- Những điều cần biết khi mang thai là gì?
- Dấu hiệu mang thai
- Khám thai định kỳ
- Tìm hiểu lịch sử y tế gia đình
- Tiêm vắc-xin
- Các giai đoạn mang thai
- Bong huyết trong thai kỳ
- Tăng cân khi mang thai
- Những thứ nên và không nên ăn
- Vận động khi mang thai
- Những điều không thoải mái khi mang thai
- Bà bầu đi du lịch
- Sinh hoạt hàng ngày lành mạnh
- Chọn nơi sinh
- Mua sắm vật dụng cho bé và tìm hiểu cách nuôi dạy con
- Cơn đau đẻ
Mang thai và những điều cần biết là ghi chú không bao giờ thừa với các mẹ bầu. Càng nắm được nhiều thông tin cần làm, cần tránh khi mang thai sẽ giúp cho sức khỏe thai kỳ của mẹ và bé càng được an toàn.
1. Những điều cần biết khi mang thai là gì?
Đối với những chị em lần đầu làm mẹ cần phải chuẩn bị kiến thức từ lúc trước khi mang thai, cần phải lên kế hoạch bổ sung dinh dưỡng và các thói quen có lợi cho việc mang thai. Dưới đây là 15 điều cơ bản nhất mà các mẹ bầu cần biết khi mang thai.
1.1 Dấu hiệu mang thai
Một trong những điều mẹ bầu cần biết khi mới mang thai là hãy kiểm tra các dấu hiệu có thai. Bởi có rất nhiều trường hợp chị em có những triệu chứng mang thai nhưng đó lại là “báo động giả”. Để chắc chắn, bạn có thể dùng que thử thai hoặc đến bác sĩ khám để có được kết quả chính xác nhất.
Que thử thai sẽ cho ra kết quả chính xác về việc bạn có mang thai hay không (Nguồn: Internet)
1.2 Khám thai định kỳ
Khi bạn có thai, hãy nên cố gắng sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ mỗi tháng một lần, đặc biệt không nên bỏ qua lần khám thai đầu tiên. Các buổi khám thai là cơ hội để bạn tìm hiểu sự phát triển của bé cũng như tình hình sức khỏe của mẹ. Ngoài ra, khám thai thường xuyên còn giúp phát hiện các bất thường ở thai nhi để có biện pháp xử lý kịp thời.
1.3 Tìm hiểu lịch sử y tế gia đình
Đây là một trong những điều cần biết khi chuẩn bị mang thai. Bạn nên trao đổi với mẹ, bà ngoại hoặc những người thân trong gia đình để biết chính xác về di truyền hoặc dị tật thai nhi có trong dòng họ. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt tâm lý cũng như biện pháp phòng ngừa thích hợp.
1.4 Tiêm vắc-xin
Hãy tìm hiểu đến các loại vắc-xin mà bạn sẽ được tiêm trong giai đoạn thai kỳ. Các loại vắc-xin thường giúp mẹ bầu ngăn ngừa việc bị ốm hay lây nhiễm bệnh sang cho con ngay từ trong bụng mẹ.
Nhiêu người nói rằng, tiêm vắc-xin khi mang thai sẽ không tốt cho sức khỏe của bé, tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh. Các kết luận đều cho rằng, tiêm vắc-xin khi mang thai thường lợi nhiều hơn hại.
Các loại vắc-xin nên tiêm:
- Vắc-xin viêm gan B
- Vắc-xin viêm gan A
- Vắc xin phòng cúm
- Vắc-xin uốn ván, bạch cầu và ho gà
- Vắc-xin viêm màng não
Tiêm vắc-xin khi mang thai mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho bà bầu (Nguồn: Internet)
Một số loại vắc-xin không nên tiêm:
- Vắc-xin cúm LAIV
- Vắc-xin ngừa HPV
- Vắc-xin ngừa sởi, quai bị và sởi Rubella
- Vắc-xin bại liệt (IPV)
1.5 Các giai đoạn mang thai
Thai kỳ của mẹ bầu được chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm 3 tháng. Ở từng giai đoạn, cơ thể sẽ có những thay đổi khác nhau như thay đổi hormone, huyết áp, hô hấp và quá trình trao đổi chất. Các mẹ nên theo dõi những thay đổi này ngay khi bắt đầu mang thai để có biện pháp khắc phục ngay nếu phát hiện bất thường.
Ngoài ra, một điều nhỏ mà bà bầu 3 tháng đầu cần tránh đó là “nhịn” chuyện chăn gối, đặc biệt với những trường hợp mẹ bầu bị chảy máu âm đạo, nhau tiền đạo, có tiền sử sinh non, sảy thai, dọa sảy thai hay có những bất thường về nước ối và nhau thai.
Thực tế, nếu không có chỉ định của bác sĩ, chuyện “quan hệ vợ chồng” khi mang thai vẫn rất an toàn, vì bé đã được bảo vệ bởi nước ối và màng tử cung chắc chắn. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu tiên, mẹ bầu vẫn nên hạn chế hoặc tránh cách hành động quá mạnh mẽ, thô bạo.
