Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Ăn rau ngót có tác dụng gì cho sức khỏe?

(VOH) – Rau ngót không chỉ là thực phẩm yêu thích của rất nhiều người mà chúng còn có thể mang đến nhiều lợi ích sức khỏe. Vậy ăn rau ngót có tác dụng gì và ăn như thế nào là tốt nhất?

Rau ngót là một trong những loại rau dân dã, phổ biến ở Việt Nam, đây là loại rau dễ trồng, dễ sống, sinh trưởng nhanh và ít sâu bệnh. Rau ngót được trồng chủ yếu là để tận dụng đất, về lâu dài chúng đã trở thành món ăn hàng ngày của đa số gia đình bởi hương vị ngọt mát và tốt cho sức khỏe.

1. Rau ngót là rau gì?

Rau ngót (hay còn gọi là rau bồ ngót, bù ngót, rau tuốt....) có tên khoa học là Sauropus androgynus, là một loài cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Ấn Độ và Đông Nam Á.

Rau ngót là loại cây bụi lâu năm phát triển nhanh, có thể cao đến 2m. Lá có hình bầu dục, màu xanh đậm ở cả 2 mặt và xếp xen kẽ trên các cành dài. Hoa có hình đĩa rộng, màu cam đậm hoặc đỏ thẫm, có hoa cái và hoa đực, mọc đơn lẻ hoặc thành chùm. Quả bồ ngót nhỏ, hình tròn, màu trắng hoặc hơi hồng, có từ 4 – 6 hạt bên trong.

rau-ngot-co-tac-dung-gi-voh-0
Rau ngót là loại rau ăn dân dã thường thấy trong các bữa cơm nhà (Nguồn: Internet)

Rau ngót có vị tương tự như măng tây, khá lành tính và an toàn, vì thế loại rau này thường được dùng để nấu canh, ép lấy nước uống. Khi hái rau ngót, người ta thường chọn những lá ngon bởi chúng có vị ngọt hơn và ăn không bị dai.

2. Ăn rau ngót có tác dụng gì cho sức khỏe?

Theo Đông y, rau ngót có vị bùi ngọt, tính mát, rễ có vị hơi ngăm đắng. Cả lá và rễ rau ngót đều có tác dụng hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Dân gian thường dùng rau ngót để chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, tiểu rắt, tiêu độc. Rễ rau ngót dùng làm “thuốc” lợi tiểu, thông huyết, kích thích co bóp tử cung.

Trong các nghiên cứu y học hiện đại, rau ngót là một nguồn cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, canxi, sắt, magie, photpho, mangan, kali, vitamin A, vitamin C...  Chính vì thế, tiêu thụ rau ngót có thể mang đến nhiều lợi ích như:

2.1 Thanh nhiệt cơ thể

Rau ngót có tính mát, vị ngọt, vì thế một trong những tác dụng của rau ngót là giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Khi cảm thấy nóng trong người, bạn có thể dùng rau ngót nấu canh với hến sẽ giúp giải nhiệt mùa hè hiệu quả.

2.2 Ổn định huyết áp

Rau có có tác dụng làm giảm huyết áp, lý do là vì rau ngót có chứa chất papaverin, đây là chất có tác dụng làm giãn mạch và chống co thắt cơ trơn. Vì thế, ăn rau ngót có thể giúp ổn định huyết áp hữu hiệu.

2.3 Giúp giảm cân

Nước ép rau ngót được xem như một trong những loại thức uống có tác dụng giảm cân khá tốt, đặc biệt là giảm béo tại vùng bụng.

Nhờ có hàm lượng chất xơ cao nhưng lượng calo thấp và không chứa chất béo, nên ăn rau ngót hoặc uống nước rau ngót có thể giúp bạn ít cảm thấy đói, đồng thời cũng không gây tích tụ chất béo trong cơ thể.

Xem thêm: Uống nước rau ngót có tác dụng gì mà người người 'đổ xô' nhau uống

2.4 Điều trị tiểu đường

Một tác dụng khác của rau ngót là có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Trong rau ngót có chứa chất insulin nên có khả năng làm chậm quá trình hấp thụ đường trong cơ thể cũng như kiểm soát tốt lượng đường. Do đó, người mắc bệnh tiểu đường có thể bổ sung thêm rau ngót trong bữa ăn của mình để giúp cải thiện lượng đường huyết.

