Chờ...

9 điều giúp mẹ 'hóa giải' thắc mắc bà bầu ăn cải thảo được không

(VOH) – Với nhiều mẹ bầu cải thảo vốn là món rau xanh ‘khoái khẩu’ mà mẹ muốn thêm vào thực đơn của thai kì. Song thực tế nhiều mẹ còn khá ‘dè dặt’ bởi băn khoăn bà bầu ăn cải thảo được không?

Xây dựng thói quen ăn nhiều rau xanh trong thai kì là điều mà các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến khích mẹ bầu thực hiện. Tuy nhiên, có thể nói rằng các mẹ thường khá đắn đo không biết loại rau nào mới thực sự tốt và an toàn để bổ sung vào khẩu phần dưỡng thai.

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng khi mang thai thì nên tránh các món ăn từ cải thảo, song cũng có lời khuyên mẹ bầu vẫn có thể sử dụng. Vậy bà bầu ăn cải thảo được không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc này giúp mẹ nhé!

1. Bà bầu ăn cải thảo được không?

Giống như bắp cải, cải thảo cũng thuộc họ Cải và là một trong những loại rau mùa đông giàu dưỡng chất, cung cấp dồi dào khoáng chất cùng nhiều vitamin thiết yếu như vitamin B, vitamin C hay vitamin K. Chính vì thế, cho đến nay, theo khuyến cáo dinh dưỡng thì khi mang thai bà bầu vẫn ăn cải thảo được nên các mẹ đừng quá lo lắng và cắt giảm hoàn toàn nhé!

9-dieu-giup-me-hoa-giai-thac-mac-ba-bau-an-cai-thao-duoc-khong-voh-0
Bà bầu vẫn có thể ăn cải thảo trong thai kì và không phải kiêng khem tuyệt đối (Nguồn: Internet)

2. Bà bầu ăn cải thảo tốt cho sức khỏe thế nào?

Nếu sử dụng và chế biến cải thảo với lượng hợp lý, đúng cách, bà bầu sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe tuyệt vời này:

2.1 Thanh nhiệt cơ thể

Cải thảo là thực phẩm tính hàn mát, mềm ngọt và khá mọng nước nên các món ăn từ loại rau này thường có công dụng thanh độc, giải nhiệt cơ thể hữu hiệu. Do đó, khoảng 1 – 2 bữa trong tuần mẹ bầu có thể tham khảo dùng thêm cải thảo để điều hòa thân nhiệt, giảm tình trạng bốc hỏa khi mang thai.

2.2 Cải thiện táo bón thai kì

Cải thảo cũng có đặc tính giống như những loại rau xanh thông thường, đó là rất giàu chất xơ, gồm cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Dưỡng chất này sẽ củng cố hệ thống lợi khuẩn đường ruột, tăng hút nước làm mềm phần, “đẩy lùi” chứng táo bón thai kì.

Xem thêm: Giải pháp giúp mẹ vượt qua chứng táo bón khi mang thai nhẹ nhàng

2.3 Phòng ngừa dị tật bẩm sinh

Theo phân tích dinh dưỡng, lượng vitamin B9 (axit folic) được tìm thấy trong cải thảo tương đương với hơn 20% nhu cầu hàng ngày, cực kì cần thiết cho sự phát triển toàn diện của thai nhi. Nhóm vitamin này là thành tố quan trọng hình thành các cơ quan, tế bào trong cơ thể, hoàn thiện xương sọ não và não bộ, từ đây hạn chế tối đa nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh sau khi con chào đời.

2.4 Giảm stress khi mang thai

Vitamin B9 cùng một số vitamin nhóm B khác vitamin B1 hay vitamin B5 trong rau cải thảo sẽ kết hợp cùng nhau tổng hợp axit amin, tăng sản xuất chất dẫn truyền thần kinh, hỗ trợ giảm stress khi mang thai.

Xem thêm: 6 cách giúp mẹ bầu 'vượt qua' tình trạng bị stress khi mang thai

2.5 Tăng cường sức đề kháng

Bên cạnh các vitamin nhóm B, cải thảo còn cung cấp hàm lượng lớn vitamin C, trung bình 100g cải thảo tươi chứa khoảng 27mg (tương đương với 45% nhu cầu cơ thể). Nhờ có sự “góp mặt” của nhóm vitamin này, sức đề kháng của mẹ bầu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, lượng tế bào bạch cầu trung tính tăng lên và ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh.

9-dieu-giup-me-hoa-giai-thac-mac-ba-bau-an-cai-thao-duoc-khong-voh-1
Hấp thu vitamin C từ cải thảo sẽ giúp tăng cường sức đề kháng ở mẹ bầu (Nguồn: Internet)

2.6 Tốt cho hệ vận động

Cải thảo được xếp vào nhóm rau xanh chứa đa dạng các khoáng chất, điển hình phải kể đến như canxi, photpho hay khoáng chất magie. Những nhóm chất này không chỉ tăng kết nối khớp xương, giúp mẹ bớt đau nhức mà còn trực tiếp tham gia cấu tạo cũng như hoàn chỉnh hệ vận động của thai nhi.

