Sa tử cung là bệnh gì, điều trị được không?

Sa tử cung là hiện tượng phần tử cung của phụ nữ bị tụt xuống ống âm đạo do nhiều nguyên nhân. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời, phụ nữ buộc phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung.

Đối với những phụ nữ sinh thường, sinh nhiều lần hay những phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, sa tử cung là một căn bệnh đáng lo ngại. Nếu không được phát hiện kịp thời và có phương pháp điều trị đúng, bệnh sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hiểm.

1. Sa tử cung là gì?

Sa tử cung (hay còn gọi là sa sinh dục), xảy ra khi cơ sàn chậu và dây chằng căng ra và suy yếu, không hỗ trợ đầy đủ cho tử cung, khiến cho tử cung tụt xuống vào trong ống âm đạo, thậm chí ra ngoài âm đạo.

Bệnh sa tử cung có thể được chia thành 3 cấp độ:

  • Sa tử cung độ 1: Đây là cấp độ nhẹ nhất, vì mặc dù lúc này tử cung đã sa xuống nhưng vẫn nằm trong ống âm đạo
  • Sa tử cung độ 2: Tử cung bị đã tụt xuống ngoài cửa âm đạo và có thể nhìn thấy khi làm việc nặng hoặc hoạt động nhiều
  • Sa tử cung độ 3: Toàn bộ tử cung bị tụt xuống ra ngoài âm đạo. Đây là trường hợp nguy hiểm nhất khi tử cung có khả năng sẽ bị viêm nhiễm và phải cắt bỏ do tử cung không có khả năng tự co lên.

2. Nguyên nhân vì sao bị sa tử cung?

Sa tử cung là một căn bệnh mà cho đến nay vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, trong thực tế tình trạng tử cung bị tụt xuống có thể là do những nguyên nhân cơ bản như:

  • Dây chằng vùng xương cụt bị khiếm khuyết, yếu hay giãn quá mức không thể nâng đỡ tử cung.
  • Cơ thần kinh và các mô bị tổn thương hoặc khiếm khuyết dẫn đến những rối loạn về chức năng của các hệ cơ làm nhiệm vụ nâng đỡ tử cung.
  • Dị tật bẩm sinh ở tử cung cũng có thể gây ra tình trạng sa tử cung như: tử cung 2 buồng, cổ và eo tử cung có độ dài không bình thường,…

sa-tu-cung-la-benh-gi-dieu-tri-duoc-khong-voh

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng sa tử cung ở phụ nữ (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, tình trạng sa tử cung còn có thể do:

  • Sinh con qua đường âm đạo
  • Lão hóa
  • Giảm estrogen sau thời kỳ mãn kinh
  • Từng làm phẫu thuật vùng chậu hoặc có can thiệp y khoa trong khi sinh nội soi, sinh mổ, bỏ nhau thai bằng tay hoặc dùng thuốc oxytocin.
  • Tăng áp lực trong bụng như béo phì, ho mạn tính, táo bón, cổ trướng, nâng vật nặng...
  • Liên quan đến chủng tộc, phụ nữ da trắng thường mắc bệnh sa tử cung nhiều hơn phụ nữ da màu
  • Do rối loạn mạng lưới collagen.

3. Triệu chứng nhận diện bệnh sa tử cung

Nếu cảm thấy đau bụng lâm râm và có dấu hiệu xuất huyết trong ổ bụng, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai thì rất có thể chị em phụ nữ đang bị bệnh sa tử cung. Tuy nhiên, cơn đau thường không đủ nhiều hay cụ thể để chẩn đoán bệnh chính xác.

Vì thế, chị em phụ nữ có thể dựa vào một số triệu chứng khác như:

  • Nhịp tim đập nhanh
  • Huyết áp bị tụt (mức độ nhẹ có thể gây choáng váng, mạnh sẽ làm sốc tim)
  • Không phát hiện những cơn co tử cung khi mang thai
  • Đau tử cung
  • Mất cảm giác thai nhi trong bụng.

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu sa tử cung chị em cần phải hết sức lưu tâm và nên đi khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Xuất hiện triệu chứng như: đau bụng, chảy máu âm đạo nhẹ hoặc không cảm nhận được nhịp tim thai nhi.
  • Những phụ nữ nào đã từng có tiền sử phẫu thuật tử cung, việc mang thai sẽ có thể làm vỡ tử cung ở sẹo mổ cũ, vì thế cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định có em bé.