2.5 Ngăn ngừa táo bón

rau-ngot-co-tac-dung-gi-voh-1
Rau ngót chứa nhiều chất xơ có thể giúp ngăn ngừa táo bón (Nguồn: Internet)

Rau ngót là một nguồn cung cấp chất xơ có lợi cho cơ thể. Cơ thể cần được cung cấp đủ chất xơ để hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn và giúp ngăn ngừa chứng táo bón tốt hơn.

2.6 Cải thiện sữa mẹ

Phụ nữ sau sinh ăn rau ngót có thể giúp tăng đáng kể việc sản xuất sữa mẹ để thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhờ chứa nhiều dưỡng chất như protein, tiền vitamin A, vitamin C và một số vitamin nhóm B, đặc biệt là chất sterol – một chất có tính estrogen – trong rau ngót có tác dụng cải thiện lượng sữa mẹ trong thời kỳ cho con bú.

2.7 Chữa nám da

Uống nước rau ngót hoặc đắp mặt nạ rau ngót có thể giúp giảm tình trạng nám trên da. Rau ngót chứa nhiều vitamin, điển hình là vitamin C, đây là chất chống oxy hóa mạnh, có thể ức chế việc tạo thành sắc tố melanin trên da và có tác dụng ngăn chặn nám hiệu quả.

Xem thêm: Những phương pháp giúp bạn ‘đánh bật’ nám để ‘hồi sinh’ làn da trắng mịn

2.8 Một số tác dụng của rau ngót theo kinh nghiệm dân gian

Một số kinh nghiệm dân gian đã sử dụng rau ngót làm thuốc trong một số trường hợp như:

  • Chữa tưa lưỡi cho trẻ
  • Chữa sót nhau thai
  • Chữa nhức xương
  • Chảy máu cam
  • Giải độc rượu
  • Trị đái dầm ở trẻ em
  • Đau mắt đỏ, nhức nhối khó chịu
  • Cải thiện đời sống tình dục ở cả nam và nữ giới

Lưu ý: Các bài thuốc có sử dụng rau ngót trong điều trị bệnh theo kinh nghiệm dân gian cần được tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

3. Tác dụng của rau ngót đối với bà bầu

Có thể nói rau ngót là loại rau dân dã, lành tính và dường như phù hợp với nhiều người. Tuy nhiên, rau rót lại là loại rau “kỵ” của phụ nữ mang thai.

Bà bầu ăn rau ngót trong thai kỳ không chỉ không nhận được những lợi ích sức khỏe mà thậm chí còn gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

rau-ngot-co-tac-dung-gi-voh-2
Rau ngót là loại rau "cấm ky" đối với phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ (Nguồn: Internet)

Một số lý do khiến mẹ bầu không được ăn rau ngót trong thời kỳ mang thai là:

  • Có thể gây dọa sảy thai
  • Gây mất ngủ
  • Đầy bụng khó tiêu
  • Giảm sự hấp thu canxi và phốt pho

Mặc dù rau ngót được khuyến cáo là loại rau không tốt cho bà bầu, nhưng nếu muốn ăn rau ngót bạn vẫn có thể tiêu thụ chúng, chỉ cần tuân thủ những lưu ý trong ăn uống và lượng dùng phù hợp.

Xem thêm: Bà bầu ăn rau ngót được không và những lưu ý cần nhớ khi muốn tiêu thụ

4. Những món ăn ngon từ rau ngót

Rau bồ ngót có thể dùng để nấu rất nhiều món canh, bạn có thể nấu suông (chỉ mỗi rau ngót) vì rau có vị ngọt sẵn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể kết hợp rau ngót với những nguyên liệu khác để nấu thành các món canh như:

  • Canh rau ngót nấu tôm
  • Canh rau ngót thịt xay (thịt băm)
  • Canh rau ngót thịt bò
  • Canh rau ngót nấu xương
  • Canh rau ngót nấu trứng

