Tiêu điểm: Nhân Humanity

Lễ trưởng thành - Dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời mỗi người

VOH - Những năm gần đây, rất nhiều trường học tổ chức buổi Lễ trưởng thành và tri ân cho các em học sinh. Đây được xem như một hoạt động ý nghĩa đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời mỗi người.

Theo văn hóa truyền thống của người phương Đông, nam nữ đến một độ tuổi nhất định sẽ được tổ chức lễ thành nhân, hay còn gọi là lễ trưởng thành. Đây là một nghi lễ quan trọng của cuộc đời mỗi chàng trai cô gái, bởi ngày họ làm lễ trưởng thành chính là lúc họ được công nhận là một người trưởng thành với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân.

1. Lễ trưởng thành là gì?

Cuộc đời mỗi người đều được đánh dấu vào những thời điểm quan trọng như: sinh ra, lớn lên, kết hôn, có con, già lão… Từng giai đoạn qua đi là từng khoảnh khắc in sâu theo dòng cảm xúc. Để đánh dấu những mốc thời điểm cha ông ta sẽ tạo ra rất nhiều nghi lễ, trong đó có lễ trưởng thành-nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành về mặt giới tính của một người.

Lễ trưởng thành 1
Lễ trưởng thành là cột mốc đánh dấu cuộc đời từ khi “còn non dại” đến trở thành “người lớn" - Ảnh: Canva

Lễ trưởng thành (hay lễ thành nhân, lễ thành đinh, lễ cấp sắc), tiếng Anh được gọi là Maturity Ceremony, là một trong các nghi lễ của chu kỳ đời người, thường được tiến hành khi một người trưởng thành về mặt giới tính. Nó cũng được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu cuộc đời từ khi “còn non dại” để trở thành “người lớn”.

Tuy nhiên, không có độ tuổi quy định thống nhất nào để tiến hành nghi lễ trưởng thành, việc tổ chức lễ trưởng thành sẽ phụ thuộc vào lịch sử, nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc.

1.1 Nghi lễ trưởng thành ở Việt Nam thời xưa

Lễ trưởng thành ở Việt Nam vào thời xưa ít được chú ý nên so với nhiều nghi lễ khác không được nhắc đến nhiều. Mặc dù là dân tộc đa số, song lễ trưởng thành ở người Kinh (được ghi lại qua sử liệu) chỉ tổ chức đơn giản. Khi gia đình có con trai đến tuổi trưởng thành (18 tuổi) sẽ tổ chức một lễ nhỏ như “bày biện cơi trầu” trình làng là được.

Trong khi đó, một số dân tộc thiểu số như: dân tộc Ê Đê, dân tộc Dao, dân tộc Sán Chỉ… quan niệm nghi lễ này có ý nghĩa đặc biệt nên thường được tổ chức rất long trọng.

Với dân tộc Ê Đê, lễ trưởng thành thường mang tính cộng đồng, bởi nghi lễ này công nhận nam giới (từ 15-16 tuổi) trở thành thành viên chính thức của cộng đồng, được hưởng quyền lợi, nghĩa vụ của người trưởng thành và quyền được kết hôn.

Với dân tộc Sán Chỉ, lễ trưởng thành thường tổ chức cho thanh thiếu niên từ 9-17 tuổi muốn được coi là người trưởng thành và nhận được sự thừa nhận của dòng họ, cộng đồng.

Với dân tộc Dao, những người trải qua lễ trưởng thành (lễ cấp sắc) mới được cộng đồng chấp nhận là người trưởng thành, có thể tiến hành những công việc liên quan đến phong tục tập quấn Dao. Hơn thế, sau khi làm lễ cấp sắc, nam giới mới có một vị thế nhất định trong gia đình, dòng họ.

Khác với hai dân tộc Ê Đê và Sán Chỉ, lễ trưởng thành ở dân tộc Dao là không quy định độ tuổi cụ thể, nghi lễ có thể tiến hành ở bất kỳ độ tuổi nào miễn người đó đáp ứng đầy đủ điều kiện vật chất, tinh thần của một lễ cấp sắt.

1.2 Nghi lễ trưởng thành ở Việt Nam hiện nay

Cho đến hiện tại, nghi lễ trưởng thành vẫn được duy trì ở nhiều dân tộc thiểu số dù đã có nhiều sự biến đổi nhất định. Những biến đổi này phần lớn tập trung vào các chi tiết có tính hình thức để phù hợp với điều kiện xã hội đang thay đổi, song nội dung và bản chất của nghi lễ vẫn được duy trì.