Xem thêm: Những lưu ý cần nắm khi bổ sung khoáng chất trong thai kỳ

2.7 Hạn chế nguy cơ xuất huyết

Để chủ động dự phòng thiếu hụt vitamin K và phòng tránh tình trạng mẹ xuất huyết sau sinh hay xuất huyết não ở trẻ, tăng cường bổ sung cải thảo vào khẩu phần ăn hàng ngày cũng là phương pháp mẹ nên tham khảo. Theo đó, lượng vitamin K từ cải thảo (tương đương với 38% giá trị hàng ngày) sẽ kích hoạt protein prothrombin, đẩy nhanh thời gian đông máu, giảm mất máu quá nhiều.

2.8 Kiểm soát đường huyết

Hấp thu thêm lượng chất xơ cùng các khoáng chất từ cải thảo sẽ góp phần giúp mẹ phòng ngừa tiểu đường thai kì hiệu quả. Lúc này chúng sẽ tham gia kiểm soát tốc độ chuyển hóa đường glucose vào máu, đồng thời cải thiện độ nhạy của insulin, đảm bảo nồng độ đường huyết luôn ở mức an toàn.

Xem thêm: Tìm hiểu ngay thực đơn cho bà bầu tiểu đường giúp kiểm soát bệnh hiệu quả

2.9 Duy trì huyết áp ổn định

Duy trì huyết áp ổn định và không tăng quá cao khi mnag thai là một trong những ưu tiên mẹ bầu cần phải đảm bảo thực hiện tốt. Vì lý do đó, các chuyên gia thường khuyến khích mẹ ăn thêm các thực phẩm giàu khoáng chất kali như cải thảo để cân bằng thể tích dịch, hỗ trợ đào thải lượng muối natri dư thừa và điều hòa huyết áp.

3. Gợi ý một số món ngon từ cải thảo cho bà bầu

Có vô vàn món ngon hấp dẫn từ cải thảo mà mẹ bầu có thể dễ dàng chế biến tại nhà và thưởng thức, trong số đó phải kể đến kim chi cải thảo. Thực tế thì nhiều mẹ cũng băn khăn không biết bà bầu ăn kim chi cải thảo được không, câu trả lời là có song mẹ chỉ nên ăn một lượng vừa phải (khoảng 20 – 30g mỗi lần), tránh ăn quá nhiều.

9-dieu-giup-me-hoa-giai-thac-mac-ba-bau-an-cai-thao-duoc-khong-voh-2
Cải thảo có thể dùng chế biến khá nhiều món ngon (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, cùng với kim chi cải thảo, dưới đây là một vài gợi ý khác dành cho mẹ:

  • Cải thảo cuộn thịt
  • Miến xào cải thảo
  • Cải thảo xào trứng
  • Canh cải thảo thịt bằm
  • Bánh cải thảo tẩm bột chiên
  • Thịt viên cải thảo

Xem thêm: Vào bếp còn đắn đo cải thảo nấu gì ngon, thử ngay 12 gợi ý này!

4. Những lưu ý an toàn nên biết khi bà bầu ăn cải thảo

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ lẫn thai nhi, khi sử dụng cải thảo mẹ đừng quên những lưu ý quan trọng sau:

4.1 Không ăn quá nhiều

Tốt nhất hãy ăn đa dạng rau xanh, củ quả thay vì chỉ tập trung ăn rau cải thảo. Mỗi tuần bà bầu nên cân đối và chỉ ăn từ 1 – 2 bữa, mỗi lần khoảng 200 – 300g là hợp lý.

4.2 Chú ý ngâm rửa kĩ càng

Trước khi chế biến hãy tách từng lá cải thảo rồi ngâm rửa kĩ với nước muối loãng bởi cải thảo thường sinh trường sát mặt đất nên dễ bị bám bẩn, giun sán.

4.3 Hạn chế ăn khi bị tiêu chảy

Vì cải thảo vốn có tính hàn mát, do vậy trong trường hợp đang bị tiêu chảy, lời khuyên là mẹ tạm thời ngừng ăn các món ăn từ cải thảo.

Những băn khoăn về việc nên hay không nên ăn rau cải thảo trong thai kì có lẽ vẫn luôn khiến các mẹ bầu “rối như tơ vò”. Song hy vọng rằng các thông tin chia sẻ trên đây đã phần nào giúp mẹ “gỡ rối”, đồng thời hiểu thêm về tác dụng của cải thảo với sức khỏe cùng cách sử dụng an toàn nhé!