Lưu ý: Sa tử cung là căn bệnh thường xảy ra ở các nước kém phát triển, những phụ nữ sinh nở nhiều lần, lao động nặng nhọc sẽ khiến đáy bụng phải co bóp, ổ bụng căng giãn, có khi tổn thương, rách 1 số bộ phận bên trong. Ngoài ra, việc thiếu các dịch vụ cấp cứu sản khoa cũng đe dọa đến tính mạng của người mẹ và thai nhi khi bị sa tử cung.

3.1 Những ảnh hưởng của bệnh sa tử cung

Sa tử cung nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, những trường hợp không được điều trị sớm hoặc không điều trị, bệnh sa tử cung sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhiều chị em.

sa-tu-cung-la-benh-gi-dieu-tri-duoc-khong-1-voh

Sa tử cung nếu không được điều trị có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe chị em (Nguồn: Internet)

Phụ nữ bị sa tử cung sẽ có cảm giác nặng, tức bụng, đi tiểu nhiều lần trong ngày và xuất hiện những phần thịt lồi ở cơ quan sinh dục, từ đó làm ảnh hưởng đến việc sinh hoạt cũng như chuyện chăn gối.

Ngoài ra, nếu bị sa tử cung ở cấp độ nặng, phần tử cung rơi ra ngoài sẽ rất dễ bị viêm nhiễm và buộc phải cắt bỏ tử cung.

4. Điều trị bệnh sa tử cung như thế nào?

Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh sa tử cung thông qua các đặc điểm lâm sàng như: đau lưng hoặc háng; cảm giác nặng nề hoặc có áp lực nơi khung chậu khi đứng, nâng vật nặng nhưng lại đỡ hơn khi nằm xuống; bị loét hoặc chảy máu; tiểu không tự chủ. Với phụ nữ mang thai sẽ chẩn đoán nhịp tim thai nhi.

Sau khi đã chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, dựa vào mức độ bệnh, độ tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như những vấn đề khác, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

4.1 Trường hợp bệnh nhẹ

Với những trường hợp sa tử cung cấp độ nhẹ, những dấu hiệu bệnh không quá nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt thì người bệnh sẽ không cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Chỉ cần chú trọng đến việc nghỉ ngơi, không hoạt động quá sức và cần phải giữ tinh thần thoải mái.

Người bệnh cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung những chất cần thiết cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống cân bằng, không ăn quá nhiều dẫn đến thừa cân, béo phì và nên tăng cường chất xơ nhằm chống táo bón.

sa-tu-cung-la-benh-gi-dieu-tri-duoc-khong-2-voh

Bài tập Kegel giúp nâng đỡ tử cung cho phụ nữ (Nguồn: Internet)

Thực hiện các bài tập giúp nâng tử cung, trong đó phổ biến nhất là bài tập Kegel giúp tăng độ dẻo dai, khiến cơ quan sinh dục khỏe mạnh hơn và ngăn ngừa bệnh rất tốt.

4.2 Trường hợp bệnh nặng

Trong những trường hợp sa tử cung ở cấp độ nặng, người bệnh sẽ được áp dụng liệu pháp estrogen âm đạo tại chỗ nhằm giúp các cơ và dây chằng khỏe hơn.

Cố định tử cung ở đúng vị trí bằng phương pháp dùng vòng tròn nhỏ hỗ trợ âm đạo.

Nếu xuất hiện tình trạng tử cung viêm loét và gây ra các biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân cần phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung một phần hoặc toàn phần.

5. Chế độ sinh hoạt phù hợp giúp ngăn ngừa sa tử cung

Bác sĩ cho biết, bệnh sa tử cung có thể được ngăn ngừa và kiểm soát thông qua các biện pháp sau đây:

  • Không làm việc nặng nhọc
  • Tránh việc mang thai quá nhiều
  • Chăm sóc sức khỏe, tập thể dục điều độ mỗi ngày ngay cả khi mang mang thai.
  • Ăn uống khoa hoặc, ăn nhiều chất xơ để tránh táo bón.
  • Tập Kegel để tăng cường độ co giãn của cơ xương chậu.

Nói chung, bệnh sa tử cung không phải là bệnh quá nguy hiểm nếu như được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc tập luyện thể dục, chăm sóc sức khỏe mỗi ngày là cách tốt nhất để phụ nữ đối phó với bệnh sa tử cung và giúp ngăn chặn những biến chứng đến sức khỏe của mẹ và bé.