Và khi kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao đã giúp nghi lễ trưởng thành có thêm điều kiện duy trì theo hướng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hơn thế, ngày nay nghi lễ này không chỉ được giới thiệu trong công chúng mà còn được tổ chức như ngày hội của người dân. Đặc biệt, thời gian gần đây lễ trưởng thành tổ chức theo hướng tự phát, thường do các trường tự tổ chức vào dịp cuối năm cùng với sự tham gia của thầy cô, bạn bè và phụ huynh.

Lễ trưởng thành 2
Hiện nay, nhiều trường học tổ chức lễ trưởng thành và tri ân mang ý nghĩa tích cực và đầy tính nhân văn - Ảnh: 

Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ

Ở một số nơi còn “biến tấu” lễ tri ân và lễ trưởng thành ở các cấp học với những ý nghĩa mang tính tích cực, thấm đẫm chất nhân văn:

Lễ trưởng thành lớp 5 thường được nhà trường tổ chức với hy vọng giúp các em học sinh cuối cấp Tiểu học nhớ về ngôi trường đã theo học suốt 5 năm, cũng như bày tỏ lòng biết ơn với các thầy cô giáo đã dìu dắt các em ở mái trường tiểu học.

Lễ trưởng thành lớp 9 được thực hiện với mục đích tri ân công ơn nuôi dạy của ông bà, cha mẹ, thầy cô đối với sự trưởng thành về mặt tri thức và nhân cách của học sinh. Đồng thời, tạo kỷ niệm sâu sắc cho các em học sinh các lớp cuối cấp 2 trước khi kết thúc năm học. Từ đó, tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của các em học sinh ở môi trường Trung học cơ sở.

Trong thời gian học ở ngôi trường cấp 2, ngoài việc được tham gia lễ trưởng thành cuối cấp, các em học sinh còn được tham gia vào lễ trưởng thành đội. Đây là buổi lễ công nhận người đội viên đã trải qua một quá trình rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành; có nhiều đóng góp cho tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh trong suốt thời gian sinh hoạt trong tổ chức Đội.

Lễ trưởng thành lớp 12 là buổi đánh dấu tuổi 18 của học sinh cấp 3, diễn ra vào ngày cuối năm học. Đây là dịp để các em nhìn lại chặng đường mà mình đã đi qua, tri ân tấm lòng và công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã truyền đạt tri thức, chuẩn bị hành trang cho các em bước vào đời.

Trang phục lễ trưởng thành của học sinh cấp 3 thường là đồng phục hoặc áo, mũ tốt nghiệp. Các em học sinh tham dự sẽ có những bài phát biểu, chia sẻ suy nghĩ, dự định tương lai, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn tới thầy cô, cha mẹ khi bước vào tuổi trưởng thành.

Xem thêm:
Tổng hợp 22 bài thơ về mái trường gợi nhớ kỷ niệm tuổi học trò
75 stt về thăm trường cũ gợi nhớ những kỷ niệm thời áo trắng
Câu nói hay thấm thía về thời học sinh - Thời mà ai cũng phải trải qua nỗi buồn khi hoa phượng nở

2. Vì sao tuổi 18 được xem là tuổi trưởng thành?

Khác với lễ trưởng thành học sinh cấp 1 và cấp 2 không quá phổ biến, lễ trưởng thành của học sinh cấp 3 hầu như được tổ chức hàng năm dành cho những lứa học trò lớp 12. Đó là buổi lễ tri ân nhưng cũng đánh dấu tuổi 18-độ tuổi được xem là trưởng thành của đời người.

Vì sao lại chọn tuổi 18 là tuổi trưởng thành? Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Tâm (chuyên gia đào tạo và tư vấn tâm lý Công ty Hồn Việt), điều này bắt nguồn từ luận điểm của thuyết tâm lý học phát triển. Các nhà tâm lý cho rằng, ở tuổi 18 các cơ quan trong cơ thể đã phát triển gần như toàn diện, sự nhận thức ở mức cao bằng như người lớn.

Đây cũng là giai đoạn có thể thử thách giới hạn bản thân, phá vỡ những mối quan hệ lệ thuộc, thiết lập cái tôi, xác định rõ mục tiêu, sứ mệnh và ý nghĩa cuộc đời.

Hơn thế, đây cũng là dấu mốc các em học sinh đã kết thúc thời học sinh để bước sang một “trang” mới của cuộc đời, với một môi trường mới, bạn bè mới và rất nhiều điều mới lạ khác.