1.6 Bong huyết trong thai kỳ
Dấu hiệu điển hình nhất của việc mang thai là chậm kinh hoặc mất kinh. Tuy nhiên, một số mẹ bầu lại thấy bong huyết ở giai đoạn đầu thai kỳ và nhầm lẫn đó là kinh nguyệt.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ hiện tượng này gọi là máu báo thai, xảy ra khi trứng di chuyển xuống vòi trứng và tiến tới tử cung, nơi mà phôi thai được hình thành. Nếu muốn nhận biết sự khác biệt giữa kinh nguyệt và máu máu báo thai hãy dựa vào màu sắc. Thông thường, nếu mang thai, màu máu sẽ có xu hướng nâu hoặc hồng hơn so với màu kinh nguyệt bạn thường thấy.
1.7 Tăng cân khi mang thai
Phụ nữ mang thai sẽ phải tăng cân trung bình từ 11 – 13kg trong suốt 9 tháng thai kỳ. Tăng cân bao nhiêu phụ thuộc vào chỉ số cơ thể BMI trước khi sinh. Nhìn chung, việc tăng cân khi mang thai là điều khó tránh khỏi, vì thế nguyên tắc cơ bản bạn cần nhớ là ăn đúng bữa, đủ chất để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi phát triển khỏe mạnh.
1.8 Những thứ nên và không nên ăn
Có những thứ bạn bắt buộc phải cung cấp cơ thể nhiều hơn bình thường, chẳng hạn như bổ sung vitamin, sắt và canxi trong thai kỳ là rất cần thiết. Ngoài ra, nên hạn chế tránh xa các sản phẩm có chứa cồn và cafein vì chúng sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, dị tật bẩm sinh hoặc đẻ con nhẹ cân.
1.9 Vận động khi mang thai
Bà bầu tập thể dục là biện pháp giúp nâng cao sức khỏe trong thai kỳ (Nguồn: Internet)
Một trong những điều bà bầu cần lưu ý khi mang thai là nên tập thể dục hàng ngày để đảm bảo mọi chức năng của cơ thể vận hành trơn tru. Quá trình mang thai đòi hỏi rất nhiều năng lượng và chỉ có một cơ thể khỏe mạnh mới có thể vượt qua quá trình này thuận lợi, an toàn.
1.10 Những điều không thoải mái khi mang thai
Khi mang thai, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó chịu như không thể đứng hoặc ngồi quá lâu. Bạn còn có thể bị táo bón và nôn thường xuyên cùng nhiều những vấn đề khác trong thai kỳ.
1.11 Bà bầu đi du lịch
Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, bàu đi du lịch sẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, để tránh rắc rối, một số hãng hàng không từ chối phục vụ khách hàng mang thai sau 32 tuần. Ngoài ra, những mẹ bầu nào có những vấn đề như: từng bị sảy thai, mang đa thai, huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ, tử cung hoặc cổ tử cung bất thường, từng bị tiền sản giật, thai ngoài tử cung.... thì nên hạn chế đi du lịch.
1.12 Sinh hoạt hàng ngày lành mạnh
Sinh hoạt lành mạnh là một trong những điều mẹ bầu cần biết khi mang thai. Suy nghĩ tích cực, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp bạn có được tinh thần tốt nhất để chăm sóc sức khỏe khi có em bé.
Việc tạo cho bản thân quá nhiều căng thẳng, áp lực sẽ khiến mẹ bầu dễ bị mệt mỏi, thậm chí là trầm cảm khi mang thai.
1.13 Chọn nơi sinh
Đừng để gần đến ngày sinh mới chọn nơi sinh, bạn hãy nên tìm hiểu và chọn sẵn cho mình một bệnh viện để sinh con. Tiêu chí để chọn là bệnh viện phải phù hợp với bạn và gia đình. Ngoài ra còn có các yếu tố về trình độ chuyên môn bác sĩ, thời gian thăm viếng, vệ sinh và khoảng cách từ nhà đến bệnh viện.
1.14 Mua sắm vật dụng cho bé và tìm hiểu cách nuôi dạy con
Đọc sách là cách để mẹ bầu tự trang bị cho mình kiến thức về cách chăm sóc trẻ (Nguồn: Internet)
Mẹ có thể học hỏi kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi sinh từ những người đi trước để không bị thiếu sót. Bên cạnh đó, học cách nuôi dạy con cũng là điều mà bà bầu cần nên biết. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ, người thân hoặc đọc một số sách để tự trang bị kiến thức về cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ.
1.15 Cơn đau đẻ
Ngay khi gần đến ngày sinh, bạn sẽ nhận thấy được những cơn đau chuyển dạ. Hãy lưu ý và báo cáo bác sĩ về những dấu hiệu bất thường. Có rất nhiều dấu hiệu sắp sinh mà bạn cần để ý, một trong số đó là những cơn co thắt thường xuyên.
Bạn không cần phải lo sợ, nỗi sợ hãi sinh con có thể làm trì hoãn quá trình sinh con. Sợ hãi sẽ làm tăng nồng độ hormone catecholamine trong máu, làm suy yếu các chức năng của tử cung. Do đó, tốt nhất là bạn nên tham gia một vài lớp học tiền sản để được thoải mái về tâm lý trước khi sinh.
Thực tế, sẽ có rất nhiều điều mẹ bầu cần phải biết khi mang thai, bạn sẽ được truyền dạy kinh nghiệm từ những người đi trước, tuy nhiên chỉ có bản thân bạn mới biết được điều gì là tốt nhất cho cơ thể và bé. Hi vọng qua những chia sẻ trên sẽ giúp bạn giảm bớt phần nào những lo lắng của mình.