Giải thích thành ngữ “Ném đá giấu tay” là gì?

VOH - “Ném đá giấu tay” là hành vi của kẻ vừa có lòng dạ xấu vừa không “quang minh chính đại”. Vậy thành ngữ “Ném đá giấu tay” có nghĩa là gì?

Thành ngữ thể hiện ý kiến, quan điểm của người xưa về các sự việc, hiện tượng hay con người. Nhưng ý nghĩa của thành ngữ không chỉ gói gọn trong từ tạo nên nó mà còn chứa một ý nghĩa khái quát hơn. Vì vậy, khi giải thích “Ném đá giấu tay” là gì, chúng ta cần phải tìm hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Dưới đây là những lý giải của VOH về câu thành ngữ này, mời bạn đọc cùng tham khảo.

Giải thích “Ném đá giấu tay” là gì?

Điển tích thành ngữ “Ném đá giấu tay”

Theo một số tài liệu, “Ném đá giấu tay” là câu thành ngữ xuất xứ từ điển tích của Khổng Tử và học trò tên Tử Lộ.

Chuyện kể Tử Lộ đi lấy nước uống ở suối, đụng phải cọp nên đã rứt được một nhúm lông đuôi. Sau khi về hỏi Không Tử cách giết cọp và được trả lời rằng “Kẻ hạ sĩ nắm lấy đuôi cọp mà giết”, người học trò này đã định ném đá vào thầy mình. Tuy nhiên, khi Tử Lộ hỏi cách giết người, Khổng Tử đáp “Kẻ hạ sĩ giết người bằng cách ném đá giấu tay” thì y mới kính phục thầy.

Thành ngữ “Ném đá giấu tay” có nghĩa là gì?

“Ném đá giấu tay” cũng là một thành ngữ khá quen thuộc với người Việt và được dùng để chỉ một hành động, một hiện tượng xấu trong xã hội.

Trước hết, “ném đá” được hiểu là hành động chọc phá, phá hoại, gây hại có chủ đích. Ngày nay, cụm từ này còn dùng để thể hiện sự phản đối, phê phán một vấn đề, cá nhân, tổ chức nào đó. Tuy nhiên, hành động “ném đá” trong thời đại mạng xã hội lên ngôi thường bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, hùa theo phong trào mà không phân biệt đúng - sai, phải - trái.

“Giấu tay” là hành động giấu giếm nhằm che giấu đối tượng gây ra hành vi “ném đá”, giấu đi ngọn nguồn, nguyên nhân dẫn đến sự việc (thường là không tốt).

Giải thích thành ngữ “Ném đá giấu tay” có nghĩa là gì? 1
"Ném đá giấu tay" là hành vi lén lút làm chuyện xấu hoặc xúi giục người khác làm chuyện xấu - Ảnh: iStock

Từ nghĩa đen, chúng ta có thể giải thích câu thành ngữ “Ném đá giấu tay” chỉ những người làm việc mờ ám, việc xấu, việc ác, làm hại người khác một cách lén lút nhưng không nhận. Họ cố ý che giấu hành vi của mình và tỏ ra không liên quan đến sự việc hoặc hậu quả, không muốn đối diện với việc bị chỉ trích. Điều này có thể dẫn đến sự xáo trộn, làm nảy sinh sự nghi ngờ hoặc khiến người khác bị nghi oan.

Ngoài ra, “Ném đá giấu tay” cũng có thể được dùng cho trường hợp “mượn tay” hoặc xúi giục người khác thực hiện ý đồ của mình.

Trong tiếng Trung, câu thành ngữ 借刀杀人 (jiè dāo shā rén) - “Mượn đao giết người” cũng mang ý nghĩa tương tự “Ném đá giấu tay”.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Mượn gió bẻ măng” là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Có tật giật mình” là gì?
Giải thích “Ăn đơm nói đặt” là gì? Vi phạm phương châm hội thoại nào?

“Ném đá giấu tay” - hành vi của kẻ tiểu nhân

“Ném đá giấu tay” được xem là hành vi của kẻ tiểu nhân và đã xuất hiện từ xa xưa. Những kẻ làm việc xấu nhưng giấu mặt này thường là người hèn nhát, hèn hạ, hay ghen tỵ, có nhiều toan tính. Hành động “ném đá” cũng không phải là hiện tượng bộc phát mà thường bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa nào đó và có sự tính toán nhất định.

Sở dĩ, hành vi này được coi là “chiêu” của kẻ tiểu nhân bởi nó mang mục đích không trong sáng, không “quang minh chính đại”, không “rõ ràng sòng phẳng” và gây hại cho người khác. Đây cũng chính là lý do cho hành động “giấu tay” hoặc “mượn tay” để thực hiện.

Điều này cũng cho thấy rằng kẻ “ném đá” nhận thức được hành vi của mình là sai, sẽ để lại hậu quả (nên mới giấu giếm, không muốn lộ mặt) nên đã tìm tới phương thức trên. Đây chính là một trong những biểu hiện của kẻ tiểu nhân, không có đạo đức.