Ngày lễ trường thành năm 18 tuổi chính là một ngày để nhắc nhở các bạn học sinh đã lớn và bắt đầu những chuyến hành trình riêng mình. “Cha mẹ cho em một hình hài. Thầy cô cho em cả kiến thức. Và theo năm tháng em lớn nhanh. Ai cũng mong sao em thành người”.

3. Gợi ý bài phát biểu lễ trưởng thành

Hoạt động trong ngày ngày lễ trưởng thành rất đa dạng, trong đó phần phát biểu lễ trưởng thành của học sinh được xem là ấn tượng nhất, bởi đây là dịp các em bày tỏ những tâm tư tình cảm của mình dành cho cha mẹ, thầy cô cũng như mơ ước, hy vọng về một tương lai tươi sáng.

Lễ trưởng thành 3
Phần đại diện học sinh lên phát biểu tại buổi là phần đặc biệt ý nghĩa trong lễ trưởng thành - Ảnh: THPT TH Cao Nguyên

Dưới đây là mẫu bài diễn văn lễ tri ân và trưởng thành hay, ấn tượng:

12 năm đèn sách, đến hôm nay, em đã được tham dự một lễ trưởng thành và tri ân vô cùng ý nghĩa. Có lẽ, không riêng gì em mà rất nhiều bạn học sinh lớp 12 khi được hòa chung trong buổi lễ có một không hai suốt những năm học phổ thông này cũng cảm thấy xúc động và lắng đọng vô cùng.

Đó chính là cảm giác được tri ân công đức dưỡng dục và sinh thành của cha mẹ, được tri ân công ơn dạy dỗ của thầy cô, được nói lên những cảm xúc thầm kín trong lòng mình mà không phải lúc nào chúng em cũng dễ nói ra và biểu lộ thành lời đối với thầy cô và cha mẹ.

Em xin cảm ơn thầy cô đã tổ chức cho chúng em buổi lễ quan trọng này, các bạn của em đã đại diện cho lớp, cho trường nói lên những tâm tư nguyện vọng và cả nhận lỗi trước thầy cô và các bậc cha mẹ. Xúc động làm sao khi chúng em cùng được nghe bạn mình nói lên những suy nghĩ của mình mà lâu nay mình chưa có dịp nói với thầy cô và các bậc sinh thành.

Em cũng vậy, chỉ một lời nói: “Con yêu mẹ” mà bao nhiêu năm qua luôn hiển hiện trong suy nghĩ của em mà em cũng chưa một lần mạnh dạn nói ra. Tại lễ tri ân này, em đã nói được những câu từ đơn giản đó nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của em dành cho mẹ, cho ba. Em thật biết ơn diễn đàn mà thầy cô đã giúp chúng em được nói ra những lời yêu thương và kính trọng, được thể hiện tấm lòng biết ơn của mình suốt bao năm qua đối với cha mẹ và thầy cô.

Thật là chúng em đã trưởng thành, chúng em có thể tự tin bước vào đời bởi hành trang cha mẹ đã trao, bởi kiến thức thầy cô đã dạy và cả một bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng hành với đó là một tình cảm chứa chan dành cho cha mẹ, thầy cô, bạn bè và mái trường thân yêu. Còn nhiều và nhiều lắm những nghĩ suy, những cảm xúc đầy lắng đọng và sâu sắc hôm nay. Chưa bao giờ em cảm thấy cuộc đời tươi đẹp và nhiều ý nghĩa đến vậy. Mai này trên con đường chinh phục kiến thức sắp tới, trong ký ức của em sẽ còn mãi những hình ảnh và cảm xúc của buổi lễ hôm nay.

Với khối 12 chúng em, những lãng mạn và mộng mơ là luôn hiện hữu nhưng chúng em đã rất yêu những giờ phút chia tay này, những giờ phút trân quý của lòng biết ơn, của tri ân và xúc cảm. Chúng em tin rằng bằng hành trang hôm nay mà thầy cô đã truyền dạy, mẹ cha đã gửi trao, chắc chắn chúng em sẽ tự tin và vững bước trên con đường sắp tới.

4. Lễ trưởng thành ở một số quốc gia trên thế giới

Không chỉ tại Việt Nam, hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… lễ trưởng thành vẫn được duy trì tổ chức hàng năm để chúc mừng cũng như động viên những nam, nữ thanh niên đã thực sự trở thành người lớn với đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ.

