Những hạt é nhỏ xíu nhưng ngâm nước thì nở bung “vui mắt”, hòa lẫn trong hương vị của vô vàn món tráng miệng độc đáo. Đặc biệt loại hạt giòn sần sật với lớp nhầy trắng bao quanh này không chỉ khiến người thưởng thức thích thú mà còn đem tới đa dạng chất khoáng và vitamin rất cần thiết.
Giờ thì cùng bỏ túi 11 cách nấu hạt é siêu đơn giản nhưng vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe thôi nào!
1. Cách pha nước hạt é
1.1 Nguyên liệu
- Hạt é: 3 thìa cà phê
- Nước lọc: 2 cup
- Mật ong: 1 thìa cà phê
- Đường: 80ml
- Đá viên
1.2 Cách pha nước hạt é
Pha đường với nước lọc, khuấy đều cho đường hòa tan rồi cho hạt é vào ngâm tầm 15 phút. Đợi hạt é nở hết thì chế mật ong vào khuấy đều, thêm 1 ít đá viên vào ly nước và thưởng thức.
2. Sương sáo hạt é
Sương sáo hay còn được biết đến là thạch đen, mềm mát và giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể cực kì hiệu quả. Bạn có thể áp dụng cách nấu hạt é sương sáo cùng nước cốt dừa ngầy ngậy hoặc đơn giản với chút đường phèn ngọt man mát thì đều ngon hết ý.
2.1 Nguyên liệu
- Bột sương sáo: 50g
- Hạt é: 1 – 2 thìa cà phê
- Nước cốt dừa: 400ml
- Sữa tươi không đường: 150ml
- Sữa đặc (không bắt buộc): 2 – 3 thìa canh
- Đường cát trắng
2.2 Cách làm sương sáo hạt é
- Hòa bột sương sáo với khoảng 1 lít nước, thêm chút đường rồi khuấy tan đều, rồi bắc nồi nấu chín, chú ý liên tục đảo đều tay để bột không bị cháy. Đun khoảng 10 – 15 phút thì tắt bếp, trút vào khuôn, để nguội rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh để sương sáo đông lại.
- Đun hỗn hợp nước cốt dừa và sữa khoảng 5 phút.
- Ngâm nở hạt é trong nước lọc từ 5 – 10 phút, đảm bảo hạt nở hết rồi dùng.
- Cho sương sáo, hạt é vào chén, chan nước cốt dừa lên, thêm chút đá và thưởng thức.
Xem thêm: Tự tay nấu chè sương sa hạt lựu chiêu đãi cả nhà ngày nắng nóng
3. Mủ trôm hạt é
Mủ trôm ngâm nở giòn giòn, dai dai, hòa cùng ly nước đường phèn lá dứa thanh mát, khuấy đều tan với hạt é bung nở vừa đẹp mắt lại thơm ngon!
3.1 Nguyên liệu
- Mủ trôm khô: 6 – 8 viên
- Hạt é: 1 – 2 thìa cà phê
- Đường phèn
- Lá dứa: 2 – 3 nhánh
3.2 Cách làm mủ trôm hạt é
- Rửa sạch mủ trôm, ngâm nở trong nước từ khoảng 10 – 12 tiếng, tới khi chuyển màu trong suốt là được.
- Rửa sạch lá dứa, cắt khúc ngắn.
- Cho lá dứa vào nồi, đong nước và đun sôi. Khi nước sôi thì vớt lá ra, cho đường phèn vào đun tan.
- Ngâm nở hạt é trong nước khoảng 5 phút.
- Đun khoảng 5 – 7 phút khi đường tan hết thì trút mủ trôm và hạt é vào, khuấy đều là hoàn thành.
- Khi dùng nên thêm đá viên để nước mát lạnh, uống sẽ ngon hơn.
Xem thêm: Tắc chưng đường phèn – bài thuốc có từ lâu lắm rồi đấy, đang ho ‘khụ khụ’ nhấm một chút là dịu ngay!
4. Thạch rau câu hạt é
Thạch rau câu hạt é thơm thơm, thêm chua dịu của sữa chua, ăn tráng miệng thì còn gì hợp lý hơn nhỉ!
4.1 Nguyên liệu
- Hạt é: 2 – 3 thìa cà phê
- Bột rau câu dẻo: 6g
- Sữa chua: 1 hộp
4.2 Cách làm thạch rau câu hạt é
- Ngâm nở hạt é trong nước ấm từ 5 – 7 phút để hạt nở hoàn toàn.
- Hòa bột rau câu với khoảng 40ml nước rồi đem đun sôi. Bật lửa nhỏ và liên tục khuấy đều tay, đun khoảng 3 – 5 phút thì cho hạt é và sữa chua vào. Đun thêm khoảng 5 phút, tắt bếp, trút rau câu vào khuôn, để nguội và bảo quản ngăn mát tủ lạnh.
