Dấu hiệu nhận biết thai máy và hướng xử lý khi thai máy bất thường

(VOH) – Giai đoạn nhận biết thai máy được xem là một giai đoạn quan trọng, báo hiệu thai nhi đã chuyển qua một bước phát triển mới. Vì thế, mẹ bầu cần theo dõi thai máy cũng như các cử động của con.

Thai máy là cách gọi khác của các cử động thai, đây là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang khỏe mạnh trong bụng mẹ. Lúc này, mẹ sẽ cảm nhận được thai nhi có những cử động như xoay trở tay, chân hay toàn thân thai nhi chuyển động.

1. Thai máy có từ tuần thứ bao nhiêu?

Trên thực tế, thai nhi 8 tuần tuổi đã bắt đầu có cử động. Tuy nhiên, lúc này thai nhi quá nhỏ nên cử động rất nhẹ vì thế mẹ bầu chưa thể cảm nhận được thai máy. Ngoài ra, những bà mẹ mới lần đầu mang thai cũng thường không chú ý đến những chuyển động rất nhẹ này nên thường bỏ lỡ các cử động đầu tiên của bé yêu.

Thông thường, mẹ bầu sẽ cảm nhận được thai máy lần đầu tiên ở khoảng tuần thứ 18 – 25 của thai kỳ. Đối với mẹ sinh con lần 2 có thể sẽ nhận thấy thai máy sớm hơn, khoảng từ tuần thứ 13 mẹ bầu đã có thể nhận thấy thai máy.

Bên cạnh đó, với những người có thành bụng dày thường khó cảm nhận thai máy hơn những người có thành bụng mỏng. Ngoài ra, lượng nước ối nhiều hay ít cũng ảnh hưởng đến cảm nhận của thai phụ.

2. Dấu hiệu nhận biết thai máy trong các giai đoạn thai kỳ

Ban đầu, cảm nhận thai máy đầu tiên mà mẹ có thể nhận biết được là những chuyển động nhẹ nhàng như cá quẫy hay nhúc nhích trong bụng mẹ. Khi sự phát triển của thai nhi càng lớn, mẹ sẽ cảm nhận rõ rệt hơn thông qua những cử động mạnh mẽ hơn. Để dễ dàng nhận biết thai máy, mẹ cần chú ý theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi. Cụ thể:

2.1 Giai đoạn thai máy đầu tiên (Tuần 7 – 8 thai kỳ)

Lúc này, có thể mẹ sẽ chưa cảm nhận rõ rệt những cử động của bé vì đây chỉ là những lần thai máy rất nhẹ. Đôi khi còn xảy ra trường hợp: có ngày thai máy thường xuyên nhưng lại có những ngày gián đoạn. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, mẹ không nên quá lo lắng vì mỗi em bé có thời gian biểu và cách vận động riêng, đôi khi những cử động đó chưa đủ mạnh để mẹ có thể cảm nhận được.

2.2 Giai đoạn thai máy rõ ràng (Tuần 18 – 25 thai kỳ)

dau-hieu-nhan-biet-thai-may-va-huong-xu-ly-khi-thai-may-bat-thuong-voh

Khoảng tuần 18 thai kỳ mẹ đã có thể cảm nhận được những cử động của thai nhi (Nguồn: Internet)

Đây được xem là giai đoạn thai máy bắt đầu biểu hiện rõ ràng và người mẹ có thể cảm nhận được với những cử động từ không đều, ít mạnh mẽ đến những cử động mạnh và đều đặn hơn. Thời điểm này cũng là lúc mẹ nên học cách theo dõi thai máy để hiểu về tình trạng sức khỏe của thai nhi.

Nên theo dõi thai máy vào các buổi sáng, trưa, tối hoặc ít nhất 1 lần trong ngày. Mẹ chỉ cần dành ra 30 phút liên tục là có thể đếm được số lần thai cử động. Một lưu ý nhỏ là khi thai ngủ thường không có cử động thai và thời gian ngủ trung bình của thai nhi thay đổi từ 20 phút đến 2 giờ.

2.3 Giai đoạn thai máy mạnh mẽ (Tuần 30 – 38 của thai kỳ)

Đây là lúc thai máy biểu hiện mạnh mẽ với những “cú đạp”, xoay trở mình, tay chân hay cử động toàn thân mà mẹ dễ dàng cảm nhận được. Lúc này, mẹ cũng cần phân biệt để đừng nhầm lẫn thai máy với cơn gò tử cung. Gò tử cung làm nguyên vùng bụng cứng lên, tùy mức độ và còn gây đau, trong khi thai máy chỉ cảm nhận ở một vùng bụng mà thôi.