Xem thêm: Gợi ý công thức nấu rau ngót thành các món ăn vừa thanh mát, vừa bổ dưỡng

5. Rau ngót kỵ với thực phẩm nào nào?

Rau ngót lành tính và dường như có thế kết hợp được với rất nhiều thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, vì rau ngót không chỉ là thực phẩm dùng trong ẩm thực mà nó còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Vì thế, khi ăn rau ngót, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

5.1 Người cao tuổi, khó ngủ, ăn kém

Ăn nhiều rau bồ ngót có thể khiến bạn bị mất ngủ, ăn kém thậm chí là kèm theo khó thở. Do đó, những người khó ngủ nên tránh ăn rau ngót, nếu muốn ăn bạn nên nấu chín hoàn toàn, vì quá trình đun sôi rau ngót có thể giảm những tác động của rau này đối với cơ thể. Tuyệt đối không ăn rau ngót sống hoặc uống nước ép.

5.2 Người bị thiếu canxi, còi xương

Mặc dù rau ngót là loại rau giàu canxi nhưng chúng có chứa thành phần cản trở quá trình hấp thụ canxi và photpho, cụ thể chính là chất glucocorticoid. Do đó, những người bị còi xương hoặc thiếu canxi tốt nhất không nên ăn nhiều rau ngót, tốt nhất mỗi tuần chỉ ăn 1 lần là được.

5.3 Phụ nữ mang thai

Như đã nói, phụ nữ mang thai không nên ăn rau ngót trong thai kỳ để có thể đảm bảo sự phát triển của thai nhi được khỏe mạnh.

6. Rau ngót ăn bao nhiêu là hợp lý?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau bồ ngót chỉ nên được tiêu thụ với một lượng vừa phải. Thông thường, bạn có thể ăn khoảng 50 gram rau ngót một ngày và không ăn liên tục trong 3 tháng.

rau-ngot-co-tac-dung-gi-voh-3
Ăn rau ngót với lượng vừa phải sẽ mang đến nhiều lợi ích sức khỏe (Nguồn: Internet)

Trước khi nấu rau ngót nên rửa sạch, ngâm nước muối trong 15 – 20 phút để loại bỏ vi khuẩn, bụi,... sau đó rửa sạch lại với nước, tiến hành vò sơ rau và cho vào nấu để rau được mềm hơn.

Rau ngót rất dễ trồng, dễ sống, bạn có thể trồng rau ngót bằng thân của chúng trong vườn nhà, quanh bờ ao, dọc theo bờ rào, các lối đi để có thể sử dụng được nguồn rau sạch.

7. Thành phần dinh dưỡng có trong rau ngót

Xét về mặt dinh dưỡng, rau ngót là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong 100 gram rau ngót cung cấp rất nhiều dưỡng chất với hàm lượng được thống kê như sau:

  • Nước: 86.4g
  • Năng lượng: 35 Kcal
  • Protein: 5.3g
  • Chất xơ: 2.5g
  • Canxi: 169mg
  • Sắt: 2.7mg
  • Magie: 123mg
  • Photpho: 65mg
  • Kali: 457mg
  • Vitamin C: 185mg
  • Vitamin B1: 0.07mg
  • Vitamin B2: 0.39mg
  • Vitamin PP: 2.2mg
  • Beta-carotene: 6650µg

Nhìn vào bảng thành phần dinh dưỡng có thể thấy rau ngót có hàm lượng vitamin A và C cao hơn nhiều so với quả bưởi, quả camquả chanh. Ngoài ra, các thành phần khác như canxi, kali,... hay protein, chất xơ trong rau ngót cũng đều có hàm lượng cao, rất tốt cho cơ thể.

Như vậy, rau ngót là một loại rau dân dã an toàn, vừa có giá trị dinh dưỡng vừa mang đến nhiều tác dụng tốt, đặc biệt là ở tác dụng thanh nhiệt giải độc cơ thể. Dù bạn dùng rau ngót để nấu canh hay ép lấy nước uống thì chúng cùng đều mang đến cho bạn những lợi ích sức khỏe tuyệt vời.