4.1 Lễ trưởng thành ở Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, lễ trưởng thành thường sẽ được tổ chức vào ngày 18 tháng 5 hàng năm dành cho các chàng trai cô gái 20 tuổi. Lễ trưởng thành tại Hàn Quốc có từ thời Goryeo.

Trong buổi lễ trưởng thành, các cô gái sẽ được kết tóc thành búi nhỏ và được kẹp vào tóc một món đồ gọi là “binyeo”. Các chàng trai sẽ cuộn mái tóc thành búi và được đôi một chiếc mũ có tên là “gat”.

Sau khi kết thúc lễ trưởng thành, các chàng trai cô gái sẽ có thể rời khỏi gia đình, rời khỏi sự chở che của bố mẹ để trở thành những con người tự chịu trách nhiệm với mọi việc làm cũng như hành động của mình với bản thân và xã hội.

4.2 Lễ trưởng thành ở Nhật Bản

Ngày lễ thành nhân (Seijin no hi) là một trong những ngày lễ quan trọng của Nhật Bản, có ý nghĩa trọng đại trong cuộc đời của mỗi chàng trai, cô gái Nhật Bản bởi họ chính thức được coi đã bước sang tuổi trưởng thành.

Lễ trưởng thành 1
Các cô gái Nhật Bản mặc trang phục truyền thống trong buổi lễ thành nhân - Ảnh: Reuters

Lễ trưởng thành ở Nhật bản thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 1 hàng năm, những bạn trẻ đủ 20 tuổi (có sinh nhật lần thứ 20 trước ngày lễ thành nhân) sẽ được tham dự. Ngày lễ này có nguồn gốc từ một nghi thức cổ xưa với tên gọi là Genpuku.

Vào ngày này, các cô gái Nhật Bản sẽ mặc furisode, một loại kimono nhiều màu sắc sinh động với tay áo rất dài. Trong khi các chàng trai Nhật sẽ diện bộ kimono tối màu hakamaha hoặc trang phục hiện tại.

Đối với mỗi người dân Nhật Bản, lễ trưởng thành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đó là cơ hội để họ có thể nói cho thế giới biết đến sự tồn tại độc lập của mình.

4.3 Lễ trưởng thành ở Trung Quốc

Là quốc gia thuộc nền văn hóa phương Đông, lễ trưởng thành ở Trung Quốc cũng là một nghi lễ truyền thống lâu đời.

Ở Trung Quốc cổ đại, mỗi đời quy định về độ tuổi trưởng thành không giống nhau. Theo Lễ kí, con trai đến 20 tuổi sẽ cử hành Quán lễ (lễ đội mũ), con gái đến 15 tuổi sẽ cử hành Kê lễ (lễ cài trâm). Đây đều là lễ thành niên thời cổ đại.

Đến thời Tùy, con trai 21 tuổi mới đến tuổi trưởng thành. Thời Đường lại quy định con trai 23 tuổi mới đến tuổi trưởng thành.

Quán lễ và Kê lễ đều là những lễ nghi đánh dấu tuổi trưởng thành mang tính tượng trưng. Lễ thành niên này rất được giới quý tộc coi trọng. Xã hội truyền thống Trung Quốc xưa nay luôn trọng nam khinh nữ, cho nên Quán lễ được tổ chức long trọng hơn Kê lễ.

Quán lễ của người xưa có cả một nghi thức nghiêm ngặt và có tổng cộng tới 3 lần đội mũ. Sau khi hoàn thành Quán lễ, người con trai sẽ có thêm một tên tự (tên sau khi đã thành niên). Kể từ thời điểm kết thúc Quán lễ người con trai này sẽ có quyền ứng xử, tham gia tế tự, đồng thời cũng có thể lập gia đình.

Kê lễ là lễ đánh dấu tuổi trưởng thành của người con gái. Thời cổ, bất luận là trai hay gái, tóc của trẻ con đều thả tự nhiên hoặc tết tóc lại để hai bên. Con gái khi đến tuổi 15, tóc được vấn lại, dùng kê tức cây trâm cài lên, biểu thị đã thành nhân.

Trong văn hóa Trung Hoa, lễ trưởng thành được tổ chức cho các cô gái không chỉ là một nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành. Điều quan trọng để có thể tổ chức buổi lễ này là họ phải thành tạo rất nhiều tri thức và kỹ năng của một người phụ nữ trưởng thành cần có.

