Bà bầu ăn cải bó xôi được không – 8 giải đáp đầy bất ngờ!

(VOH) – Là loại rau xanh lá mềm, tương đối dễ chế biến nhưng cải bó xôi vẫn chưa thực sự khiến mẹ bầu cảm thấy an tâm thêm vào thực đơn. Vậy lời giải đáp thế nào, liệu bà bầu ăn cải bó xôi được không?

Khác với các loại rau cải quen thuộc như cải thìa, cải bẹ xanh, cải cúc (rau tần ô),… rau cải bó xôi (rau chân vịt, rau bina) mới chỉ “du nhập” vào Việt Nam một vài năm trở lại đây và chúng thuộc họ Dền. Có lẽ vì là “gương mặt” khá mới mẻ nên nhiều mẹ bầu còn băn khoăn khi lựa chọn rau cải bó xôi để chế biến món ăn dưỡng thai. Do vậy, bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ tìm hiểu tường tận xem rằng bà bầu ăn cải bó xôi được không nhé!

1. Bà bầu ăn cải bó xôi được không?

Có thể nói nếu chỉ nhìn hình dáng “mỏng manh” với phần cuống nhỏ, lá mỏng mềm thì bạn sẽ không biết rằng cải bó xôi lại được đánh giá là nguồn cung cấp vô cùng dồi dào các chất dinh dưỡng thiết yếu, gồm vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin K và đa dạng khoáng chất. Chính vì thế, theo các chuyên gia dinh dưỡng, bà bầu hoàn toàn có thể ăn cải bó xôi được, với liều lượng hợp lý và chú ý chế biến khoa học.

ba-bau-an-cai-bo-xoi-duoc-khong-8-giai-dap-day-bat-ngo-voh-0
Bà bầu hoàn toàn có thể ăn cải bó xôi trong thai kì (Nguồn: Internet)

2. Bà bầu ăn cải bó xôi nhận được lợi ích sức khỏe nào?

Duy trì bổ sung rau cải bó xôi vào khẩu phần ăn hàng ngày đúng cách, đúng lượng sẽ mang đến cho mẹ bầu những lợi ích sức khỏe quý giá sau:

2.1 Cải thiện táo bón thai kì

Rau cải bó xôi có tính hàn mát và rất giàu chất xơ nên được xếp vào nhóm thực phẩm “nhuận tràng”, kích thích tiêu hóa cũng như cải thiện táo bón thai kì khá hiệu quả. Theo đó, lượng chất xơ sẽ tăng hút nước làm mềm phân, đồng thời hỗ trợ nhu động ruột co bóp để đẩy chất thải ra ngoài, giúp việc đi đại tiện của mẹ bầu dễ dàng hơn.

2.2 Ngăn ngừa xuất huyết

Theo phân tích dinh dưỡng, rau cải bó xôi được đánh giá là loại thực phẩm giàu vitamin K bậc nhất, trong 100g rau chứa lượng vitamin K tương đương với hơn 400% nhu cầu hàng ngày mà cơ thể cần. Nhờ vậy mà các chuyên gia thường khuyến khích bà bầu tăng cường ăn loại rau này nhằm chủ động dự phòng xuất huyết sau sinh cũng như bảo vệ em bé không bị xuất huyết não.

Xem thêm: 6 dấu hiệu cảnh báo sản dịch sau sinh bất thường, mẹ đừng chủ quan!

2.3 Giảm đau nhức xương khớp

Không chỉ có khả năng ngăn ngừa tình trạng xuất huyết nghiêm trọng, vitamin K cùng với khoáng chất canxi từ cải bó xôi còn trực tiếp tham gia hình thành tế bào xương mới, tăng kết nối các khớp xương. Từ đây sẽ góp phần xoa dịu các cơn đau nhức thường gặp ở vùng xương chậu, bắp chân hay bắp tay trong suốt thai kì.

2.4 Phòng chống thiếu máu khi mang thai

Với hàm lượng vi chất sắt dồi dào, tương đương hơn 30% giá trị hàng ngày, rau cải bó xôi thuộc nhóm rau xanh rất bổ máu mà mẹ bầu nên tham khảo bổ sung. Lượng vi chất này là thành tố quan trọng giúp sản sinh đủ lượng tế bào hồng cầu, hỗ trợ phòng chống thiếu máu khi mang thai.

ba-bau-an-cai-bo-xoi-duoc-khong-8-giai-dap-day-bat-ngo-voh-1
Cải bó xôi rất giàu vi chất sắt, bổ máu, hỗ trợ ngăn ngừa thiếu máu thai kì (Nguồn: Internet)

2.5 Phòng ngừa dị tật bẩm sinh

Như đã chia sẻ, cải bó xôi chứa đa dạng các vitamin nhóm B, trong đó nhất định phải kể tới vitamin B9 (axit folic) – hàm lượng ngang với 48% nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Vitamin B9 là một trong những dưỡng chất cực kì quan trọng để hoàn thiện hệ thần kinh của thai nhi, hạn chế tối đa tỉ lệ biến dị AND – nguyên nhân gây ra các dị tật bẩm sinh ở bé.

