Khi mang thai, mẹ bầu buộc phải thay đổi chế độ dinh dưỡng của mình, đôi khi mẹ phải từ bỏ những món mà mẹ cực kỳ yêu thích trước đó. Đó chính là lý do mà rất nhiều bà bầu lo lắng khi đã lỡ là “tín đồ” của rong biển.
1. Bà bầu ăn rong biển được không?
Rong biển (hay còn gọi là tảo) là một trong những “siêu thực phẩm” bởi cung cấp đa dạng các dưỡng chất thiết yếu. Đây cũng là phương thuốc tự nhiên hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý, có thể sử dụng được cả dạng rong biển tươi và rong biển khô.
Chính vì thế, đa phần các loại rong biển đều an toàn cho sức khỏe thai kì và bà bầu vẫn được ăn rong biển. Tuy nhiên, nếu các mẹ từng có tiền sử dị ứng hay thể trạng không tốt thì lời khuyên là tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
2. Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn rong biển
Nếu bà bầu ăn rong biển ở một mức độ vừa phải và chế biến đúng cách thì sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe tuyệt vời sau đây:
2.1 Bổ sung khoáng chất i-ốt
Bổ sung rong biển trong khẩu phần ăn là phương pháp giúp mẹ chủ động hấp thu thêm lượng khoáng chất i-ốt cần thiết cho thai kì. Theo đó, dưỡng chất này khi vào cơ thể sẽ thúc đẩy sản sinh hormone tuyến giáp, vừa giúp ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp ở mẹ, vừa đảm bảo hệ thống thần kinh của thai nhi phát triển hoàn thiện.
Xem thêm: Iot – khoáng chất cần thiết cho mẹ bầu và thai nhi, nhưng... bổ sung bao nhiêu là đủ?
2.2 Ngăn ngừa dị tật thai nhi
Bên cạnh hàm lượng khoáng chất i-ốt dồi dào, rong biển còn mang tới các nhóm axit béo lành mạnh như omega – 3, axit align hay axit alginic. Đây đều là những hoạt chất góp phần hoàn thiện tế bào và cấu trúc của các quan trong cơ thể em bé, hạn chế tối đa tỉ lệ mắc những dị tật bẩm sinh.
2.3 Phòng chống táo bón thai kì
Theo phân tích dinh dưỡng, rong biển cũng thuộc nhóm “rau xanh” chứa lượng lớn chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ bầu, hỗ trợ khắc phục tình trạng táo bón thai kì và giảm thiểu các vấn đề rối loạn tiêu hóa khác.
Xem thêm: Giải pháp giúp mẹ vượt qua chứng táo bón khi mang thai nhẹ nhàng
2.4 Tăng cường chất chống oxy hóa
Rong biển được đánh giá là thực phẩm rất giàu chất chống oxy hóa, trong đó phải nhắc tới flavonoid và carotenoid. Những nhóm chất này có đặc tính kháng viêm mạnh và làm chậm quá trình oxy hóa tế bào trong cơ thể, bảo vệ mẹ khỏi nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính khi mang thai.
2.5 Tăng tiết sữa sau sinh
Trong y thư cổ xưa của một số quốc gia châu Á, điển hình như Hàn Quốc, các món ăn từ rong biển thường được dùng bồi bổ cho bà bầu cùng phụ nữ sau sinh nhằm kích thích hormone prolactin ở thùy trước tuyến yên. Từ đây sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động của tuyến sữa và tăng tiết sữa cho em bé bú.
Xem thêm: Nhờ 5 công dụng ‘cực xịn’ này mà các mẹ ‘bỉm sữa’ mách nhau uống chè vằng sau sinh
2.6 Làm đẹp da và tóc
Trong rong biển còn chứa một lượng khoáng chất selen cùng vitamin E tương đối dồi dào (đặc biệt là loại rong biển wakame), giúp duy trì sức khỏe của làn da và mái tóc mẹ bầu. Chúng sẽ phối hợp với nhau “phá vỡ” các gốc tự do gây nên tình trạng lão hóa da, giúp làm mờ nếp nhăn, khô sạm trên da, đồng thời ngăn ngừa tóc gãy rụng.
3. Các món ăn từ rong biển dành cho bà bầu
Với rong biển, mẹ có thể chế biến ra rất nhiều món ăn. Gợi ý mẹ những món ăn đơn giản từ rong biển là:
3.1 Canh rong biển
Rong biển khô ngâm với nước ấm cho nở, xả lại cho sạch. Khi nấu canh, mẹ có thể thêm vào món canh các loại thịt như sườn non, bò, hoặc gà. Lưu ý, thịt nên tẩm ướp gia vị, xào sơ trước khi cho vào nồi nấu. Lúc sôi, nên vặn lửa nhỏ, canh chín thêm hành lá hoặc thì là để đậm đà hương vị.
Lời khuyên: Nên dùng canh khi còn nóng.
3.2 Rong biển trộn rau răm
Rong biển đem ngâm, rửa sạch và luộc chín. Rau răm rửa sạch, tôm bóc vỏ, bỏ đầu cũng như chỉ đen trên lưng, ướp hành băm cùng muối. Cho dầu vào chảo cùng với ớt bột và chờ dầu sôi, tiếp đó cho tôm vào xào, cho khoảng 1/2 chén nước sôi, nêm đường, muối, sau đó cho rong biển vào đảo đều. Đun sôi lại thì tắt bếp, bày món ăn ra đĩa, rắc chút rau răm lên và thưởng thức.
3.3 Rong biển cuộn cơm
Sử dụng loại rong biển đã sơ chế, bắc chảo lên bếp để khô, cho vào ít dầu ăn, vặn bếp nhỏ lửa, cho một miếng rong biển vào và rắc đều gia vị lên trên, lật mặt sau lại cho ngấm. Sau đó lấy ra cắt khoảng 4 - 6 miếng đều nhau, cho cơm vào cuộn như nem. Mẹ có thể cho thêm rau củ tùy thích.
Ngoài ra, nếu muốn cầu kì hơn một chút, mẹ có thể tham khảo chế biến thêm những món ngon này:
- Chè đậu xanh rong biển
- Rong biển cháy tỏi
- Bánh bột nếp rong biển
- Nước sâm rong biển
Xem thêm: 10 cách chế biến rong biển ‘ngon ngất ngây’ khiến cả nhà mê mẩn từ lần đầu
4. Bà bầu ăn rong biển nhiều có sao không?
Nhìn chung, bà bầu ăn rong biển ở một mức độ vừa phải sẽ nhận được rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, mẹ không nên ăn nhiều để tránh gặp phải những biến chứng không mong muốn có thể gây hại thai nhi.
Rong biển có chứa nhiều i-ốt, nếu mẹ bầu ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tuyến giáp, đôi khi có thể gây ra tình trạng suy giáp ở trẻ. Vì thế, mỗi ngày mẹ chỉ nên ăn khoảng 30 - 50 rong biển hoặc cẩn thận hơn, mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thêm rong biển vào chế độ ăn.
Đặc biệt, mẹ bầu nên chọn ăn rong biển tươi thay vì ăn các loại rong biển sấy khô có tẩm ướp nhiều gia vị và muối hơn.
Mong rằng với những chia sẻ trong bài viết trên đây mẹ bầu đã hiểu rõ hơn về tác dụng của rong biển với sức khỏe thai kì, cũng như nằm lòng các lưu ý sử dụng an toàn và đúng khoa học nhé!