4.4 Lễ trưởng thành ở Mỹ

Ở các quốc gia phương Tây, điển hình là Mỹ, để đánh dấu thời khắc chuyển giao từ trẻ con sang người lớn, các trường học sẽ tổ chức một buổi dạ tiệc (prom).

Thời điểm diễn ra dạ tiệc ở các trường trung học Mỹ là khoảng tháng 5. Nhân vật chính của bữa tiệc là những chàng trai cô gái. Họ diện lên người những bộ váy dài rực rỡ hay những bộ đồ tuxedo điển hình, đứng cạnh nhau chụp ảnh để ghi lại dấu ấn một thời đẹp đẽ.

Với nhiều người Mỹ, đêm prom như một phép màu khi nhìn thấy bản thân và bạn bè bước từ giai đoạn thanh thiếu niên sang tuổi trưởng thành. Đây cũng là một sự kiện lớn khiến cho học sinh, giáo viên lẫn phụ huynh mong chờ trong năm, bởi nó như một cột mốc mà ai cũng đặt mục tiêu phải bước qua.

Xem thêm
Tự lập là gì? Ý nghĩa của kỹ năng sống tự lập trong đời sống hiện đại
Bí quyết giúp bạn 'ươm mầm' khát vọng tạo động lực cho bản thân mỗi ngày
Cách giúp bạn rèn luyện ý chí nghị lực sống cho cuộc đời thêm ý nghĩa

5. Một số câu nói hay về sự trưởng thành

Sau khi làm lễ trưởng thành, chúng ta có thể được xem là một người trưởng thành thật sự về mặt giới tính. Tuy nhiên, trưởng thành là một quá trình không ngừng nghỉ của sự phát triển bản thân. Nó không chỉ đơn thuần là tuổi tác, mà còn là khả năng đối mặt với những khó khăn, thử thách và biến động trong cuộc sống.

Dưới đây là một số câu nói hay về sự trưởng thành trong cuộc sống có thể giúp các bạn trẻ chiêm nghiệm được nhiều điều:

1. Sự trưởng thành là khả năng đối mặt với sự thay đổi và thích nghi với nó.

2. Để trưởng thành, chúng ta cần học cách đối mặt với sự khác biệt và chấp nhận sự đa dạng trong xã hội.

3. Trưởng thành không chỉ đơn giản là việc trở thành người lớn, mà còn là khả năng xử lý những tình huống khó khăn và giải quyết vấn đề một cách độc lập.

4. Trưởng thành đòi hỏi mỗi người phải chấp nhận trách nhiệm cá nhân và xã hội.

5. Sự trưởng thành là khả năng tôn trọng và đối xử tốt với người khác, dù cho họ có khác với mình đến đâu.

6. Trưởng thành không phải là ta đang nói đến những chuyện lớn lao gì cả. Mà khi chúng ta hiểu được những điều nhỏ bé nhất trong cuộc sống này.

7. Lúc bạn trưởng thành là khi nhận ra rằng tranh luận ai đúng ai sai không còn quan trọng nữa. Quan trọng là làm sao để có được một cuộc sống bình yên.

8. Trưởng thành là khi bạn biết sống cho người khác nhiều hơn chính mình.

Lễ trưởng thành 2

9. Trưởng thành là khi bạn đủ mạnh mẽ để trở thành chỗ dựa vững chắc cho bất kỳ ai, trong đó có cả chính bản thân mình.

10. Trưởng thành là khi bạn biết tự cách giải quyết một mối quan hệ, thay vì chạy trốn khỏi nó.

11. Sự trưởng thành là khi bạn biết cách giữ bình tĩnh trong tình huống khó khăn, thay vì hét lên như một đứa trẻ.

12. Khi nào bạn thắng được cái tôi của bản thân, khi ấy bạn đã trưởng thành.

13. Trưởng thành là quá trình tìm kiếm và xác định mục tiêu, định hướng cuộc sống của mình.

14. Sự trưởng thành không phải là sự hoàn hảo, mà là sự chấp nhận và phát triển từ những sai lầm của mình.

15. Để trưởng thành, hãy học cách từ bỏ những thứ không còn phù hợp với cuộc sống của chúng ta.

Lễ trưởng thành vẫn luôn được nhiều người xem như một cột mốc đáng nhớ của đời người. Đây dịp để chúng ta nhìn lại quãng đường đã đi qua, tri ân tấm lòng và công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ cũng như bày tỏ lòng biết hơn để các thầy cô giáo. Đồng thời, đây cũng là bước ngoặt để chúng ta chia tay mái trường, bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời.

Tổng hợp

Bình luận