Xem thêm: 'Điểm mặt' 6 dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp và các nguyên nhân gây bệnh

2.6 Khắc phục chứng mờ mắt

Bổ sung rau cải bó xôi vào thực đơn dưỡng thai là phương pháp giúp mẹ chủ động hấp thu thêm một lượng lớn vitamin A cần thiết cho sức khỏe đôi mắt. Theo đó, vitamin A được xem như chất xúc tác cải thiện hoạt động điều tiết mắt, tăng sắc tố ở võng mạc và khắc phục chứng mờ mắt khi mang thai.

2.7 Tăng cường sức đề kháng

Cùng với vitamin A, vitamin B hay vitamin K, rau cải bó xôi còn mang đến lượng lớn vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, củng cố “lớp bảo vệ” mẹ và bé khỏi những mầm bệnh nguy hiểm.

2.8 Điều hòa huyết áp

Rau cải bó xôi rất giàu khoáng chất kali và không chứa quá nhiều khoáng chất natri nên khá phù hợp với mẹ bầu được chẩn đoán có huyết áp tăng cao. Khoáng chất kali khi vào cơ thể sẽ điều hòa thể tích dịch, giảm áp lực máu lên thành mạch và duy trì huyết áp ổn định.

Xem thêm: Tăng huyết áp thai kỳ nguy hiểm thế nào, làm sao nhận biết và phòng ngừa?

3. Một số gợi ý món ngon từ cải bó xôi cho bà bầu

Bà bầu ăn cải bó xôi được không – 8 giải đáp đầy bất ngờ! 3
Mẹ bầu có thể tự chế biến nhiều món ăn từ cải bó xôi (Nguồn: Internet)

Lựa chọn rau cải bó xôi làm nguyên liệu mẹ có thể thỏa thích “biến tấu” nhiều món ăn thanh mát và bổ dưỡng. Những gợi ý món ngon từ cải bó xôi dưới đây đều có công đoạn chế biến khá nhanh chóng, dễ dàng nên mẹ hãy “bỏ túi” ngay nhé:

  • Sinh tố cải bó xôi
  • Cháo cải bó xôi
  • Canh cải bó xôi thịt bằm
  • Súp cải bó xôi
  • Trứng chiên cải bó xôi
  • Cải bó xôi xào nấm
  • Cơm cải bó xôi

Xem thêm: Cải bó xôi nấu gì ngon? 'Lướt nhanh' 13 gợi ý này và vào bếp nào

4. Những lưu ý cần biết khi bà bầu ăn cải bó xôi

Trong quá trình sử dụng và chế biến các món ăn từ cải bó xôi, bà bầu nên chú ý một số khuyến cáo sau:

4.1 Không ăn quá nhiều

Giống như bất cứ loại thực phẩm hay rau xanh nào, bà bầu tuyệt đối không ăn quá nhiều rau cải bó xôi, mỗi bữa dùng khoảng 80 – 100g và trong tuần từ 1 – 2 bữa là hợp lý. Ngoài ra, nếu đang bị tiêu chảy hay lạnh bụng thì nên cắt giảm rau cải bó xôi trong khẩu phần ăn.

4.2 Tránh đun nấu lâu

Cải bó xôi vốn mềm mỏng nên thời gian chín thường khá ngắn, mẹ hãy chú ý thêm rau ở công đoạn cuối cùng khi chế biến, tránh đun nấu quá lâu khiến rau chín nhũn mềm và hao hụt nhiều dưỡng chất.

4.3 Hạn chế ăn khi đang dùng thuốc chống đông máu

Lượng vitamin K trong rau cải bó xôi sẽ có tương tác với thành phần của thuốc chống đông máu, do đó khi đang điều trị có dùng loại thuốc này, mẹ bầu phải tham khảo ý kiến bác sĩ liều lượng phù hợp.

Vậy là với những thông tin dinh dưỡng trên đây, mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm bổ sung rau cải bó xôi vào thực đơn rồi nhỉ. Hãy cố gắng thực hiện đúng các khuyến cáo an toàn trong bài viết để không “bỏ phí” nguồn chất dinh dưỡng từ loại rau này mẹ nhé!