Chờ...

Xấu hổ là gì? Làm sao vượt qua cảm giác xấu hổ của bản thân?

VOH - Xấu hổ là một trải nghiệm tiêu cực mà mỗi người đều phải trải qua ít nhất một lần trong đời. Vậy xấu hổ là gì, làm sao nhận biết và vượt qua cảm giác xấu hổ?

Chúng ta, ai cũng đã từng gặp phải cảm giác xấu hổ ít nhất một lần trong đời. Nó xảy ra khi chúng ta đối mặt với những tình huống bản thân bị vạch trần, chỉ trích, phê bình hoặc nhận ra lỗi lầm của mình. Vậy xấu hổ là gì và làm thế nào để có thể thoát khỏi những khoảnh khắc xấu hổ, đáng quên đi trong đời?

1. Xấu hổ là gì?

Xấu hổ (mắc cỡ, thẹn) là một loại cảm xúc tự ý thức cao độ, xuất phát từ những đánh giá tiêu cực về bản thân. Cảm xúc này được xếp vào nhóm cảm xúc tiêu cực vì được hình thành từ những tình huống và sự việc không mong muốn.

Xấu hổ là gì 1
Xấu hổ được xếp vào nhóm cảm xúc tiêu cực của con người - Ảnh: Internet

Trọng tâm của sự xấu hổ nằm ở bản thân hoặc cá nhân, bởi chính chúng ta sẽ “so sánh hành động của bản thân với tiêu chuẩn của bản thân”, đôi khi cũng xuất phát từ việc so sánh trạng thái của bản thân với tiêu chuẩn bối cảnh xã hội lý tưởng.

Khi đối mặt với cảm giác xấu hổ, con người thường sẽ ngượng ngùng, e dè hoặc tự ti bởi chính những hành động, lời nói hoặc tình huống không đúng, không phù hợp với tiêu chuẩn xã hội, văn hóa hoặc đạo đức nào đó. Kèm theo đó là cảm giác dằn vặt, tồi tệ, tự trách móc bản thân, cảm thấy bản thân không xứng đáng, không có giá trị để được đánh giá cao bởi người khác.

“Làm người khác xấu hổ” thường được hiểu là sự chủ động truyền đạt trạng thái được sử dụng để khiến người khác bị xấu hổ. Các hành vi được “thiết kế” hoặc “tạo ra” nhằm mục đích gây sự xấu hổ cho người khác.

Ngược lại với xấu hổ, chính là “không biết xấu hổ”. Đây là một cụm từ dùng để miêu tả hành động, lời nói của người không có sự nhạy cảm, không có ý thức về những việc mình làm hoặc nói, dẫn đến xúc phạm người khác một cách không đáng có. Không biết xấu hổ còn được sử dụng để chỉ sự thiếu ý thức xã hội và thiếu tôn trọng người khác.

1.1 Xấu hổ được chia thành bao nhiêu mức độ?

Xấu hổ có thể được phân loại theo nhiều mức độ khác nhau, dựa vào ngữ cảnh và người đánh giá. Theo đó, một số mức độ cơ bản của xấu hổ thường gặp nhất có thể kể đến như:

  • Xấu hổ nhẹ: Cảm giác xấu hổ nhẹ nhàng, không gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sự tự tin của người bị xấu hổ.
  • Xấu hổ trung bình: Cảm giác xấu hổ ở mức tương đối, có thể gây ra sự khó chịu và lo lắng cho người bị xấu hổ, nhưng không đến mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
  • Xấu hổ nặng: Cảm giác xấu hổ ở mức độ cao, có thể gây rối loạn tâm lý và tác động tiêu cực đến cuộc sống và sự tự tin của người bị xấu hổ.
  • Xấu hổ cực độ: Có thể gây ra tình trạng bất tỉnh, sốc, hoặc rối loạn tâm lý nghiêm trọng.

Ngoài 4 mức độ xấu hổ kể trên, người ta còn chia xấu hổ dựa theo các yếu tố khác như độ tuổi, giới tính, văn hóa, tình trạng sức khỏe, tâm lý và các tình huống cụ thể. Những loại xấu hổ có thể là:

  • Xấu hổ thoáng quá
  • Xấu hổ dưới hình thức bị sỉ nhục
  • Xấu hổ về thất bại
  • Xấu hổ trước người lạ
  • Xấu hổ trước mặt người khác
  • Xấu hổ về hiệu suất làm việc
  • Xấu hổ về bản thân
  • Xấu hổ liên quan đến tình yêu đơn phương
  • Xấu hổ liên quan đến những tiếp xúc không mong muốn
  • Xấu hổ liên quan đến sự thất vọng
  • Xấu hổ liên quan đến loại trừ
  • Xấu hổ nội tâm
  • Xấu hổ lành mạnh
  • Xấu hổ mãn tính

1.2 Nguồn gốc của từ xấu hổ

“Xấu hổ” là một cụm từ ghép trong tiếng Việt. Trong đó, “xấu” là từ thuần Việt và “hổ” là từ Hán Việt.

Mặc dù xấu hổ là một cảm xúc tiêu cực, nhưng nguồn gốc của nó được xem là có vai trò quan trọng trong sự tồn tại của con người với tư cách là một loài. Nếu không biết xấu hổ, con người có thể cảm thấy việc tuân thủ các chuẩn mực văn hóa, tuân theo luật lệ là không cần thiết, từ đó kéo theo nhiều hệ luy cho nhân loại.

Vì con người muốn được chấp nhận, nên xấu hổ chính là một công cụ tiến hóa giúp chúng ta biết cách kiểm soát hành vi, lời nói của mình.

1.3 Xấu hổ tiếng Anh là gì?

“Xấu hổ” trong tiếng Anh được dịch phổ biến với 4 tính từ như sau:

  • Shy: tính từ biểu đạt tính cách, cá tính của một người hay lo lắng, không thoải mái khi bên cạnh người khác, hay bẽn lẽn, rụt rè và không biết hành xử thế nào trước đám đông. Ví dụ: Children are often shy with strangers they don't know. (Trẻ em thường nhút nhát khi gặp những người lạ mà chúng không quen biết.)
  • Ashamed: tính từ chỉ cảm xúc tội lỗi hoặc xấu hổ về điều gì đó bạn đã làm hoặc về phẩm chất trong tính cách của bạn. Ví dụ: I felt so ashamed of my friend for making such an impolite act. (Tôi cảm thấy xấu hổ với bạn mình vì đã làm hành động bất lịch sự như vậy.)
  • Embarrassed: tính từ chỉ cảm giác xấu hổ trường hợp bạn gặp phải những tình huống không bình thường, khó chấp nhận theo hướng tiêu cực và nó xuất phát từ các yếu tố bên ngoài, chủ quan. Ví dụ: I was too embarrassed to say I was wrong. (Tôi đã quá xấu hổ khi nói rằng tôi đã sai.)
  • Shameful: tính từ chỉ hành động, sự sai lầm nào đó do chính bạn gây ra, dẫn đến cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ. Ví dụ: The family tried to keep his shameful for years. (Gia đình đã cố gắng giữ bí mật đáng xấu hổ của anh ta trong nhiều năm.)

Xem thêm:
Sĩ diện là gì? Vì sao nói "người càng bất tài càng sĩ diện hão"?
Tinh tế là gì? Làm thế nào để trở thành người tinh tế, sâu sắc?
Liêm sỉ là gì? Vì sao 'liêm sỉ' lại ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày?

2. Biểu hiện của sự xấu hổ

Nhà khoa học Charles Darwin, vào thế kỷ 19, đã mô tả sự xấu hổ có thể nhận thấy được bao gồm sự đỏ mặt, bối rối của tâm trí, mắt nhìn xuống, tư thế chùng xuống và đầu cúi xuống. Một số trường hợp xuất hiện cảm giác nóng bừng khuôn mặt, làn da và cả hành động khóc.

Xấu hổ là gì 2
Một người bị xấu hổ có thể sẽ trải qua rất nhiều suy nghĩ, cảm xúc và hành vi - Ảnh: Internet

Ngày nay, người ta cho rằng các vấn đề cảm xúc, tâm lý đều có liên quan đến cách mà một người suy nghĩ, cảm nhận và hành xử. Như vậy, một người gặp phải tình huống xấu hổ có thể sẽ trải qua một số kiểu suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành vi sau:

2.1 Về mặt suy nghĩ

  • Có những suy nghĩ chín chắn hơn về tương lai
  • Có suy nghĩ tiêu cực và tự phê bình, đặc biệt tập trung vào những sai sót
  • Có sự nghi ngờ về những thất bại từng trải qua và những lời từ chối trong quá khứ
  • Không tin tưởng vào bản thân
  • Cá nhân hóa sự kiện và các trải nghiệm tiêu cực
  • Nghi ngờ và không tin tưởng vào người khác
  • Dự đoán, lo sợ thất bại và những sự từ chối trong tương lai
  • Tập trung quá mức vào bản thân và ít nhận thức về người khác

2.2 Về mặt cảm xúc

  • Cảm thấy xấu hổ, mắc cỡ
  • Lẩn trốn hoặc né tránh người khác
  • Cảm giác bản thân nhỏ bé, bất lực hoặc “đóng băng”
  • Cảm thấy tê liệt, tách rời và không thể kết nối với mọi người
  • Nhạy cảm hơn
  • Hay cáu kỉnh, bốc đồng hoặc nóng nảy
  • Cảm xúc không ổn định, buồn vui thất thường

2.3 Về mặt hành vi

  • Có xu hướng tự hủy hoại bản thân như sử dụng rượu và ma túy
  • Cô lập, né tránh những người khác
  • Luôn trong trạng thái đề phòng và khiến mối quan hệ ngày càng xa cách
  • Lẩn tránh những tình huống khó khăn hoặc không quen thuộc
  • Tự phá hủy các cơ hội và mối quan hệ
  • Không muốn giải quyết vấn đề do sợ thất bại
  • Không bảo vệ bản thân hoặc nói lên những điều mình muốn
  • Thường xuyên xuyên tạc bản thân nhằm che giấu những điều xấu hổ

3. Vì sao lại có cảm giác xấu hổ?

Bất kỳ một sự đánh giá tiêu cực hoặc phê bình nào cũng có thể dẫn đến sự xấu hổ, đặc biệt là với những người quá chú trọng vào khuyết điểm, sai lầm hoặc điểm tiêu cực đã nhận thức được.

Tuy nhiên, cảm giác xấu hổ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Một số người có thể chỉ bị xấu hổ trước một số tình huống, trong khi với những người khác sự xấu hổ được bắt nguồn từ thời thơ ấu.

Một số nguyên nhân gây ra cảm giác xấu hổ có thể kể đến như:

  • Những sự vụng về, lúng túng dẫn đến nhiều sự cố trong cuộc sống và công việc.
  • Kỹ năng giao tiếp tiếp khiến bạn mắc lỗi giao tiếp hoặc nói ra những lời không phù hợp với hoàn cảnh.
  • Tình yêu không được đáp lại và bị từ chối.
  • Những hành vi bị vạch trần một cách không mong muốn. Đặc biệt là khi bị vạch trần ở nơi công cộng, có sự chứng kiến của nhiều người.

Về cơ bản, xấu hổ khiến người ta đánh mất sức mạnh, khả năng và các phẩm chất tích cực của mình. Thông thường, những người nhạy cảm, nhút nhát và tự ti sẽ dễ xấu hổ hơn so với những người năng động, lạc quan, mạnh mẽ và bản lĩnh.

Ngoài ra, các rối loạn tâm thần cũng khiến cho cảm xúc xấu hổ trở nên bất thường hơn. Trong khi những người bị rối loạn lo âu xã hội, trầm cảm và rối loạn nhân cách luôn có cảm giác xấu hổ về bản thân, thì những người bị rối loạn hành vi và rối loạn nhân cách chống đối xã hội lại hầu như không có cảm giác xấu hổ, ăn năn, nhục nhã…

4. Sự khác biệt giữa xấu hổ và tội lỗi

Rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa xấu hổ và tội lỗi. Tuy nhiên, thực tế chúng là những trải nghiệm cảm xúc khác nhau.

Xấu hổ là gì 3
Cảm giác xấu hổ và tội lỗi thường hay bị nhầm lẫn với nhau - Ảnh: Internet

Cảm giác xấu hổ là một cảm giác khó chịu, thường xuất hiện khi bạn đang ở tình huống khó xử, hoặc đã làm điều gì đó mà bản thân không hài lòng. Đây là một cảm giác tự phán xét của bản thân và có thể không phụ thuộc vào những giá trị đạo đức hay quy chuẩn xã hội. Ví dụ, một người có thể cảm thấy xấu hổ khi cười to trong một nơi yên tĩnh, nhưng hành động đó không phải là sai.

Trong khi đó, cảm giác tội lỗi là một cảm giác tồn tại khi bạn cảm thấy mình đã vi phạm giá trị đạo đức, quy chuẩn xã hội hoặc những tiêu chuẩn mà bạn đặt ra cho chính mình. Ví dụ, nếu bạn lừa dối một người bạn thân, bạn có thể cảm thấy tội lỗi vì đã phá vỡ niềm tin của người khác.

Mặc dù cảm giác xấu hổ và cảm giác tội lỗi thường xảy ra bởi những tình huống tương tự nhau, nhưng biểu hiện của chúng khác nhau, mỗi cảm giác cũng có những nguyên nhân và cách xử lý khác nhau.

Xem thêm:
Lương tâm có giá bao nhiêu? Muốn có một lương tâm nhẹ nhàng thanh thản phải làm sao?
Những cái nhin phiến diện còn tồn tại trong cuộc sống
Chịu đựng là gì? Bạn có phải là người giỏi chịu đựng?

5. Xấu hổ gây ra những ảnh hưởng gì?

Cảm giác xấu hổ và sức khỏe tinh thần có thể tác động qua lại. Một thứ có thể kích hoạt và làm trầm trọng thêm thứ còn lại.

Thông thường, những người trầm cảm, bị chứng rối loạn lo âu xã hội, chấn thương,... thường sẽ có biểu hiện xấu hổ nhiều hơn. Ngoài ra, cảm giác xấu hổ cũng xuất hiện phổ biến ở những người bị rối loạn nhân cách hoặc rối loạn ăn uống.

Một nghiên cứu còn ghi nhận, người thường xuyên phải đối mặt với những tình huống xấu hổ dễ làm tăng nguy cơ mắc một loạt các hành vi như sử dụng các chất kích thích, tự làm hại bản thân hoặc tự tử.

Ngoài ra, sự xấu hổ còn có mối tương quan chặt chẽ với lòng tự trọng kém và ý nghĩa tiêu cực về bản thân. Nó phản ánh tính cách của một người, đồng thời ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh mà họ nghĩ, cảm thấy và làm.

Như vậy, hầu hết những tác động ảnh hưởng của xấu hổ đối với một người đều dẫn tới những hành vi tạo ra một vòng luẩn quẩn. Hiểu đơn giản là khi bị xấu hổ, bạn có xu hướng làm những hành động, lời nói dẫn đến cảm giác xấu hổ gia tăng. Hoặc những hành vi này có thể gây các bất lợi về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của bạn.

6. Làm thế nào để đương đầu và vượt qua sự xấu hổ?

Khi một người bị xấu hổ quá, thường rơi vào trạng thái lúng túng vào không biết làm thế nào để bớt xấu hổ?

Cảm giác xấu hổ vốn là một phần tất yếu trong cuộc sống của con người. Chúng ta đừng xấu hổ khi không biết, hãy học cách chế ngự nó bằng những mẹo đơn giản sau:

6.1 Tự cười với chính mình

Tiếng cười và sự hài hước có thể giúp bạn vượt qua sự lo lắng xuất phát từ khoảnh khắc xấu hổ. Hơn thế, điều này giúp bạn dễ dàng khiến cho người khác cùng cười với mình thay vì chú ý vào cảm giác xấu hổ của bạn.

