Giúp đỡ người khác là việc tốt, là biểu hiện sự tử tế. Nhưng nếu bạn bị chi phối bởi sự cả nể thì sớm muộn gì cũng gặp bất lợi. Hiểu tính cả nể là gì cũng như mặt trái của nó là cách giúp chúng ta nhận biết, sớm chữa “căn bệnh” này. Mời bạn cùng VOH tìm hiểu.
Cả nể là gì?
Trong tiếng Việt, cả nể được định nghĩa là dễ nể nang, không muốn làm phật ý người khác. Theo cách giải thích này, ta có thể hiểu nôm na rằng từ “cả” có ý chỉ sự quá mức, từ nể ở đây là nể nang, tức e dè vì sợ mất lòng.
Tính từ cả nể thường được dùng để miêu tả tính cách con người, gọi là tính cả nể. Người cả nể có thể làm điều mà bản thân không muốn khi được người khác nhờ vả. Họ luôn nhường nhịn, nhượng bộ, đồng ý với mong muốn, ý kiến hay yêu cầu của người khác dù có thể từ chối, phản đối.
Bản thân từ cả nể không hẳn mang nghĩa tiêu cực nhưng trong phần lớn các trường hợp, nghĩa của chúng thiếu tích cực. Tuy nhiên, người sở hữu đức tính này lại hiếm khi bị ghét, đôi khi còn nhận được đánh giá có vẻ tích cực. Bởi có một thực tế là không ai có thể ghét người luôn sẵn sàng giúp đỡ mình mà không tính toán.
Muốn biểu đạt tính cả nể bằng tiếng Anh, bạn có thể tham khảo cụm từ Complaisant (tính từ) với ý nghĩa tương tự như cách giải nghĩa trong tiếng Việt. Đó là hay chiều theo ý của người khác, sẵn sàng làm những gì người khác muốn.
Xem thêm:
Yếu đuối là gì? 8 dấu hiệu nhận biết người yếu đuối
Overthinking là gì? Bạn có phải là một người overthinking?
Bản ngã là gì? Đi tìm bản ngã và cái tôi của chính mình trong cuộc đời này
Bạn có phải là người có tính cả nể?
Bạn đã bao giờ làm một điều gì đó chỉ vì nhận được lời nhờ cậy, đề nghị, yêu cầu… từ người khác dù không thực sự muốn làm chưa? Có khi nào bạn mua một món đồ chỉ vì cảm thấy “ngại” trước sự tư vấn quá nhiệt tình của nhân viên?
Trên thực tế, những tình huống như thế này diễn ra rất phổ biến. Thế nhưng, không phải ai cũng biết, nó chính là một trong những dấu hiệu của tính cả nể. Để xác định thử bản thân có phải là người hay cả nể hay không, bạn có thể điểm qua những biểu hiện này.
Ngại chia sẻ ý kiến cá nhân
Người cả nể thường gặp khó khăn với việc chia sẻ, quan điểm, ý kiến cá nhân, nhất là ý kiến đi ngược lại với số đông. Họ nghĩ rằng, không nêu ý kiến sẽ giúp bản thân tránh được sự bất đồng, tránh gây bất mãn, làm phật ý người khác.
Biểu hiện này thường được bộc lộ rõ trong môi trường tập thể, nơi cần tương tác với nhau để làm việc.
Không có khả năng nói “không”
Người cả nể không có khả năng từ chối yêu cầu của người khác. Vì lo lắng đối phương sẽ không hài lòng, sẽ thất vọng… nên họ chẳng thể nói “không”.
Mong muốn được công nhận
Việc luôn tìm kiếm sự công nhận từ người khác này bắt nguồn từ nỗi sợ hãi bị chê bai, chỉ trích. Nói cách khác, người cả nể thường đánh giá bản thân thông qua ý kiến của người khác chứ không phải dựa trên giá trị của chính mình.
Họ mong muốn nhận được sự đồng ý, chấp nhận, tán thưởng… từ người khác trong mọi vấn đề. Thậm chí là liên tục suy nghĩ, phán xét bản thân có đáp ứng được kỳ vọng của mọi người hay không.
Bị động
Hiếm khi đưa ra ý kiến, không chủ động làm một điều gì đó mà thường chờ người khác quyết định. Đây là một trong những dấu hiệu nhận diện tính cả nể khá rõ ràng. Chúng có thể được bộc lộ trong cả các mối quan hệ cá nhân lẫn công việc.
Ví dụ, họ luôn để người yêu chọn đi đâu, làm gì, ăn gì… Trong công việc, họ có thể là người ngại chia sẻ ý tưởng, giải pháp dù có kiến thức, năng lực. Nguyên nhân là do sợ mắc sai lầm hoặc làm trái với mong muốn của số đông.
