Chờ...

Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần làm gì, kiêng gì?

(VOH) – Tay chân miệng là một bệnh lý thường xảy ra ở trẻ nhỏ, bệnh có thể khỏi nếu như được điều trị và chăm sóc đúng cách. Vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị bệnh tay chân miệng?

Câu hỏi thính giả

Thưa bác sĩ!

Tôi có 1 bé trai được 32 tháng tuổi, cách đây mấy ngày thì phát hiện cháu có nhiều mụn nước nhỏ nên đã đưa bé đi bệnh viện khám, bác sĩ nói là bé bị tay chân miệng, sau đó thì kê toa thuốc để uống rồi cho về. Tôi có hỏi là cháu có cần phải kiêng cữ gì hay không thì bác sĩ nói không cần. Trong toa thuốc thì không có thuốc bôi bên ngoài, bé cũng không sốt nhưng tôi vẫn rất là lo lắng. Một ngày tôi rửa tay cho bé đến 5 lần tay nhưng mà cũng chưa hết. Bây giờ tôi phải làm sao để bé nhanh khỏi bệnh?

ThS. BS Nguyễn Trần Nam (Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP) tư vấn: 

tre-bi-tay-chan-mieng-can-lam-gi-kieng-gi-voh

Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần làm gì và kiêng cữ những gì? (Nguồn: Internet)

Chào chị, thực tế câu hỏi mà chị đặt ra cũng là thắc mắc chung của rất nhiều người và đa số cha mẹ đều không biết em bé bị tay chân miệng thì có cần phải kiêng gì không? nên kiêng ăn cái gì? tắm rửa và chăm sóc như thế nào?...

Với vấn đề này tôi xin được chia sẻ như sau: Đối với những trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng thì câu trả lời là em bé sẽ rất khó ăn uống, bởi vì bé đang bị lở miệng, loét miệng nên sẽ rất khó trong việc nhai nuốt. Vì vậy, nếu được thì chị nên cho bé ăn những thức ăn lỏng, mềm, ví dụ như là sữa, cháo, trái cây nghiền hoặc yaourt... vì đó là những thức ăn lỏng. Các loại thức ăn này trước khi cho bé ăn, chị có thể để mát hoặc lạnh lạnh một chút để giúp bé ăn dễ dàng hơn.

Trong trường hợp bé bị đau và ăn không được nhiều thì chị nên cho bé ăn từng chút một. Số lượng ăn ít nhưng bù lại sẽ cho bé ăn nhiều lần trong ngày để đảm bảo năng lượng cho bé. Ngoài ra, chị cũng có thể cho bé uống tăng lượng sữa lên để cho bé phục hồi lại năng lượng. Sau khi bé đã khỏi bệnh thì chị cần phải duy trì và tăng lượng ăn như vậy trong vòng 2 tuần tiếp theo.

Nếu bé bị đau quá, không thể ăn uống gì được thì dù bé không bị sốt thì chị vẫn có thể sử dụng thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp để giúp cho bé đỡ đau và có thể ăn uống được. 

Riêng với những vết sẩn hồng ban trên gang bàn chân và bàn tay hay trên da của bé thì đa phần những vết sẩn đó là lành tính, tức là nó đã có một lớp màng che ở bên trên rồi nên chúng ta không cần phải bôi thuốc gì cả, bởi nó sẽ tự lặn sau khoảng 5 ngày và những vết sẩn đó nó sẽ không để lại sẹo, cũng không ảnh hưởng gì đến em bé. Trừ trường hợp những vết sẩn đó bị vỡ ra, khi những vết sẩn bị vỡ ra sẽ bị chảy nước. Lúc này chị cần phải bôi thuốc sát trùng cho trẻ để tránh bị nhiễm trùng.

Còn về vấn đề tắm rửa cho bé thì chúng ta vẫn tắm rửa bình thường cho bé, chứ không cần phải kiêng cữ. Một số phụ huynh thường sợ việc tắm rửa sẽ làm vỡ bóng nước trên da bé. Tuy nhiên, thực tế những bóng nước này rất nhỏ, nên việc tắm rửa là bình thường. Nếu chị không tắm cho bé thì bé sẽ còn bẩn hơn, những tổn thương của bé dễ bị bội nhiễm và dễ bị nhiễm trùng hơn. 

Ngoài ra, chị cũng không cần phải bôi những loại thuốc lạ theo kinh nghiệm dân gian hoặc dùng một số cây thuốc dạng lá hoặc các loại "thuốc đặc biệt" gì đó để tắm cho bé, vì nó sẽ không có tác dụng nhiều. Trong dân gian, người ta hay sử dụng một số loại cây thuốc, lá thuốc để tắm cho trẻ là vì nó giúp hạn chế kích ứng da do trong một số loại lá có chứa thành phần giống như chất kháng khuẩn cho bé. Nhưng thực tế thì điều đó không cần thiết bởi vì nếu như chúng ta không làm sạch những loại lá hoặc trong lá đó có những chất kích ứng cho bé thì sẽ càng nguy hiểm hơn. 

Do đó, chúng ta chỉ tắm trẻ bằng xà phòng bình thường, dùng nước sạch để cho em bé được sạch sẽ là đủ. Riêng những nốt sẩn đó sau khoảng 3 đến 5 ngày thì nó sẽ tự khô và lành, không để lại dấu vết gì cả, chị nha!