Giải thích thành ngữ “Ném đá giấu tay” có nghĩa là gì? 2
Ngày nay, nhiều kẻ xấu lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi "ném đá" - Ảnh: Internet

Ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp hành vi “Ném đá giấu tay” trong rất nhiều tình huống và dưới nhiều hình thức khác nhau. Phổ biến nhất là chiêu trò “Ném đá giấu tay”, bôi nhọ nhau trên mạng xã hội. Là hành động “Ném đá giấu tay” gây chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết trong một tập thể, là thủ đoạn mưu hại, khiến người khác bị nghi ngờ hay triệt hạ đối thủ…  

Xem thêm:
Danh sách ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự phản bội thâm thúy nhất
56 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ châm biếm mỉa mai cuộc sống, phụ nữ lẫn đàn ông
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối

Hành động “Ném đá giấu tay” gây ra hậu quả gì?

  • Ảnh hưởng đến giá trị đạo đức và cuộc sống của con người: “Ném đá giấu tay” là hành vi vi phạm các giá trị đạo đức của con người, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, cuộc sống thậm chí tác động đến trật tự của xã hội.
  • Chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết: Trong một tập thể, tổ chức… hành động “Ném đá giấu tay” gây nên sự nhiễu loạn thông tin, hoang mang, lo lắng, nghi ngờ từ đó phá vỡ sự đoàn kết.
  • Đánh mất lòng tin, tình cảm và sự tôn trọng: Kẻ “Ném đá giấu tay” không nhận được được sự tin tưởngtôn trọng từ người khác. Với những trường hợp gây nên hậu quả nghiêm trọng, vi phạm pháp luật, người làm chuyện xấu hoặc xúi giục người khác làm chuyện xấu sẽ phải chịu trách nhiệm vì hành vi của mình.

Bài học từ thành ngữ “Ném đá giấu tay”

Sống ngay thẳng, thật thà

Người làm việc sai trái sớm muộn gì cũng sẽ phải chịu hậu quả. Tuy câu thành ngữ “Ném đá giấu tay” không nói đến quy luật nhân quả nhưng việc lên án, phê phán hành động này rõ ràng đã thể hiện thái độ, quan điểm của người xưa. Đồng thời nó cũng là lời nhắc nhở, khuyến khích, hướng con người sống thật, sống ngay thẳng, sống có ích.

Giải thích thành ngữ “Ném đá giấu tay” có nghĩa là gì? 3
Ai cũng phải chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm, hành vi sai trái của bản thân - Ảnh: Stock Image

Biết nhận sai và sửa chữa lỗi lầm

“Nhân vô thập toàn”, con người sinh ra không ai hoàn hảo và cũng không ai có thể khẳng định rằng mình sẽ không phạm phải sai lầm. Điều quan trọng là khi mắc lỗi, khi làm điều sai trái, khi khiến người khác bị tổn thương chúng ta phải biết chịu trách nhiệm, sửa chữa và tránh tái phạm. Che giấu lỗi lầm, không biết hối hận thì không thể tiến bộ và hoàn thiện bản thân.

Xem thêm:
60 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự trung thực, chính trực, thật thà
340 câu ca dao, tục ngữ về đạo đức, lối sống, đạo lý làm người
100 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về luật nhân quả cảnh tỉnh con người

Những câu thành ngữ, tục ngữ phê phán hành vi lén lút, không đàng hoàng

Thông thường, con người chỉ lén lút, vụng trộm khi làm những việc không đàng hoàng. Giống như “Ném đá giấu tay”, làm điều xấu, gây tổn thương, hãm hại người khác nhưng giấu giếm, che đậy, tỏ ra không liên quan. Mượn những hình ảnh gần gũi, cụ thể và có tính hàm súc cao, dân gian đã đúc kết hành vi này thông qua những câu thành ngữ, tục ngữ sau.

Giải thích thành ngữ “Ném đá giấu tay” có nghĩa là gì? 4
Ảnh: Freepik
  1. Vào cửa mạch, ra cửa tà
  2. Đi đêm về hôm
  3. Đi ngang về tắt
  4. Đưa cửa trước, rước cửa sau
  5. Lảng vảng như thành hoàng xuất ngoại
  6. Lấc láo như quạ vào chuồng lợn
  7. Thì thầm như kẻ trộm chia của
  8. Ăn chùng nói vụng
  9. Len lét như rắn mồng năm
  10. Lối ngay đường tắt
  11. Cây thẳng bóng ngay, cây cong bóng vạy
  12. Mắt la mày lét
  13. Mắt trước mắt sau

Trên đây là phần giải thích câu thành ngữ “Ném đá giấu tay” là gì của VOH. Muốn tìm hiểu ý nghĩa của các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam cũng như khám phá kinh nghiệm sống của người xưa, bạn nhớ theo dõi và thường xuyên cập nhật các bài viết của chuyên mục Sống đẹp.

Bình luận