Nước mía là loại nước ép tự nhiên chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ rằng, một số vi chất có trong nước mía, đặc biệt là hàm lượng đường cao sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của thai nhi và người mẹ. Vậy thực hư thế nào, liệu bà bầu uống nước mía có tốt không?
1. Bà bầu uống nước mía có tốt không?
Không giống như việc uống nước dừa sẽ không tốt cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, nước mía nếu được uống đúng cách và hợp lý sẽ có lợi cho cả mẹ lẫn em bé trong suốt 40 tuần thai.
Xét về giá trị dinh dưỡng, nước mía được biết đến như một thức uống cung cấp khá nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Dù hàm lượng đường chiếm tới hơn 70%, song đều là loại đường tự nhiên nguyên chất như saccharose, đồng thời còn mang tới các khoáng chất thiết yếu nên theo khuyến cáo, bà bầu uống nước mía có tốt cho thai kì và nhận được những lợi ích tuyệt với dưới đây:
1.1 Hạn chế ốm nghén
Tuy mức độ nặng nhẹ có thể khác nhau nhưng có lẽ phần lớn trong những tháng đầu của thai kì, mẹ bầu nào cũng phải "nếm mùi" ốm nghén khá mệt mỏi. Theo đó, khi cảm thấy không hứng thú với các món ăn, dễ nôn ói thì các mẹ có thể tham khảo nhâm nhi chút nước mía ấm nóng, vị ngọt thơm của thức uống này sẽ giúp mẹ dễ chịu hơn cũng như có thêm năng lượng để hoạt động.
1.2 Thanh nhiệt, làm mát cơ thể
Trong y học cổ truyền, nước mía được xếp vào nhóm có tính hàn mát, giúp tiêu trừ nhiệt nóng và giải độc cơ thể khá hữu hiệu. Do đó, bên cạnh nước chanh, nước ép cam hay nước ép táo,...nước mía cũng là một gợi ý hỗ trợ làm mát cơ thể, điều hóa thần nhiệt mà mẹ bầu nên bổ sung vào thực đơn dưỡng thai.
Xem thêm: 5 loại nước uống cho bà bầu, uống vào tốt mẹ khỏe con
1.3 Giảm táo bón
Chúng ta biết rằng, cùng với sự thay đổi nồng độ hormone progesteron, tử cung mở rộng và em bé ngày một lớn hơn làm hẹp đường tiêu hóa khiến phụ nữ mang thai rất dễ bị táo bón. Lúc này nhằm hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động "trơn tru" hơn, sau bữa ăn chính khoảng 30 - 45 phút, mẹ có thể uống thêm một ly nước mía nhỏ đấy!
1.4 Cải thiện đau nhức xương khớp
Vốn được chiết xuất trực tiếp từ cây mía nên theo phân tích dinh dưỡng, nước mía cũng chứa đa dạng các khoáng chất quan trọng cần thiết cho hệ xương khớp, kể đến như canxi, magie hay kali. Những dưỡng chất này đều là thành tố không thể "vắng mặt" trong quá trình kết nối khớp xương, xoa dịu cơn đau, nhức mỏi ở vùng xương chậu khi mang thai.
1.5 Tăng cường trao đổi và bổ sung năng lượng
Lượng đường từ nước mía sau khi vào cơ thể sẽ phân giải thành các loại đường đơn và dần chuyển hóa thành năng lượng hoạt động. Vì thế, vào bữa xế chiều, mẹ có thể uống thêm nước mía để "lót dạ", đồng thời thúc đẩy các quá trình trao đổi chất diễn ra tốt hơn.
1.6 Phòng chống bệnh vặt
Phụ nữ mang thai rất dễ mắc phải các bệnh vặt như cảm lạnh, viêm họng... Và nước mía chưng cùng tắc (quất) chính là một trong những phương thuốc tự nhiên giúp chữa cảm và viêm họng rất hiệu quả. Trong thời gian mang thai, nếu mẹ phải tránh dùng thuốc, thì đây sẽ là phương pháp "cứu nguy" cho mẹ.