Chỉ cần bạn sẵn sàng cưới với chính bản thân mình thì khoảnh khắc xấu hổ có thể sẽ trở thành điểm bắt đầu tuyệt vời cho một cuộc trò chuyện thú vị hoặc quá trình kết bạn mới. Hoặc bạn cũng có thể biến tình hình trở nên hài hước hơn, để tình huống xấu hổ trông giống như một trò đùa vui.

6.2 Hít thở sâu

Những lúc đối mặt với sự xấu hổ đỏ mặt, khiến bạn lúng túng, thậm chí bật khóc, hãy hít thở sâu để giữ bình tĩnh và vượt qua sự xấu hổ.

Bạn hít thở sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng. Lặp lại hành động này khoảng vài lần, bạn sẽ cảm thấy sự lúng túng, căng thẳng và xấu hổ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, nhịp tim, nhịp thở, mặt đỏ, tay chân nóng bừng,… cũng sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Xấu hổ là gì 4
Hít thở sâu có thể giúp bình tĩnh, vượt qua cảm giác xấu hổ - Ảnh: Internet

6.3 Học cách phản ứng khi xấu hổ

Bạn cũng cần học một số cách phản ứng để giảm bớt cảm giác xấu hổ, đó là: xin lỗi khi phù hợp, cười trừ, thay đổi chủ đề và hướng tập trung. Đồng thời tự trấn an bản thân rằng bạn vừa trải qua một tình huống không quá xấu hổ.

6.4 Giải quyết suy nghĩ và cảm xúc bản thân

Nhanh chóng giải quyết cảm xúc của bản thân là một cách có thể giúp làm giảm cảm giác xấu hổ. Một số điều bạn cần nhớ là:

  • Tách bản thân ra khỏi cảm xúc của chính mình
  • Cho phép mình có thời gian quên đi hành động đáng xấu hổ vừa xảy ra bằng cách xem phim, đọc sách, chơi game, nghe nhạc…
  • Hướng sự chú ý về những việc làm, lời nói, hành động khác
  • Tách bản thân khỏi tình huống xấu hổ. Ví dụ: bạn có thể rằng mình cần đi vệ sinh hoặc ra ngoài gọi điện thoại…

6.5 Gặp chuyên gia tâm lý

Nếu cảm giác xấu hổ có xu hướng kéo dài khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, bi quan… và bạn không biết cách chế ngự cảm giác này thế nào, bạn có thể đến gặp chuyên gia tâm lý để giúp bạn điều chỉnh cảm xúc tốt hơn.

Xem thêm:
8 dấu hiệu của người yếu đuối - Bạn có phải người như thế?
Hiểu đúng về lạnh lùng là gì và lối sống đúng để không bị gọi là 'vô cảm'
8 cách giúp bạn tôi luyện ý chí và những câu stt hay về ý chí

7. Cách hạn chế cảm giác xấu hổ xuất hiện

Cảm giác xấu hổ đôi khi xuất hiện một cách đầy ngẫu nhiên, khiến bạn không kịp phòng bị. Vậy làm thế nào để hạn chế cảm giác xấu hổ xuất hiện? Dưới đây là một số giải pháp gợi ý đến bạn.

7.1 Không theo đuổi sự hoàn hảo

Không ai trên đời này là hoàn hảo, do đó việc theo đuổi sự hoàn hảo là kỳ vọng không thực tế. Nó có thể khiến bạn cảm thấy giá trị bản thân bị hạ thấp và cảm thấy xấu hổ khi không đạt được tiêu chuẩn đặt ra.

7.2 Không quá tập trung vào quá khứ

Với một số người, cảm xúc xấu hổ có thể làm tê liệt con người hiện tại của họ. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng quá khứ là quá khứ, bạn không thể thay đổi hoặc loại bỏ nó. Thay vì nhìn vào quá khứ thì bạn nên nhìn về tương lai tốt đẹp hơn.