Xem thêm: Sữa chua Hy Lạp là gì mà được ưa chuộng trên khắp thế giới?
5. Nước hạt é đường phèn
Một trong những cách nấu hạt é dễ dàng và phổ biến nhất có lẽ phải kể tới nước hạt é đường phèn. Nước đường phèn thanh thanh, không ngọt gắt, thêm hạt é và vài nhánh bạc hà dịu thơm – bấy nhiêu thôi mà mang tới một thức uống vô cùng hoàn hảo.
5.1 Nguyên liệu
- Hạt é: 2 – 3 thìa cà phê
- Đường phen: 1 – 2 thìa cà phê
- Nước lọc (tùy nhu cầu)
5.2 Cách nấu hạt é đường phèn
- Ngâm nở hạt é trong nước ấm khoảng 3 – 5 phút.
- Đong nước, trút đường phèn vào và đem đun sôi để đường tan hết. Sau đó rót vào ly, trút hạt é vào khuấy đều.
- Thêm đá viên trước khi dùng để nước man mát dễ uống hơn.
6. Nước nha đam hạt é
Cách pha hạt é với mủ trôm không quá cầu kì hay tốn nhiều thời gian. Đặc biệt, nước nha đam hạt é được xếp vào nhóm thức uống dồi dào vitamin, đặc biệt rất giàu vitamin E cùng các vitamin nhóm B, góp phần thanh nhiệt cơ thể và nuôi dưỡng làn da mịn màng.
6.1 Nguyên liệu
- Nha đam: 1 nhánh nhỏ
- Hạt é: 1 – 2 thìa cà phê
- Đường phèn
- Đá viên
6.2 Cách nấu hạt é nha đam
- Sơ chế sạch phần thịt nha đam để loại bỏ nhớt và vị đắng, cắt thành miếng hạt lựu nhỏ.
- Đun sôi nước, cho đường phèn vào đun tan chảy khoảng 5 – 7 phút. Khi đường tan hết thì trút nha đam vào, thấy nước sôi thì tắt bếp, tránh đun lâu khiến nha đam nhũn mềm.
- Rót nước ra ly và cho hạt é vào khuấy đều, thêm đá viên rồi thưởng thức.
7. Chè khoai lang dẻo hạt é
Cách chế biến hạt é độc đáo khác mà bạn nhất định nên thử chính là làm món chè khoai lang dẻo hạt é. Khoai lang dẻo mềm, nước chè sánh sệt cùng chút hạt é giòn giòn, sần sật – tất cả hòa quyện hài hòa, tạo nên món chè ngọt ngào, đầy hấp dẫn.
7.1 Nguyên liệu
- Khoai lang: 1 – 2 củ nhỏ
- Hạt é: 2 – 3 thìa cà phê
- Bột năng: 30 – 40g
- Nước cốt dừa
- Đường cát trắng
7.2 Cách làm chè khoai lang dẻo hạt é
- Rửa sạch khoai lang rồi đem hấp chín. Tiếp đen bóc vỏ, tán nhuyễn mịn, cho bột năng vào trộn cùng, sau đó nặn thành hình dáng tùy thích.
- Đun nước sôi đường, thả viên khoai lang vào luộc, thấy khoai nổi lên là chín, lần lượt vớt ra ngâm với nước lạnh.
- Ngâm nở hạt é từ 5 – 7 phút.
- Múc chè ra chèn, thêm hạt é, nước cốt dừa và chút đá đập nhỏ rồi thưởng thức.
Xem thêm: 'Xuất chiêu' mời cả nhà 6 món ‘ngon thần sầu’ từ củ khoai lang giàu dinh dưỡng vạn người mê
8. Chè xoài hạt é
8.1 Nguyên liệu
- Hạt é: 1 muỗng canh
- Xoài cát: 1 quả
- Nước cốt dừa: 75ml
- Đường: 30g
- Nước lọc: 500ml
- Đá viên.
8.2 Chè xoài hạt é
Hạt é đem đi ngâm với nước khoảng 15 phút cho nở đều. Xoài gọt bỏ vỏ, cắt thành nhiều hạt lựu.
Đun sôi nước lọc với đường rồi cho nước cốt dừa vào khuấy thật đều, đợi khi sôi lại thì tắt bếp và để nguội.
Cho hạt é, xoài ra ly hoặc chén, chế phần nước cốt dừa vừa nấu vào và thêm ít đá viên rồi thưởng thức.
9. Caramen hạt é
Caramen (bánh flan) ngậy thơm vị trứng gà, ngọt vị sữa, ăn kèm với “topping” hạt é lạ mà vẫn ngon mê ly!
