Chúng ta đều biết hộp sọ là vỏ bọc tốt nhất giúp bảo vệ não bộ, nó được bao phủ bởi lớp da với hệ thống mạch máu chằng chịt. Tuy nhiên, cần phân biệt chấn thương hộp sọ và chấn thương não bộ.
Đa số các trường hợp trẻ bị ngã đập đầu thường chỉ bị chấn thương hộp sọ. Nếu da bị rách thì có thể gây chảy máu. Mạch máu dưới da bị vỡ cũng có thể gây tụ máu, tạo nên khối u lớn, nhưng khối u này sẽ xẹp đi nhanh chóng nếu được chườm lạnh.
Mỗi lo ngại lớn nhất khi trẻ em bị ngã đập đầu chính là tổn thương não bộ, dưới dạng chảy máu hoặc chấn động não do va đập. Khối xuất huyết hoặc tình trạng phù nề sẽ gây chèn ép não hay còn được gọi là chấn thương sọ não.
1. Những nguyên nhân cơ bản khiến trẻ bị ngã
Sự bất cẩn của người lớn là một trong những nguyên nhấn khiến trẻ bị té ngã. Trẻ có thể bị ngã từ trên giường xuống đất, ngã từ xe đẩy, trên võng, trên ghế... Bên cạnh đó, trẻ chơi đùa ở những nơi trơn trượt như nhà tắm, sàn nước, nhà mới lau,.. cũng có thể bị té ngã.
Trẻ nhỏ rất dễ bị té ngã (Nguồn: Internet)
Những trẻ lớn chơi với nhau, thường nô đùa, xô đẩy nhau ngã. Hoặc những đứa trẻ bị té đập đầu trong khi chơi thể thao như: bóng đá, đá cầu, kéo co… ở những chỗ nguy hiểm, không đảm bảo điều kiện sân chơi, không có người lớn hướng dẫn.
2. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị té trúng đầu?
Khi trẻ bị té đập đầu xuống đất, trước tiên cha mẹ hãy tìm cách xoa dịu bé, cố gắng không phản ứng kích động quá mức nếu cú ngã hay va chạm nhẹ, không gây tổn thương nghiêm trọng khiến bé hoảng sợ.
Nếu ở đầu bé có nổi lên cục u to, mẹ hãy tiến hành chườm lạnh tại vị trí sưng trong khoảng 20 phút. Nếu cần thiết, sau khi nghỉ 5 phút mẹ có thể chườm thêm 20 phút nữa. Việc chườm lạnh sẽ giúp bé ngăn ngừa được hiện tượng vôi hóa dưới da sau khi trẻ bị ngã sưng trán.
Nếu bé tỉnh táo, nói chuyện, đi lại, chơi đùa bình thường thì me chỉ cần chườm lạnh và theo dõi. Giữ bé thức trong vòng ít nhất là 1 giờ đầu. Sau đó cho bé ngủ một chút nhưng không quá 20 phút.
3. Những trường hợp cần đưa bé đi bác sĩ
Cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu thấy xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ chấn thương sọ não sau đây:
- Bất tỉnh: Nếu bé bị bất tỉnh, dù chỉ vài giây, mẹ cũng nên lưu tâm vì nếu lực va đập đủ mạnh cũng có thể gây khối máu tụ.
- Rối loạn tri giác: Ngay sau ngã, bé vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại có những dấu hiệu bất thường như kích động khó dỗ, lơ mơ, tiếp xúc kém như: bé không thể tập trung chú ý vào bạn, không nhìn vào mắt bạn, không làm theo yêu cầu của bạn, không nhận ra người thân trong gia đình….
- Nôn: Khi trẻ bị ngã đập đầu và có triệu chứng nôn từ 3 lần trở lên thì mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ. Thông thường, sau khi ngã, ngay cả khi không có chấn thương sọ não, nhiều bé vẫn có thể nôn 1 - 2 lần do khóc, ho hoặc đơn giản là do sự va đập của hộp sọ.
- Đi loạng choạng, mất thăng bằng: Sau khi ngã, nếu bé bị mất thăng bằng và ngã lên ngã xuống khi đi thì cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay. Ngoài ra, mẹ cần phải quan sát trong lúc bé chơi, theo dõi xem bé có làm được mọi chuyện như trước không (ngồi thẳng, đi lại vững vàng, di chuyển tay chân bình thường) hay bé loạng choạng, kéo lê chân, mất phương hướng… Nếu bé chưa biết đi thì chú ý những khi bé ngồi, bò
- Dấu hiệu mắt: Trong vòng 24 giờ sau khi bé bị té đập đầu, có thể xuất hiện các dấu hiệu như mắt lác, đồng tử hai bên không đều, hay bị vấp ngã hoặc lao vào các đồ vật như thể không nhìn thấy chúng. Với những trẻ lớn có thể nhìn mờ, nhìn một hóa hai.
- Ngủ nhiều: Các bé thường có xu hướng ngủ thiếp đi sau khi ngã, tuy nhiên, nếu bé ngã vào buổi tối hay gần giờ ngủ sẽ khiến việc theo dõi tình trạng ý thức của con khó khăn. Nếu không thể giữ bé thức thì cứ để bé ngủ, nhưng cần theo dõi quan sát, cứ 2 giờ một lần.
- Bên cạnh đó, nếu trẻ có những biểu hiện quấy khóc nhiều bất thường, đau đầu liên tục và mức độ ngày càng tăng, chảy máu hoặc chảy nước từ lỗ mũi hoặc lỗ tai, yếu liệt tay hoặc chân thì cũng cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
- Đặc biệt, nếu màu da của trẻ chuyển từ hồng sang nhợt nhạt, tím tái, nhịp thở không đều, có những đợt thở rất nông hoặc cơn ngừng thở 10 - 20 giây, co giật thì lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Lưu ý: Người chăm sóc trẻ bị ngã đập đầu cần phải theo dõi liên tục trong suốt 36 giờ đầu, thỉnh thoảng phải gọi xem trẻ có tỉnh lại không vì nếu có hiện tượng chảy máu trong não, nhiều bé có thể ngủ thiếp đi rồi chuyển qua trạng thái hôn mê mà người chăm sóc không hề hay biết.
Cha mẹ cần quan sát những biểu hiện của con khi bé bị ngã đạp đầu (Nguồn: Internet)
4. Những điều không nên làm khi sơ cứu trẻ bị ngã đập đầu
Khi sơ cứu trẻ bị ngã sưng đầu, không nên làm nóng chỗ bị thương như lấy khăn ấm đắp lên chỗ vết thương là một sai lầm. Việc làm này tuy có cảm giác dễ chịu nhưng lại gây hại, mạch máu đang bị xuất huyết, chườm nóng sẽ khiến mạch máu bị giãn ra và làm máu chảy nhiều hơn.
Bôi dầu gió cũng là một trong những điều không nên làm khi trẻ bị té ngã và có chấn thương. Bởi vì, việc xoa dầu gió có thể khiến tình trạng vết thương càng thêm nặng, cũng như chỗ sưng không giảm. Đồng thời, một số mạch máu nhỏ do bị day sẽ càng chảy máu liên tục.
Không di chuyển trẻ trừ khi trẻ đang ở trong tình trạng nguy cấp. Mọi sự di chuyển không cần thiết đều có thể gây ra các biến chứng lớn hơn cho chính vết thương sọ não, cột sống hay những vết thương liên quan khác.
Cha mẹ cũng không cần phải quá lo lắng, nếu trong thời gian theo dõi trẻ không có biểu hiện gì bất thường thì về lâu dài cũng sẽ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu có bất cứ nghi ngờ gì thì hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay.