Uống trà lúa mạch có tác dụng gì? 8 lý giải bạn cần biết ngay

(VOH) – Không chỉ tại các quốc gia Đông Á như Hàn Quốc hay Nhật Bản, trà lúa mạch cũng đang tạo nên ‘cơn sốt’ tại Việt Nam. Tuy vậy uống trà lúa mạch có tác dụng gì với sức khỏe và pha chế ra sao?

So với lúa gạo hay lúa mì thì lúa mạch không phải là hạt ngũ cốc hợp đất trồng tại nước ta. Thế nhưng, khi nhu cầu giao thương mở rộng, hạt lúa mạch đã được nhập khẩu rộng rãi hơn, nhiều gia đình Việt cũng tận dụng làm nguyên liệu cho bánh mì lúa mạch, mì lúa mạch và cả trà lúa mạch.

1. Uống trà lúa mạch có tác dụng gì?

Với thành phần chính là hạt lúa mạch rang thơm, trà lúa mạch vẫn đảm bảo cung cấp đa dạng chất dinh dưỡng cho cơ thể, gồm các nhóm chất chống oxy hóa mạnh, vitaminkhoáng chất thiết yếu. Do đó, uống trà lúa mạch có tác dụng tăng cường sức khỏe nhờ vào những lợi ích tuyệt vời này:

1.1 Điều hòa huyết áp

Rất nhiều nghiên cứu y khoa xếp trà lúa mạch vào nhóm thực uống lành mạnh đối với huyết áp và sức khỏe tim mạch. Theo đó, hấp thu axit amin từ trà sẽ làm tăng hoạt động sản xuất axit propionic, từ đó hạn chế lượng cholesterol xấu tích tụ ở thành mạch nhằm duy trì dòng tuần hoàn máu ổn định, không bị tắc nghẽn.

uong-tra-lua-mach-co-tac-dung-gi-8-ly-giai-ban-can-biet-ngay-voh-0
Trà lúa mạch rất tốt cho người bệnh huyết áp cao (Nguồn: Internet)

1.2 Ngăn ngừa ung thư

Không phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa, trà lúa mạch đã nằm trong danh sách thức uống bồi bổ sức khỏe nổi tiếng tại xứ sở Hàn Quốc hay Nhật Bản. Điều này là bởi ly trà lúa mạch thơm dịu mang đến cho cơ thể lượng chất chống oxy hóa cực kì dồi dào, tăng cường bảo vệ tế bào không bị gốc tự do tấn công và ngăn ngừa ung thư.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

1.3 Uống trà lúa mạch giảm cân

Một trong những tác dụng hữu ích từ trà lúa mạch chắc hẳn phải kể tới khả năng hỗ trợ giảm cân. Lúc này nhóm chất xơ hòa tan beta-glucan được chiết xuất từ hạt lúa mạch vào đường ruột có thể làm chậm tốc độ chuyển hóa và hấp thu thức ăn, giảm cảm giác đói cũng như cắt cơn thèm ăn hiệu quả.

1.4 Tốt cho hệ tiêu hóa

Bên cạnh công dụng kiểm soát cân nặng, lượng chất xơ mà lúa mạch đem lại còn có đặc tính làm sạch ruột, đào thải các độc tố bị lắng đọng, góp phần không nhỏ ngăn chặn ung thư ruột kết. Vì thế, duy trì uống trà lúa mạch đúng cách cũng là phương pháp giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa.

Xem thêm: Bạn đã biết gì về hoạt động của hệ tiêu hóa?

1.5 Giúp ngủ ngon giấc

Nếu đang tìm kiếm một loại trà có tác dụng cải thiện chứng mất ngủ và giúp ngủ ngon giấc hơn thì trà lúa mạch là gợi ý khá phù hợp dành cho bạn. Trà không chứa chất kích thích caffein lại mang hương thơm dịu nên sẽ để lại tác động tích cực tới hệ thần kinh, xoa dịu căng thẳng nhằm đưa bạn vào giấc ngủ say dễ dàng hơn.

uong-tra-lua-mach-co-tac-dung-gi-8-ly-giai-ban-can-biet-ngay-voh-1
Thưởng thức trà lúa mạch vào buổi tối sẽ giúp bạn ngủ ngon giấc hơn (Nguồn: Internet)

1.6 Kiểm soát đường huyết

Đối với người bệnh đang trị tiểu đường, các chuyên gia cũng khuyến khích nên tham khảo uống bổ sung trà lúa mạch nguyên chất và không pha thêm chất tạo ngọt. Khi đó, khoáng chất magie từ trà có thể kiểm soát nồng độ đường huyết ổn định, đồng thời khắc phục tình trạng kháng insulin.

Xem thêm: Chỉ số đường huyết bao nhiêu là an toàn? Cách giúp bạn kiểm tra đường huyết tại nhà

1.7 Uống trà lúa mạch có tác dụng làm sạch răng miệng

Sau mỗi bữa ăn, bạn có thể thưởng thức một ly trà lúa mạch dịu ấm vừa để thúc đẩy tiêu hóa, vừa làm sạch răng miệng. Các chất kháng viêm từ trà sẽ trực tiếp tham gia tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng, phòng ngừa viêm nướu, sâu răng hay các bệnh lý khác liên quan đến răng miệng.

1.8 Cải thiện da mịn màng

Theo phân tích dinh dưỡng, ngâm ủ trà lúa mạch là cách giúp chúng ta tận dụng tối đa lượng vitamin B, vitamin E trong vỏ hạt. Từ đây tăng độ đàn hồi lớp biểu bì dưới da, tái tạo các tế bào bị tổn thương và cải thiện da mịn màng.

2. Hướng dẫn cách pha trà lúa mạch

Trên thị trường hiện nay có khá nhiều thương hiệu trà lúa mạch Hàn Quốc hay trà lúa mạch Nhật Bản đóng gói sẵn, tuy nhiên nếu muốn tự rang hạt và pha chế trà tại nhà thì một vài công thức đơn giản dưới đây chắc hẳn sẽ giúp ích cho bạn đấy.

2.1 Trà lúa mạch chanh mật ong

uong-tra-lua-mach-co-tac-dung-gi-8-ly-giai-ban-can-biet-ngay-voh-2
Trà lúa mạch chanh mật ong thơm dịu, dễ uống (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Hạt lúa mạch: 30 – 50g
  • Nước đun sôi: 200 – 250ml
  • Nước cốt chanh
  • Mật ong

Cách pha trà lúa mạch mật ong

  • Rang thơm hạt lúa mạch tới khi có mùi thơm và hạt chuyển màu nâu đậm là được.
  • Sau đó trút hạt vào ấm trà, từ từ rót nước sôi vào rồi ủ trà trong khoảng 15 – 20 phút.
  • Rót trà ra ly, thêm nước cốt chanh và mật ong rồi thưởng thức.

Xem thêm: Mẹo nhận diện mật ong thật hay giả cực đơn giản, cực chuẩn được chia sẻ bởi bác sĩ nổi tiếng

2.2 Trà lúa mạch đậu đen

uong-tra-lua-mach-co-tac-dung-gi-8-ly-giai-ban-can-biet-ngay-voh-3
Trà lúa mạch đậu đen giúp giải độc cơ thể (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Hạt lúa mạch: 30g
  • Hạt đậu đen: 30g
  • Nước đun sôi: 500ml

Cách pha trà lúa mạch đậu đen

  • Đãi sạch phẩn hạt lúa mạch và hạt đậu đen, đem rửa sạch. Nên ngâm đậu đen trong nước khoảng 7 – 8 tiếng.
  • Tiến hành rang thơm cả hai loại hạt, sau đó dùng máy xay chuyên dụng xay nhuyễn.
  • Trút hỗn hợp vào ấm, từ từ rót nước sôi vào để ủ trà trong 15 – 20 phút. Tiếp đến dùng rây lọc bỏ bã và chắt lấy nước trà.

Xem thêm: Tại sao nói đậu đen là ‘siêu thực phẩm’ dành cho người Việt ăn hàng ngày?

2.3 Trà lúa mạch diếp cá

uong-tra-lua-mach-co-tac-dung-gi-8-ly-giai-ban-can-biet-ngay-voh-4
Trà lúa mạch diếp cả bổ mát (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Hạt lúa mạch: 50g
  • Rau diếp cá: 20g (1 bó nhỏ)
  • Muối tinh
  • Nước đun sôi: 500ml

Cách pha trà lúa mạch diếp cá

  • Ngâm rửa sạch rau diếp cá, sau đó đem phơi khô dưới nắng hoặc dùng lò sấy.
  • Rang thơm hạt lúa mạch khoảng 15 – 20 phút.
  • Bắc nồi lên bếp, cho lá diếp cá và hạt lúa mạch vào, đun sôi khoảng 20 phút là hoàn thành trà lúa mạch diếp cá.
  • Để hương vị dễ uống hơn, hãy hòa thêm chút muối vào. 

Xem thêm: Nước rau diếp cá – thức uống ‘kén người’ nhưng rất tốt cho sức khỏe nhờ 8 lợi ích tuyệt vời này

3. Uống trà lúa mạch khi nào thì tốt?

Theo chia sẻ của các chuyên gia dinh dưỡng, chúng ta có thể uống trà lúa mạch vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Song cần chú ý không nên uống trà khi bụng còn đói, tốt nhất hãy dùng sau bữa ăn chính từ 30 phút – 1 tiếng.

Ngoài ra, trong trường hợp muốn sử dụng trà lúa mạch để trị chứng mất ngủ thì bạn có thể uống trà trước giờ đi ngủ khoảng 1 tiếng.

4. Những lưu ý an toàn cần biết khi dùng trà lúa mạch

Các tác dụng của trà lúa mạch chỉ phát huy hiệu quả khi được sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Do vậy, bạn đừng quên thực hiện những lưu ý an toàn sau đây:

4.1 Không uống khi bị dị ứng gluten

Nếu thuộc nhóm đối tượng có tiền sử dị ứng gluten – mắc bệnh celiac thì trà lúa mạch không phải là thức uống an toàn với sức khỏe của bạn. Theo đó, tình trạng phát ban đỏ, ngứa ngáy và sốc phản vệ sẽ trở nên khá trầm trọng nên tốt nhất bạn nên loại bỏ loại trà ra khỏi chế độ dinh dưỡng.

Xem thêm: Những điều cần biết về bệnh Celiac

4.2 Tránh uống quá nhiều

Thưởng thức trà lúa mạch rất tốt cho sức khỏe nhưng tuyệt đối không được lạm dụng hay thay thế cho nước lọc thông thường. Lời khuyên là chỉ dùng từ 30 – 50 hạt lúa mạch để pha trà, trong tuần uống trà khoảng 2 – 3 lần.

4.3 Không để trà qua đêm

Sau khi pha trà lúa mạch hãy cố gắng sử dụng hết trong ngày, tránh cất trữ qua đêm vừa làm hao hụt dưỡng chất, vừa làm mất hương vị trà.

4.4 Phụ nữ mang thai nên hạn chế dùng

Để đảm bảo cả mẹ và bé không gặp rủi ro sức khỏe nào, trong thời gian mang thai, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định dùng trà lúa mạch.

Là một loại trà ngũ cốc hảo hạng và mang hương vị rất khác biệt nên trà lúa mạch vẫn đang “chinh phục” thành công nhiều gia đình Việt. Hơn hết, mong rằng những thông tin trong bài viết trên đã phần nào giúp bạn không còn băn khoăn uống trà lúa mạch có tác dụng gì với sức khỏe nhé!