Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

9 điều giúp mẹ bớt ‘phiền não’ bà bầu ăn ớt chuông được không

(VOH) – Những băn khoăn nên hay không nên sử dụng loại rau củ nào ở thời kì dưỡng thai luôn khiến nhiều mẹ bầu ‘phiền não’, trong số đó bà bầu ăn ớt chuông được không cũng là một câu hỏi thường gặp.

Việc xem xét và lựa chọn rau củ để bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày trở nên đặc biệt quan trọng khi người phụ nữ bước vào giai đoạn mang thai, bởi lúc này cần đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ lẫn thai nhi trong bụng. Do vậy, nhằm giúp mẹ cảm thấy thực sự an tâm và không còn lăn tăn liệu rằng bà bầu ăn ớt chuông được không thì bài viết dưới đây sẽ giải đáp tường tận.

1. Bà bầu ăn ớt chuông được không?

Ớt chuông có đặc tính khá khác biệt với các loại ớt tươi khác, chúng không cay nồng mà giòn ngọt, được xếp vào nhóm rau quả dùng thay thế cho một số loại rau thông thường khi chế biến món ăn.

Đặc biệt, nhóm ớt ngọt này rất giàu vitamin, chất xơ cũng như chất chống oxy hóa nên theo khuyến cáo, bà bầu vẫn có thể ăn ớt chuông được trong khẩu phần ăn thường ngày để chủ động hấp thu thêm dưỡng chất.

9-dieu-giup-me-bot-phien-nao-ba-bau-an-ot-chuong-duoc-khong-voh-0
Bà bầu vẫn ăn được ớt chuông trong thời kì dưỡng thai (Nguồn: Internet)

2. Bà bầu ăn ớt chuông tốt cho sức khỏe thế nào?

Kết hợp sử dụng ớt chuông linh hoạt và đúng cách trong chế biến món ăn dưỡng thai vừa giúp mẹ bầu ăn ngon miệng hơn, vừa mang đến nhiều lợi sức khỏe, hỗ trợ cải thiện hữu hiệu một số vấn đề như:

2.1 Tăng cường sức đề kháng

Có thể bạn chưa biết, ớt chuông được đánh giá là một trong những thực phẩm giàu vitamin C bậc nhất, trung bình 100g cung cấp tới hơn 200% nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Vì lẽ đó, hấp thu lượng lớn vitamin này sẽ giúp củng cố hệ thống miễn dịch của mẹ mạnh mẽ hơn, tăng sinh tế bào bạch cầu trung tính, bảo vệ cả mẹ và em bé không mắc phải bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

2.2 Phòng chống thiếu máu thai kì

Bên cạnh vai trò tăng cường sức đề kháng, vitamin C khi vào cơ thể còn góp phần hỗ trợ hoạt động chuyển hóa vi chất sắt, kích thích sản sinh tế bào hồng cầu. Điều này sẽ giảm thiểu tối đa tỉ lệ mắc chứng thiếu máu trong suốt thời gian mang thai, khắc phục tình trạng mệt mỏi thường gặp ở mẹ bầu.

Xem thêm: Bị thiếu máu khi mang thai – lời khuyên hữu ích về cách điều trị và chế độ ăn uống

2.3 Cải thiện chứng mờ mắt

Hiện tượng giảm tầm nhìn, khô mắt hay mờ mắt vốn xuất hiện khá phổ biến ở các mẹ bầu, một phần do có sự thay đổi nồng độ hormone sinh sản. Theo đó, những triệu chứng này sẽ thuyên giảm và dần biến mất sau khi sinh khoảng 2 tháng, song để bảo vệ đôi mắt tốt chất, trong thai kì, mẹ nên chủ động bồi bổ các thực phẩm giàu vitamin A, beta – carotene như ớt chuông.

2.4 Ngăn ngừa dị tật bẩm sinh

Cùng với vitamin A, vitamin C, ớt chuông còn chứa đa dạng các vitamin nhóm B, điển hình như vitamin B1, vitamin B5 hay axit folic (vitamin B9). Đây đều là những thành tố cực kì quan trọng tham gia hoàn thiện hệ thống thần kinh của thai nhi, đồng thời ngăn chặn tối đa hiện tượng biến dị AND và dị tật bẩm sinh.

Xem thêm: 'Điểm mặt' 6 dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp và các nguyên nhân gây bệnh

2.5 Giảm căng thẳng lo âu

Hấp thu thêm lượng vitamin nhóm B từ ớt chuông cũng là cách giúp giảm lượng cortisol – tác nhân gây căng thẳng, lo âu, từ đây mẹ sẽ cảm thấy thư giãn, tinh thần thoải mái hơn.