9.1 Nguyên liệu
- Hạt é: 1- 2 thìa cà phê
- Trứng gà: 4 – 5 quả
- Sữa đặc: 3 – 4 thìa cà phê
- Sữa tươi không đường: 300ml
- Đường cát trắng
9.2 Cách làm caramen hạt é
- Chưng tan đường cát, rót vào khuôn.
- Đập trứng vào tô, đánh tan đều, hòa chút sữa đặc vào. Đun sôi sữa tươi khoảng 3 – 5 phút, rồi trút vào tô trứng. Tiếp đến rót hỗn hợp trứng sữa vào khuôn có đường, đem hấp cách thủy hoặc nướng ở nhiệt độ 175 độ C khoảng 25 – 30 phút.
- Khi caramen chín, để nguội và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tiếng.
- Ngâm nở hạt é trong nước từ 3 – 5 phút.
- Tách caramen khỏi khuôn, rưới hạt é lên và thưởng thức.
Xem thêm: Cách làm bánh flan bí đỏ, món ngon từ xứ sở Chùa Vàng
10. Chè trái cây hạt é
Tận dụng các loại trái cây giàu vitamin như xoài, dưa hấu hay dâu tây,… để “biến tấu” món chè trái cây hạt é đầy màu sắc, khiến cả nhà mê mẩn.
10.1. Nguyên liệu
- Hạt é: 2 – 3 thìa cà phê
- Xoài chín: 1 trái
- Dâu tây: 5 – 6 trái
- Dưa hấu: 1/4 trái
- Bột báng: 30g
- Nước cốt dừa: 100ml
- Cơm dừa nạo
- Sữa đặc (không bắt buộc): 1 – 2 muỗng canh
10.2. Cách làm chè trái cây hạt é
- Ngâm bột báng trong nước lạnh khoảng 10 phút. Tiếp đến đun sôi nước, cho bột báng vào, luộc đến khi bột báng nổi lên thì vớt ra, xả sơ với nước lạnh và để ráo.
- Gọt vỏ xoài và dứa hấu. Lần lượt cắt các loại trái cây thành miếng vuông nhỏ hoặc hình dáng tùy thích.
- Ngâm nở hạt é trong nước khoảng 3 – 5 phút.
- Xếp trái cây vào tô, cho bột báng, hạt é vào, rưới nước cốt dừa và rắc cơm dừa nạo lên trên.
Xem thêm: Nhiều người mắc sai lầm khi ăn trái cây – đây mới chính là thời điểm tốt nhất để ăn trái cây
11. Trà nhãn nhục hạt é
Vị ngọt thơm của nhãn nhục kết hợp với hạt é, chút đường phèn thanh thanh sẽ làm dịu đi cái chan chát của trà xanh. Đây là một trong những món ngon từ hạt é “vừa quen vừa lạ” nhất định nên thử một lần!
11.1. Nguyên liệu
- Hạt é: 1 – 2 thìa cà phê
- Trà xanh khô: 7g
- Nhãn nhục: 40g
- Đá viên
11.2. Cách làm trà nhãn nhục hạt é
- Tráng ấm trà bằng nước nóng, sau đó cho lá trà khô vào, đong nước nóng sâm sấp trà rồi nhanh chóng chắt nước đi. Tiếp đong lại nước nóng vào ấm và hãm trà khoảng 3 – 4 phút.
- Sau khi hãm trà xong, hòa với nước nguội với tỉ lệ trà nước là 1:2.
- Ngâm nở hạt é và nhãn nhục.
- Cho nhãn nhục, hạt é vào nước trà xanh, thêm chút đá viên và đường (tùy ý), khuấy tan đều là có thể thưởng thức trà.
Lưu ý khi chế biến hạt é:
- Khi nấu hạt é thì không nên để hạt khô chưa qua ngâm nước khi nấu bởi vì hạt này có độ nở, nên khi hấp thụ hạt khô vào cơ thể sẽ nó sẽ hấp thu nước, dễ gây tắc nghẽn đường ruột, khó thở và đầy bụng.
- Chỉ khi nào cần dùng thì nên ngâm 1 lượng vừa đủ để dùng, không nên ngâm nhiều, ngâm lâu dễ làm mất chất của hạt é, khiến hạt dễ bị chua và làm đau bụng.
- Những người mắc bệnh tiêu hóa không nên dùng hạt é.
Tuy nhỏ “xíu xiu” nhưng thiếu đi hạt é thì hương vị của các món tráng miệng cũng giảm đi vài phần hấp dẫn. Và nếu bạn “ghiền” hạt é thì đừng quên lưu lại 9 công thức đặc biệt trên đây ngay nhé!