3. Thai máy như thế nào là tốt?

Thai nhi trong bụng mẹ thường ở 4 trạng thái, đó là:

  • Tĩnh lặng, không có cử động, tim thai ít dao động.
  • Cử động thường xuyên, mạnh, kèm cử động nhanh của mắt và dao động nhiều của tim thai.
  • Cử động mắt liên tục, không cử động thai và không gia tăng tim thai.
  • Cử động thai đơn độc, kèm cử động liên tục của mắt và gia tăng tim thai.

Trong 4 trạng thái này em bé thường ở trạng thái 1 và 2. Khi em bé ở trạng thái 2 mẹ bầu sẽ cảm nhận được chuyển động của em bé một cách rõ ràng nhất.  Ngoài ra, số lần và cường độ thai máy thường có quy luật nhất định, vì thế mẹ có thể đếm thai máy để theo dõi tình trạng sức khỏe của thai nhi.

dau-hieu-nhan-biet-thai-may-va-huong-xu-ly-khi-thai-may-bat-thuong-1-voh

Đếm thai máy là cách giúp mẹ bầu theo dõi tình trạng sức khỏe của thai nhi (Nguồn: Internet)

Để đếm thai máy, mẹ có thể sử dụng phương phương pháp cơ bản sau đây:

Đếm thai máy sau mỗi bữa ăn (bữa sáng, trưa, tối), trong vòng 30 phút. Nếu bé thai máy 4 lần trở lên trong 30 phút nghĩa là thai nhi bình thường. Tuy nhiên, nếu thấy con đạp ít hơn 4 lần trong thời gian như trên, mẹ bầu hãy nằm và đếm cử động thai trong một giờ, hay từ 2 - 4 giờ. Mẹ có thể tác động để giúp bé máy bằng cách như:

  • Thay đổi tư thế (ví dụ nằm nghiêng bên trái một lúc)
  • Ăn đồ ngọt và đợi tầm 2 - 3 phút.
  • Nghe nhạc (thai nhi rất thích máy khi nghe thấy âm nhạc).
  • Thử ấn vào một bên thành bụng xem bé có phản ứng lại không.
  • Uống nước lạnh hay một cốc sữa lạnh.
  • Sử dụng đèn pin chiếu vào thành bụng để kích thích bé như phương pháp thai giáo bằng ánh sáng.

Nếu bé đạp hơn 10 lần trong 4 giờ, nghĩa là con bình thường và tiếp tục kiểm tra số lần máy của bé vào các ngày tiếp theo. Trường hợp trong vòng 4 tiếng con đạp ít hơn 10 lần hoặc thai máy yếu ớt thì nghĩa là có điều gì bất thường với bào thai, mẹ cần khẩn trương đi khám ngay lập tức.

4. Những dấu hiệu không nên xem thường trong giai đoạn thai máy

Có những dấu hiệu mà mẹ không nên xem thường trong giai đoạn thai máy, đó là:

4.1 Thai không máy

Theo dõi thai máy trong ngày là dấu hiệu cho biết thai có hoạt động, tức là còn sống, nhưng không thể kết luận thai nhi yếu hay khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cả ngày mà thai không máy hoặc thai máy ít hơn so với ngày trước thì cần chú ý vì đây có thể là dấu hiệu thai đang bất thường.

4.2 Xuất hiện triệu chứng nôn mửa, không căng ngực hay xuất huyết âm đạo và co thắt tử cung

Cùng với thai không máy, những triệu chứng kể trên đều là những dấu hiệu báo động sức khỏe thai nhi đang trong tình trạng nguy hiểm, đó có thể là thai nhi bị thiếu ối, thiếu oxy hay gặp vấn đề về nhau thai.

Nguyên nhân phần lớn là do mẹ hút thuốc làm tăng nguy cơ ngưng cung cấp chất dinh dưỡng qua nhau thai, uống rượu, tiền sản giật, tiền căn thai chết lưu trong thai kỳ trước, thai quá ngày, song thai cùng ối, tăng huyết áp trong thai kỳ, sa dây rốn…

5. Hướng xử lý khi thai máy bất thường

Trong quá trình theo dõi, nếu mẹ cảm nhận có những dấu hiệu bất thường như kể trên, đặc biệt, trong hai tháng cuối của thai kỳ thì mẹ cần đến bệnh viện để kiểm tra, bác sĩ sẽ thực hiện một trắc nghiệm để đánh giá sức khỏe thai nhi bằng cách quan sát và theo dõi biến động tim thai theo cử động thai.

Ngoài ra, mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng khi mang thai, vì nếu thai nhi không hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sự phát triển, dễ dẫn đến sinh non hay sinh khó.

Điều cuối cùng là mẹ bầu nên tránh những căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống. Hãy tạo cho mình không gian thoải mái, luôn giữ tinh thần hứng khởi để chào đón con yêu thật khỏe mạnh, mẹ nhé!