Chờ...

Bà bầu ăn rau muống có tốt không? Nên ăn thế nào để an thai?

(VOH) – Một chế độ dinh dưỡng hoàn hảo để bồi bổ cho thai kì chắc chắn không thể thiếu đi các loại rau xanh. Theo đó, nhiều mẹ thắc mắc rằng ở giai đoạn này liệu bà bầu ăn rau muống có tốt không?

Chẳng phải là loại rau cao sang hay quá đắt đỏ, dường như bốn mùa trong năm, bất cứ khi nào thấy thèm ta đều có thể tìm mua rau muống để thưởng thức. Thế nhưng những món ăn hấp dẫn từ rau muống có thật sự phù hợp với phụ nữ mang thai hay không? Cùng tìm lời giải đáp trong bài viết này nhé.

1. Bà bầu ăn rau muống có tốt không?

Vốn được ví như món rau dân dã, “dễ trồng, dễ sống” nhưng có thể bạn chưa biết rau muống cũng thuộc nhóm rau xanh bổ dưỡng, cung cấp đa dạng các hoạt chất cần thiết cho sức khỏe như chất xơ, vitamin B, vitamin C, vitamin K cùng khoáng chất kali, magie hay đồng.

Chính vì lý do đó, nếu biết chế biến và sử dụng đúng cách, khoa học, bà bầu có thể ăn rau muống để chủ động khắc phục một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong thai kì:

1.1 Cải thiện táo bón thai kì

Chứng táo bón có lẽ là một trong những “phiền toái” mà phần lớn các mẹ bầu đều gặp phải, đặc biệt ở giai đoạn 3 tháng đầu khi nồng độ hormone progesterone thay đổi và tử cung ngày càng mở rộng. Lúc này khi lên thực đơn hàng ngày, mẹ nên tham khảo bổ sung các loại rau xanh lá giàu chất xơ như rau muống, nhằm kích thích nhu động ruột co bóp đẩy phân ra ngoài.

ba-bau-an-rau-muong-co-tot-khong-nen-an-the-nao-de-an-thai-voh-0
Bà bầu ăn rau muống sẽ chủ động khắc phục chứng táo bón thai kì (Nguồn: Internet)

1.2 Phòng chống dị tật bẩm sinh

Theo phân tích dinh dưỡng, rau muống được đánh giá là nguồn cung cấp khá dồi dào các nhóm vitamin B, trong đó phải kể tới vitamin B9 axit folic với hàm lượng tương đương 14% nhu cầu hàng ngày mà cơ thể cần. Hấp thu lượng axit folic tự nhiên này sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thai nhi, hạn chế tối đa nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.

Xem thêm: 'Điểm mặt' 6 dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp và các nguyên nhân gây bệnh

1.3 Khắc phục chứng mờ mắt

Trong rau muống cũng chứa một lượng vitamin A cực kì lớn, trung bình 100g rau muống tươi có thể bổ sung tới 6300IU vitamin A – tương đương hơn 200% nhu cầu hàng ngày. Dưỡng chất này được xem như thành tố quan trọng hỗ trợ tăng tiết nước mắt và tạo ra những sắc tố trong võng mạc, góp phần khắc phục chứng mờ mắt trong thai kì.

1.4 Ngăn ngừa thiếu máu khi mang thai

Một trong những tác dụng của rau muống với sức khỏe mẹ bầu không thể quên nhắc tới đó là ngăn ngừa tình trạng thiếu máu xảy ra. Theo đó, tăng cường ăn rau muống trong bữa cơm hàng ngày sẽ giúp mẹ tiếp nạp thêm một lượng lớn vi chất sắt cần thiết cho quá trình sản sinh tế bào hồng cầu, từ đây giảm thiểu tỉ lệ bị thiếu máu khi mang thai.