Xin lỗi ngay cả khi không cần thiết
Liên tục nói xin lỗi vì những hiểu lầm nhỏ, xin lỗi ngay cả khi đó không phải là lỗi của bản thân hay khi không cần thiết, đó là biểu hiện của sự cả nể. Hành động này xuất phát từ nỗi sợ làm mất lòng người khác và niềm tin chỉ cần xin lỗi trước thì mọi xung đột tiềm ẩn sẽ được giải quyết.
Luôn tránh đối đầu, tránh bất đồng với người khác
Sở dĩ, người cả nể luôn đồng ý với ý kiến, yêu cầu của người khác ngay cả khi không muốn là bởi muốn tránh xung đột bằng mọi giá. Họ ngại làm ai đó khó chịu hay khiến mối quan hệ giữa mình và người đó trở nên căng thẳng.
Lo lắng khi đưa ra quyết định
Vì quá để ý đến người khác, sợ mắc sai lầm nên kiểu người này có xu hướng lo lắng khi đưa ra quyết định.
Xem thêm:
Status nói về bản thân, câu nói hay về giá trị bản thân
83 câu stt yêu bản thân giúp bạn trở nên hạnh phúc hơn
Những câu nói hay về bản thân mang năng lượng tích cực và động lực mạnh mẽ
Những bất lợi mà người cả nể có thể gặp phải
Tính cả nể thường không gây hại cho người khác. Đó là lý do kiểu người này có thể bị chê trách nhưng hiếm khi bị số đông ghét hay bài trừ. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ ưu tiên nhu cầu và mong muốn của mọi người thì bản thân sẽ phải đối mặt với nhiều bất lợi.
- Thiếu cá tính, thiếu tự tin, thiếu sự thấu hiểu với bản thân và không nhận ra giá trị của chính mình.
- Ngăn cản cơ hội phát triển của bản thân, đặc biệt là trong sự nghiệp.
- Tạo áp lực cho chính mình, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống, tinh thần.
- Có thể bị đánh giá là thiếu chân thành, không trung thực
- Bỏ mặc cảm xúc cá nhân, phải kìm nén cảm xúc thật thậm chí nói dối .
- Trì hoãn, phụ thuộc quá mức vào người khác, tự thu hẹp lựa chọn của bản thân, đánh mất sự tự chủ, chủ động.
- Đánh mất sự bình đẳng trong các mối quan hệ cũng như sự cân bằng trong cuộc sống.
- Có thể gặp vấn đề với việc giao tiếp, chia sẻ.
- Dễ bị lợi dụng.
Chữa “bệnh” cả nể như thế nào?
Có nhiều lý do khiến một người trở nên cả nể, dễ dàng bỏ qua nhu cầu của bản thân để ưu tiên nhu cầu của người khác. Nó có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm không vui vẻ, những lần bị tổn thương trong quá khứ, sự thiếu tự tin hay ảnh hưởng của môi trường xung quanh…
Việc tìm hiểu lý do sẽ giúp chúng ta cải thiện tình trạng này một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tham khảo một số gợi ý của VOH.
Tips tự cải thiện tính cả nể
- Đặt ra giới hạn cho bản thân và người khác
- Học cách từ chối khéo léo, lịch sự và quyết liệt (nếu cần).
- Biết lắng nghe và thể hiện cảm xúc, quan điểm của bản thân.
- Đặt cảm xúc và nhu cầu của bản thân lên hàng đầu.
- Tôn trọng, lắng nghe và tin tưởng vào chính mình.
- Chia sẻ và tìm sự giúp đỡ, lời khuyên từ người thân, bạn bè, đặc biệt là trong những thời điểm cảm thấy không ổn.
Tips giúp đỡ người khác
- Tạo ra môi trường phù hợp, dẫn dắt, giúp đỡ họ bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình.
- Dùng câu hỏi mở, không ngại chờ đợi để nhận được câu trả lời.
- Dành cho người cả nể lời khen, sự công nhận, lời đánh giá tích cực, sự động viên khi họ đưa ra ý kiến phù hợp, có giá trị.
- Giúp họ hiểu rằng việc đặt ra ranh giới là cần thiết, có ý kiến khác nhau hay từ chối là chuyện hết sức bình thường.
Người cả nể muốn làm tất cả mọi người hài lòng nên thường đặt người khác lên trên chính mình, sẵn sàng buông bỏ cái “tôi” để sống cho người khác. Đức tính này có thể chi phối, ảnh hưởng đến rất nhiều phương diện trong cuộc sống, công việc và các mối quan hệ.
Hy vọng qua bài viết của VOH Thường thức, bạn đã có thêm thông tin hữu ích về “căn bệnh” mà đôi khi chính chúng ta cũng không nhận ra mình mắc phải.