Chúng ta biết rằng, tùy theo tình trạng sức khỏe cũng như diễn tiến của bệnh lý, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật cho người bệnh. Thế nhưng, dù là đại phẫu hay tiểu phẫu thì cũng gây mất sức, đòi hòi phải được chăm sóc, bồi bổ chu đáo và khoa học nhằm sớm bình phục.
1. Nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật
Có thể nói, chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật sẽ thay đổi theo từng loại phẫu thuật và phụ thuộc phần lớn vào khả năng hồi phục của mỗi người. Tuy nhiên, nhìn chung chế độ này sẽ được xây dựng dựa trên nguyên tắc bổ sung từ thức ăn lỏng tới thức ăn rắn, phù hợp với 3 giai đoạn sau phẫu thuật như sau:
- Giai đoạn đầu (sau phẫu thuật 1 – 2 ngày): đây là thời gian tác động của thuốc gây mê, gây tê vẫn còn, chưa có khả năng ăn uống nên chủ yếu sẽ được yêu cầu truyền dịch.
- Giai đoạn giữa (sau phẫu thuật 3 – 5 ngày): nhu động ruột đã hoạt động trở lại, có thể dùng các thực phẩm dạng lỏng, mềm.
- Giai đoạn hồi phục (sau phẫu thuật 1 tháng): ở giai đoạn này, vết thương bắt đầu khô và lành lại, hoạt động đại tiểu tiện bình thường. Chính vì thế nên dần đưa về chế độ dinh dưỡng thường ngày, đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
2. Sau phẫu thuật nên ăn gì?
Để giúp bạn có thể chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật một cách tốt nhất, dưới đây xin lưu ý các nhóm thực phẩm cực kì cần thiết trong giai đoạn phục hồi này. Theo đó, sau phẫu thuật nên ăn:
2.1 Thực phẩm giàu protein
Thực phẩm giàu protein (chất đạm) thuộc “top đầu” danh sách thực phẩm thiết yếu dành cho người vừa trải qua phẫu thuật. Điều này là bởi protein khi vào cơ thể sẽ đảm nhiệm hàng loạt vai trò quan trọng, trực tiếp tham gia định hình cấu trúc và tái tạo tế bào cùng các mô, tăng độ đàn hồi, đồng thời giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
Trong khẩu phần ăn của người sau phẫu thuật, nên chủ động bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa, thịt nạc heo, thịt gà, các loại hạt, các loại đậu,…
2.2 Bổ sung chất béo lành mạnh
Không chỉ là một trong những chất dinh dưỡng đa lượng giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, nhóm chất béo lành mạnh (chất béo không bão hòa) còn góp phần không nhỏ giúp giảm sưng, viêm nhiễm ở vùng phẫu thuật. Nhóm chất béo này được tìm thấy trong khá nhiều thực phẩm quen thuộc hàng ngày, kể đến như các loại đậu, thịt nạc heo, dầu thực vật hay sữa chua.
Xem thêm: Top 12 thực phẩm giàu chất béo lành mạnh tốt cho sức khỏe
2.3 Nước
Sau khi người bệnh không còn cảm thấy chướng bụng và dừng truyền dịch, bạn phải chú ý nhắc nhở họ uống đủ nước mỗi ngày. Nước vừa có nhiệm vụ điều hòa thân nhiệt, vừa hỗ trợ vận hành hiệu quả các hoạt động đào thải độc tố, giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi và lấy lại sức sống.
2.4 Cháo dinh dưỡng
Trong chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật (đặc biệt ở giai đoạn giữa) hẳn không thể thiếu đi các món cháo dinh dưỡng mềm ngọt. Bạn hãy nấu cháo ấm nóng, với gạo tẻ trắng nhằm tăng cường tinh bột, kết hợp với tổ yến, chim bồ câu hoặc thịt gà,…để bù đắp chất đạm.
Xem thêm: Tổng hợp 9 cách nấu cháo cho người ốm đơn giản, bổ dưỡng để nhanh chóng 'lại sức'
2.5 Sau phẫu thuật nên ăn trái cây gì?
Trái cây được đánh giá là nguồn cung ứng dồi dào chất xơ, vitamin và khoáng chất mà bạn nhất định phải tẩm bổ cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Tùy theo khẩu vị cũng như sở thích của người bệnh, có thể lựa chọn đa dạng trái cây, song lời khuyên là nên ưu tiên các loại quả mềm, điển hình như quả táo, việt quất, quả nho, dâu tây, quả bơ hay quả chuối.