Xem thêm: Bị thiếu máu khi mang thai – lời khuyên hữu ích về cách điều trị và chế độ ăn uống

1.5 Duy trì đường huyết ổn định

Nhờ mang tới lượng chất xơ, rau muống cũng là loại rau xanh khá lành mạnh dành cho các mẹ bầu không may mắc tiểu đường thai kì. Dưỡng chất này khi vào cơ thể có khả năng làm chậm quá trình chuyển hóa đường glucose vào máu, đảm bảo duy trì đường huyết ở mức ổn định và không tăng cao đột ngột.

ba-bau-an-rau-muong-co-tot-khong-nen-an-the-nao-de-an-thai-voh-1
Ăn rau muống sẽ giúp mẹ kiểm soát đường huyết ổn định (Nguồn: Internet)

1.6 Điều hòa huyết áp

Không chỉ bổ sung phong phú các nhóm vitamin thiết yếu, rau muống còn chứa khá nhiều khoáng chất quan trọng, điển hình như kali, magie hay mangan,…Đặc biệt, những khoáng chất này đều sẽ trực tiếp tham gia đào thải lượng muối natri dư thừa, giảm tích trữ nước và phòng tránh tình trạng tăng huyết áp thai kì.

Xem thêm: Tăng huyết áp thai kỳ nguy hiểm thế nào, làm sao nhận biết và phòng ngừa?

1.7 Tốt cho làn da

Vitamin C, vitamin A hay khoáng chất selen được tìm thấy trong rau muống là những hoạt chất rất tốt cho làn da mẹ bầu. Chúng sẽ hỗ trợ tái tạo vùng da bị thâm sạm, khô ráp như vùng bụng, bắp chân hay bắp tay, tăng tính đàn hồi cho lớp biểu bì dưới da và ngăn ngừa lão hóa da sớm.

2. Bà bầu ăn rau muống sống được không?

Bà bầu có thể ăn rau muống để dưỡng thai nhưng tuyệt đối không được ăn rau muống sống. Điều này là bởi rau muống thuộc nhóm sinh trưởng ở khu vực ẩm ướt, quanh ao hồ nên rất dễ bị nhiễm các loại kí sinh trùng, giun sán. Vì vậy, tốt nhất mẹ hãy ngâm rửa rau muống kĩ càng với nước muối loãng và chỉ sử dụng khi đã trụng (chần) hoặc chế biến chín.

Mẹ có thể tận dụng rau muống để làm các món gỏi trộn, nấu canh hoặc các món xào theo một số gợi ý dưới đây:

  • Nộm rau muống thịt bò
  • Gỏi rau muống tôm khô
  • Canh nghêu rau muống
  • Canh rau muống khoai sọ
  • Rau muống xào tỏi
  • Rau muống xào nấm

Xem thêm: Tuyển tập’ 15 món ngon từ rau muống – dân dã nhưng nhắc tới ai cũng thèm

3. Một số lưu ý khác cần biết khi bà bầu ăn rau muống

Bên cạnh khuyến cáo ăn rau muống đã chế biến chín, trong quá trình sử dụng, mẹ bầu cũng cần thực hiện một vài lưu ý sau:

  • Không nên ăn quá nhiều rau muống, liên tục trong nhiều ngày mà hãy kết hợp xen kẽ, linh hoạt các loại rau xanh khác trong khẩu phần ăn. Mỗi tuần ăn rau muống từ 2 – 3 bữa với khoảng 100 – 150g một bữa là hợp lý nhất.
  • Nếu mẹ đang bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy thì nên tránh ăn rau muống, đặc biệt là vào bữa tối.
  • Trường hợp mẹ có vết thương hở cũng cần tránh thêm rau muống trong thực đơn, để không bị sẹo lồi trên da.

Qua những chia sẻ trong bài viết trên đây mẹ bầu đã phần nào yên tâm thưởng thức các món ngon từ rau muống rồi nhỉ. Điều quan trọng là mẹ đừng quên làm sạch rau trước khi chế biến và sử dụng đúng cách, đúng liều lượng nhé!