vì thế, mẹ hãy yên tâm lưu lại những công thức trên đây để “biến tấu” món ăn dặm nước mía cho con nhé!