3. Sau phẫu thuật kiêng ăn gì?
Bên cạnh các thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh cần thêm vào thực đơn sau phẫu thuật, các chuyên gia sức khỏe cũng khuyến cáo người bệnh nên hạn chế mức tối đa và kiêng ăn một số nhóm thực phẩm sau đây:
3.1 Đồ cay nóng, giàu mỡ
Trong giai đoạn phục hồi sau phẫu thuật, cần tránh cho người bệnh dùng đồ cay nóng, giàu mỡ, quá mặn hoặc quá chua. Theo đó, các thực phẩm này rất dễ gây tích nhiệt độc, làm vết thương đau nhức và khó lành.
3.2 Thực phẩm dễ gây dị ứng
Các thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, nhộng tằm hay cua,…thường không được khuyến khích thêm vào khẩu phần ăn sau phẫu thuật. Một số hoạt chất tạo cảm giác ngứa ngáy ở vùng vết thương đang lành và lên da non sẽ làm người bệnh thấy khó chịu, bứt rứt.
3.3 Thực phẩm chứa chất kích thích
Ngay cả khi sức khỏe ổn định, các thực phẩm chứa chất kích thích như cà phê, bia hay rượu,…đều không mấy “thân thiện” nên người bệnh sau phẫu thuật càng cần “tránh xa” chúng.
3.4 Thực phẩm tạo sẹo
Theo y học cổ truyền, người mới mổ xong nên kiêng ăn các món ăn từ gạo nếp, rau muống, thịt bò hay trứng để tránh tình trạng sưng mủ và hình thành sẹo, nhất là ở những bộ phận dễ thấy như tay hoặc chân.
4. Một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật
Cùng với việc “đầu tư” xây dựng thực đơn bồi bổ hợp lý, trong quá trình chăm non người mới phẫu thuật, xin “dặn dò” bạn những lưu ý này:
4.1 Nhắc nhở nghỉ ngơi điều độ
Sau khi hoàn thành cuộc phẫu thuật, một số người bệnh có thể sẽ “tham công tiếc việc” và muốn quay trở lại làm việc sớm. Tuy vậy, thời gian này bạn hãy nhắc nhở cũng như tạo điều kiện tối đa để họ được nghỉ ngơi, ăn đúng bữa và ngủ đúng giờ, đủ giấc để nhanh chóng lại sức.
Xem thêm: 11 lợi ích về thể chất và tinh thần cho thấy việc ngủ đủ giấc cực kỳ quan trọng!
4.2 Khuyến khích vận động nhẹ nhàng
Khi cơ thể mệt mỏi, nhất là khi vừa mổ xong, bệnh nhân thường muốn nằm hoặc ngồi yên một chỗ và không có “động lực” di chuyển. Thế nhưng người thân nên khuyến khích họ cố gắng đi lại nhẹ nhàng trong phòng, nhằm kích thích lưu thông máu, giảm nhức mỏi, đồng thời cũng thúc đẩy hoạt động tiêu hóa.
4.3 Duy trì tinh thần thoải mái
Dù phẫu thuật thành công song có đôi lúc người bệnh vẫn sẽ cảm thấy lo lắng bởi không biết khi nào thực sự bình phục. Khi đó, hãy ở bên động viên và vỗ về để duy trì một tinh thần thoải mái, tăng thêm “vitamin tích cực”, nhằm rút ngắn thời gian điều trị sau phẫu thuật.
4.4 Uống thuốc đúng chỉ định
Kết thúc khoảng thời gian theo dõi tại cơ sở y tế sau phẫu thuật, trở về nhà, người bệnh vẫn được kê đơn dùng thuốc. Chính vì thế, hãy tuân thủ uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và uống hết đơn thuốc, không ngừng khi thấy cơ thể đã khỏe lại.
4.5 Tái khám đúng hẹn
Các bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bệnh nhân tới tái khám sau 2 – 4 tuần để kiểm tra khả năng phục hồi và các di chứng tiềm ẩn. Do đó, đừng quên ghi chú thời gian rồi tới thăm khám đúng hẹn.
Nếu như các bác sĩ đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa khi phẫu thuật thì tốc độ phục hồi nhanh hay chậm lại phụ thuộc toàn bộ vào bản thân người bệnh và sự săn sóc từ gia đình. Vì vậy, hy vọng rằng với các nguyên tắc về chế độ sau phẫu thuật nên ăn gì cùng những lưu ý cải thiện tinh thần trên đây sẽ giúp bạn sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này nhé!