9-dieu-giup-me-bot-phien-nao-ba-bau-an-ot-chuong-duoc-khong-voh-1
Lượng vitamin B từ ớt chuông sẽ giúp giảm căng thẳng, lo âu ở mẹ bầu (Nguồn: Internet)

2.6 Điều hòa huyết áp thai kì

Theo phân tích dinh dưỡng, lượng khoáng chất kali được tìm thấy trong ớt chuông khá dồi dào, trung bình 100g chứa khoảng 211mg kali. Chính vì thế, bổ sung ớt chuông vào khẩu phần ăn được xem như phương pháp hỗ trợ điều hòa huyết áp của mẹ ổn định, hạn chế nguy cơ tăng huyết áp cao đột ngột khi mang thai.

Xem thêm: Tăng huyết áp thai kỳ nguy hiểm thế nào, làm sao nhận biết và phòng ngừa?

2.7 Kiểm soát đường huyết ổn định

Trong ớt chuông có chứa lượng chất xơ tương đương với 5.5% giá trị hàng ngày, đặc tính chống lại tình trạng kháng insulin, cũng như kiểm soát tốc độ chuyển hóa đường glucose vào máu, góp phần phòng chống hiệu quả bệnh lý tiểu đường thai kì.

2.8 Dự phòng xuất huyết sau sinh

Tăng cường tiếp nạp thêm vitamin K từ ớt chuông sẽ giúp mẹ dự phòng xuất huyết sau sinh cũng như giảm tỉ lệ xuất huyết não ở em bé mới chào đời. Vitamin K có khả năng kích hoạt protein prothrombin, thúc đẩy quá trình đông máu, giảm mất máu.

Xem thêm: 5 biểu hiện giúp nhận biết băng huyết sau sinh, các mẹ bầu cần nhớ kỹ

2.9 Tốt cho mái tóc và làn da

Để giảm lượng tóc gãy rụng cùng hiện tượng da thô ráp, nứt nẻ, mẹ có thể tham khảo dùng thêm các món ăn từ ớt chuông nhằm bổ sung vitamin E, thúc đẩy tái tạo sợi collagen ở chân tóc cũng như lớp biểu dưới da.

3. Gợi ý món ngon từ ớt chuông cho bà bầu

Giống như các loại rau củ khác, ớt chuông vừa được tận dụng làm nguyên liệu của các món chiên xào, vừa dùng để ăn trực tiếp hoặc pha chế nước ép ớt chuông. Dưới đây là một số gợi ý món ngon với ớt chuông dành cho bà bầu, có thể dễ dàng chế biến ngay tại nhà:

  • Salad ớt chuông và bơ
  • Ớt chuông xào nấm
  • Ớt chuông nhồi thịt
  • Đậu hũ sốt ớt chuông
  • Cà ri bò ớt chuông
  • Gà xào ớt chuông
  • Trứng cuộn ớt chuông

Xem thêm: Top 10 món ngon từ ớt chuông giúp bạn 'xuất chiêu' đãi cả nhà

4. Bà bầu ăn ớt chuông nhiều có nóng không?

Như đã chia sẻ, ớt chuông không có vị cay nồng bởi không chứa hoạt chất capsaicin – tác nhân làm tăng nhiệt lượng trong miệng và tình trạng bốc hỏa, nên bà bầu ăn ớt chuông không gây nóng người. Tuy nhiên, lời khuyên là không nên chỉ tập trung ăn ớt chuông, thay vào đó hãy kết hợp đa dạng rau quả, mỗi tuần chỉ nên ăn khoảng 3 – 4 trái ớt chuông.

9-dieu-giup-me-bot-phien-nao-ba-bau-an-ot-chuong-duoc-khong-voh-2
Không nên ăn quá nhiều ớt chuông, nên kết hợp đa dạng nhiều loại rau quả khác (Nguồn: Internet)

5. Một số lưu ý khác cần biết khi bà bầu ăn ớt chuông

Ngoài việc cân đối lượng ớt chuông trong bữa ăn hàng ngày, bà bầu cũng nên ghi nhớ một số lưu ý sau đây:

  • Chọn ớt chuông còn tươi ngon, không bị nhũn thối, còn nguyên vẹn và không bị rụng cuống.
  • Phải ngâm rửa thật kĩ lượng trước khi đem chế biến.
  • Có thể lựa chọn ớt chuông vàng và ớt chuông đỏ vì vị sẽ không hăng, ngọt hơn so với ớt chuông xanh.

Vậy là với loại rau quả rực rỡ sắc màu và giàu dinh dưỡng như ớt chuông mẹ bầu hoàn toàn có thể dùng để “biến tấu” nhiều món ăn hấp dẫn để bồi bổ khi mang thai. Đừng quên điều chỉnh liều lượng phù hợp, kết hợp khoa học để hấp thu trọn vẹn dưỡng chất từ ớt chuông, mẹ nhé!

Bình luận