1.7 Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu
Vào thời kì mang thai, tần suất co bóp bàng quang và niệu quan ở phụ nữ sẽ giảm, dẫn tới tình trạng ứ đọng nước tiểu gây bệnh lý nhiễm trùng đường tiểu. Do vậy, ngoài việc tăng cường uống đủ lượng nước lọc mỗi ngày, các chuyên gia cũng thường khuyến khích mẹ uống bổ sung các loại nước lợi tiểu như nước mía để chủ động phòng và cải thiện hiện tượng ứ tiểu gây viêm nhiễm này.
Xem thêm: 5 dấu hiệu nhận biết sớm bệnh viêm đường tiết niệu khi mang thai, tránh nguy cơ sinh non, sảy thai
1.8 Hỗ trợ dưỡng da
Một số nghiên cứu nhận thấy rằng nước mía cũng là một thực uống khá "thân thiện" với làn da bởi những hoạt chất chống oxy hóa flavonoid hay phenolic sẽ kích thích tái tạo lớp biểu bì da, dưỡng ẩm da trong suốt thai kì.
2. Bà bầu uống nước mía bao nhiêu là đủ?
Không chỉ quan tâm đến vấn đề bà bầu uống nước mía có tốt không, nhiều chị em còn quan tâm đến cả việc uống nước mía nhiều có bị bệnh tiểu đường hay không. Các bác sĩ cho rằng, việc uống nước mía nhiều có bị tiểu đường hay không sẽ phụ thuộc vào cách mẹ sử dụng. Theo đó, mỗi lần bà bầu uống nước mía từ 200 - 300ml và khoảng 1 - 2 bữa trong tuần là đủ và giúp kiểm soát đường huyết ổn định.
Ngoài ra, mẹ không nên uống nước mía thay thế cho nước lọc thông thường, làm tăng tỉ lệ mắc tiểu đường thai kì, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt các dưỡng chất khác mà trong nước mía không có, rất dễ để lại tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.
3. Bà bầu uống nước mía khi nào thì tốt?
Cùng với việc điều chỉnh lượng nước mía hợp lý, lựa chọn thời điểm uống thích hợp cũng góp phần giúp mẹ hấp thu trọn vẹn các chất dinh dưỡng. Lời khuyên là bà bầu uống nước mía vào thời điểm sau bữa sáng hoặc buổi xế chiều, hạn chế uống buổi tối, gây tiểu đêm và gián đoạn giấc ngủ.
Đặc biệt cần chú ý bà bầu vừa mới đi ngoài trời nắng nóng cũng không nên uống ngay nước mía quá lạnh vì sẽ dễ bị viêm họng và sốc nhiệt.
Xem thêm: Khám phá sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ qua từng tháng thai kỳ
4. Một số lưu ý khác mẹ bầu cần nhớ khi uống nước mía
Khi thêm nước mía vào chế độ dưỡng thai, mẹ cũng cần lưu ý một số khuyến cáo an toàn dưới đây:
- Không sử dụng thuốc hay các loại thực phẩm chức năng nếu đã uống nước mía, vì sẽ cản trở tác dụng của chất policosanol có trong nước mía và cũng làm cho thuốc mất tác dụng.
- Nên uống nước mía ngay sau khi ép, không nên để lâu dù là để trong tủ lạnh, vì nước mía có lượng đường cao, dễ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển và gây rối loạn tiêu hóa.
- Nước mía chỉ an toàn khi được làm hợp vệ sinh. Nếu uống những loại nước mía không đảm bảo chất lượng sẽ rất dễ bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh nhiễm trùng khác.
Hi vọng với những thông tin trên mẹ bầu đã có thể an tâm hơn khi uống loại thức uống này. Ngoài ra, nếu mẹ kết hợp nước mía với một số loại nước ép từ tắc, cam, cà rốt sẽ cho ra hương vị thơm ngon mới, giúp cung cấp nhiều dưỡng chất hơn để mẹ và con cùng khỏe mạnh.