Bà bầu ăn quýt được không? 5 điều sau đây sẽ lý giải giúp mẹ

(VOH) – Cùng thuộc họ trái cây với cam – loại quả tốt cho phụ nữ mang thai, song thành phần dinh dưỡng và hương vị của quýt có chút khác biệt. Nên nhiều người băn khoăn liệu bà bầu ăn quýt được không?

Thêm bất cứ thực phẩm hay trái cây nào vào thực đơn cũng khiến mẹ bầu đắn đo suy nghĩ bởi trong giai đoạn mang thai, mẹ không chỉ ăn cho bản thân mà còn phải đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất để thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh. Do đó nếu mẹ bầu đang lo lắng không biết nên bổ sung thêm trái quýt vào khẩu phần ăn hay không thì đừng bỏ qua bài viết này nhé. 

1. Bà bầu ăn quýt được không?

Tuy trái quýt có kích thước khá nhỏ nhưng được đánh giá là loại quả cung cấp rất nhiều dưỡng chất thiết yếu, kể để như nhóm chất chống oxy hóa flavonoid, vitamin A, vitamin C hay các khoáng chất kali, magie, đồng,…Chính vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng bà bầu hoàn toàn có thể ăn quýt để tăng cường sức khỏe cũng như thúc đẩy sự phát triển toàn diện của em bé trong bụng. 

ba-bau-an-quyt-duoc-khong-5-dieu-sau-day-se-ly-giai-giup-me-voh-0
Quýt là một trong những trái cây bà bầu được khuyến khích ăn trong thai kì (Nguồn: Internet)

2. Bà bầu ăn quýt tốt cho sức khỏe thế nào?

Hấp thu thêm các chất dinh dưỡng từ trái quýt sẽ giúp mẹ bầu chủ động phòng tránh một số vấn đề sức khỏe thường gặp sau: 

2.1 Bảo vệ đôi mắt

Nhờ có chứa chất beta – carotene nên quýt có màu cam vàng rất đặc trưng, thậm chí hàm lượng này trong quýt còn cao hơn rất nhiều so với quả cam, tương đương với 14% nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Hoạt chất này còn được biết đến như tiền chất vitamin A, thành phần quan trọng tham gia hình thành sắc tố trong võng mạc, tăng tiết nước mắt nhằm giảm tình trạng khô mắt, mờ mắt trong thai kì. 

Xem thêm: ‘Thổi bay’ chứng mờ mắt khi mang thai bằng những cách 'siêu' đơn giản

2.2 Cải thiện hệ miễn dịch

Mẹ bầu được khuyến khích ăn thêm quýt khi dưỡng thai bởi đây là cách giúp mẹ tiếp nạp thêm nguồn vitamin C tự nhiên vô cùng lớn. Hàm lượng vitamin C từ quýt tương đương 26% giá trị hàng ngày, góp phần sản sinh tế bào bạch cầu trung tính, cải thiện sức đề kháng của mẹ, từ đó giảm thiểu tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. 

2.3 Điều hòa huyết áp

Trong suốt 9 tháng mang thai, mẹ luôn phải theo dõi và điều chỉnh huyết áp ở mức an toàn nhằm hạn chế khả năng xảy ra các tai biến sản khoa như tiền sản giật, sinh non hay nhau thai bong.

Vì thế, việc duy trì bổ sung trái quýt với lượng hợp lý trong thực đơn là rất cần thiết, giúp mẹ hấp thu khoáng chất kali – một trong những thành tố thiết yếu cân bằng nồng độ chất lỏng, loại bỏ lượng muối natri dư thừa và kiểm soát huyết áp không tăng cao đột ngột.  

Xem thêm: Tăng huyết áp thai kỳ nguy hiểm thế nào, làm sao nhận biết và phòng ngừa?

2.4 Tính kháng viêm mạnh

Dựa trên các phân tích dinh dưỡng, trái quýt được xếp vào nhóm thực phẩm “hội tụ” lượng chất chống oxy hóa flavonoid khá dồi dào. Nhóm chất có tính kháng viêm mạnh này khi vào cơ thể sẽ đảm nhiệm chức năng cân bằng nồng độ gốc tự do, ngăn ngừa các tổn thương tế bào (nhất là tế bào DNA) và bảo vệ em bé không mắc phải các dị tật bẩm sinh

2.5 Tốt cho hệ tiêu hóa

Cùng với các khoáng chất và vitamin quan trọng, trung bình trong 88g trái quýt có chứa khoảng 2g chất xơ - dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tiêu hóa. Theo đó, chất xơ cũng chính là “thức ăn” của các lợi khuẩn đường ruột, đồng thời tăng hút nước và làm mềm phân, hỗ trợ mẹ khắc phục chứng táo bón trong thai kì hiệu quả. 

ba-bau-an-quyt-duoc-khong-5-dieu-sau-day-se-ly-giai-giup-me-voh-1
Bổ sung thêm chất xơ từ quýt giúp cải thiện chứng táo bón thường gặp trong thai kì (Nguồn: Internet)

3. Lưu ý cần biết khi bà bầu ăn quýt

Là trái cây có vị chua dịu, ngọt thanh nên quýt khá “được lòng” các mẹ bầu, dù vậy để sử dụng loại quả này an toàn, đúng cách, cần thực hiện một số lưu ý dưới đây:  

  • Không nên ăn quá nhiều quýt trong một bữa, tốt nhất chỉ nên ăn từ 3 – 4 trái. 
  • Trường hợp mẹ mắc tiểu đường thai kì thì nên ăn quýt trực tiếp, nếu uống nước ép quýt thì hãy hạn chế pha thêm chất tạo ngọt. 
  • Tránh ăn khi bụng đói, thời điểm hợp lý nhất có thể ăn quýt là sau bữa ăn chính khoảng 30 – 45 phút. 

Hy vọng rằng lần tới khi muốn thêm trái quýt vào danh sách trái cây bồi bổ trong thai kì mẹ sẽ không còn lo lắng nữa nhé. Hãy áp dụng những lưu ý ăn khoa học trên đây để tận dụng tối đa chất dinh dưỡng từ trái quýt, tăng cường bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. 
 

Bình luận