7.3 Tránh suy tư

Đắm chìm trong những cảm xúc tiêu cực rất dễ biến thành cảm giác xấu hổ và khinh thường bản thân. Việc suy nghĩ trầm ngâm chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm hay lo âu xã hội.

7.4 Yêu thương bản thân

Không nên tự trách móc bản thân, thay vào đó hãy đối xử tốt với chính mình. Bạn cần quan sát hành vi của mình, biết điểm dừng và không để bản thân rơi vào kiểu tư duy tự hủy. Bạn có thể thử viết nhật ký để thể hiện nhận thức về cảm xúc và cho thấy bạn xứng đáng được yêu thương.

Xấu hổ là gì 5
Nên học cách yêu thương bản thân mình và tránh để bản thân rơi vào kiểu tư duy tự hủy - Ảnh: Internet

7.5 Gạt bỏ ảnh hưởng từ người khác

Một trong những cách ngăn chặn sự xuất hiện cảm giác xấu hổ là bạn hãy gạt bỏ ảnh hưởng từ người khác, đó có thể là bạn bè, gia đình, người thân sống xung quanh bạn.

7.6 Biết chấp nhận

Tập chấp nhận những điều bạn không thể thay đổi ở bản thân. Chấp nhận cũng có nghĩa là bạn thừa nhận khuyết điểm, khó khăn và nhận thức được việc bản thân có thể chịu đựng được cảm giác đau đớn ở phút giây hiện tại.

7.7 Thể hiện tính linh hoạt

Dù phải đối mặt với sự xấu hổ nhưng bạn cũng nên cởi mở, hào phóng và linh hoạt hơn khi nhìn nhận thế giới xung quanh. Trau dồi một thái độ tích cực và thân thiện sẽ có tác dụng tốt hơn so với việc bạn thường xuyên nghĩ về bản thân.

7.8 Nuôi dưỡng tâm hồn

Liệu pháp dựa trên chánh niệm có thể giúp bạn tự chấp nhận bản thân, tìm hiểu về cảm xúc chính mình và không gây ra bất cứ sự xúc động cao độ nào. Từ đó, bạn sẽ có một thái độ sống tích cực thay vì cố gắng né tránh.

8. Nên phản ứng thế nào khi thấy người khác bị xấu hổ?

Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng đã từng rơi vào trạng thái xấu hổ. Do đó, khi nhìn thấy một người gặp phải tình huống xấu hổ, hãy cư xử đúng mực. Bởi phản ứng của bạn ảnh hướng rất nhiều đến cảm xúc của họ ngay lúc đó.

Thay vì cười cợt vào điều khiến họ xấu hổ, bạn hãy:

  • Cảm thông với họ và có thể nhắc nhở họ về khoảng thời gian mà điều tương tự đã từng xảy ra với bạn hoặc với một ai đó mà bạn biết.
  • Nếu bạn chứng kiến khoảnh khắc xấu hổ của họ thì hãy nhanh chóng đổi chủ đề để họ giảm bớt cảm giác tồi tệ đang xuất hiện trong tâm trí.
  • Giả vờ nhưng bạn không biết chuyện gì vừa xảy ra cũng là một cách hóa giải cảm giác ngượng ngùng hiện tại.
  • Không nên trêu ghẹo người đang xấu hổ. Mặc dù sự hài hước có thể giúp khuấy động không khí nhưng bạn chỉ nên áp dụng khi bản thân bạn chính là người đang cảm thấy xấu hổ.

Xấu hổ là một trong những cảm xúc tiêu cực của con người. Nếu cảm xúc này xuất hiện thường xuyên có thể khiến bạn khó chịu, lo lắng, bi quan. Do đó, hãy học cách chế ngự và vượt qua cảm giác xấu hổ để cuộc sống thể chất và tinh thần của bản thân luôn trong trạng thái tốt nhất.