Bà bầu ăn ngải cứu vì sao lại không tốt cho thai kỳ?

(VOH) – Ngải cứu là loại rau, cũng là vị thuốc giúp chữa nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, vì ngải cứu thành phần dược lý nên không phải ai cũng có thể ăn loại rau này. Vậy bà bầu ăn ngải cứu được không?

Ngải cứu là loại thảo dược có thể tìm thấy ở nhiều nơi và được ứng dụng trong y học với nhiều công dụng như giảm ho, tiêu đàm, kháng sinh, tăng co bóp tử cung, thông tia sữa... Song, những công dụng này được sử dụng chủ yếu trên người bình thường.

1. Bà bầu ăn được ngải cứu không?

Thực tế, ở những người bình thường nếu sử dụng ngải cứu quá mức sẽ có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì thế, ở những đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai việc dùng ngải cứu càng phải thận trọng hơn.

Mặc dù hiện vẫn chưa có một bằng chứng đầy đủ nào cho thấy bà bầu ăn ngải cứu sẽ gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, cũng cũng không có một kết luận nào cho rằng sử dụng ngải cứu là an toàn trên thai phụ.

ba-bau-an-ngai-cuu-voh-0
Chưa có bằng chứng cho thấy bà bầu ăn ngải cứu là an toàn hay nguy hiểm cho thai kỳ (Nguồn: Internet)

Trong ngải cứu có chứa chất thujone. Thujone có hai dạng là alpha-thujone và beta-thujone. Alpha-thujone có nhiều độc tính hơn nhưng lại là thành phần chính có trong ngải cứu. Hợp chất này có thể gây kích thích tử cung co bóp, vì thế, phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu nếu ăn nhiều ngải cứu có thể gây ra máu, sảy thai.

Hợp chất thujone còn là nguyên nhân gây suy thận hoặc làm nặng nề tình trạng suy thận nếu có ở mẹ bầu.

Ngoài ra, một nghiên cứu trên chuột, người ta tiêm 150 mg/kg hoặc 300 mg/kg tinh dầu chiết xuất từ ngải cứu vào ngày thứ 3-5 của thai kỳ và phát hiện ngải cứu làm giảm khả năng làm tổ của thai nhi và tăng tỉ lệ sảy thai so với nhóm không sử dụng. Tiêm vào ngày 10 - 12 của thai kỳ làm tăng nguy cơ sảy thai giữa thai kỳ. Tiêm vào ngày thứ 19-21 của thai kỳ (cuối thai kỳ) làm giảm khả năng đi vào chuyển dạ và giảm tỷ lệ sinh tự nhiên ở chuột. Nghiên cứu này cho thấy, ngải cứu gây ra nhiều tác hại trên thai kỳ ở chuột.(1

Do đó, để bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi trong suốt thai kỳ bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêu thụ ngải cứu.

Xem thêm: 10 thực phẩm dễ gây sảy thai, các mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn

2. Bà bầu ăn ngải cứu thời gian nào là an toàn?

Nếu đã qua giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ bầu có thể hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn thêm ngải cứu vào chế độ ăn của mình. Tuy nhiên, thông thường bạn chỉ nên ăn ngải cứu 1 – 2 lần/ tuần và mỗi lần ăn chỉ từ 3 – 5 ngọn.

Nếu có tiền sử sảy thai, sinh non, mẹ bầu không nên ăn ngải cứu. Ngoài ra, những mẹ bầu có cơ địa nhạy cảm hoặc máu nóng thì cũng nên tránh xa ngải cứu trong 3 tháng đầu.

3. Món ăn từ ngải cứu tốt cho mẹ bầu

ba-bau-an-ngai-cuu-voh-1
Trứng chiên ngải cứu được xem là món ăn tốt cho sức khỏe thai kỳ (Nguồn: Internet)

Ngải cứu có thể kết hợp với trứng gà để làm món trứng gà chiên ngải cứu. Đây là món ăn cực kỳ bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe thai kỳ.

Ngoài ra, gà hầm ngải cứu cũng là một bài thuốc giúp bồi bổ sứng khỏe, hoạt huyết tốt cho hệ xương.

Bên cạnh đó, món cháo ngải cứu vừa là món ăn, vừa là bài thuốc giúp chữa động thai, giảm đau xương khớp hiệu quả.

Xem thêm: Rau ngải cứu nấu món gì? Cập nhật ngay 7 món ăn vừa ngon, vừa bổ

4. Phụ nữ sau sinh ăn ngải cứu được không?

Khác với phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ, phụ nữ sau sinh có thể yên tâm ăn ngải cứu mà không lo bị mất sữa hay không tốt cho sức khỏe. Thậm chí, ăn lá ngải cứu sau sinh còn mang đến cho mẹ rất nhiều lợi ích như giảm hàn, trừ ấm, ấm kinh...

Ăn lá ngải cứu còn giúp mẹ điều hòa kinh nguyệt, bồi bổ sức khỏe, giúp nhuận tràng, rất tốt cho phụ nữ ở giai đoạn hậu sản.

Tuy nhiên, cần lưu ý, trong lá ngải cứu có chứa tinh dầu có thể gây hại cho thận và gan nếu tiêu thụ với số lượng nhiều, Vì thế, mẹ sau sinh chỉ nên ăn ngải cứu với mức độ vừa phải, không nên lạm dụng loại rau này quá nhiều.

Như vậy, ngải cứu là một loại rau ăn có dược tính và có thể gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng quá mức. Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên không nên ăn ngải cứu vì chưa đủ chứng cứ khoa học an toàn và cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bà bầu muốn ăn ngải cứu ở những giai đoạn tiếp theo của thai kỳ.