- Yellow flag là gì?
- Những cung hoàng đạo thuộc yellow flag
- Sự khác biệt giữa yellow, green và red flag
- dấu hiệu yellow flag trong mối quan hệ
- Không chấp nhận lỗi và không sẵn lòng thỏa hiệp
- Không có bạn bè, mối quan hệ xã hội khác
- Thường xuyên trễ hẹn
- Thất nghiệp hoặc mang rất nhiều khoản nợ
- Không chia sẻ về gia đình
- Thân thiết với mẹ quá mức
- Nói xấu về người yêu cũ
- Chưa từng có một mối tình lâu dài
- Không có thú vui, sở thích nào
- Không tôn trọng ranh giới của bạn
- Làm gì khi người yêu có yellow flag?
Yellow flag không phải là yếu tố then chốt phá vỡ hạnh phúc nhưng có nguy cơ trở thành mối quan hệ tiêu cực. Do đó, việc nhận biết yellow flag trong tình yêu sẽ giúp bạn tránh được những rắc rối xảy ra trong tương lai. Hãy cùng VOH tìm hiểu yellow flag là gì cũng như dấu hiệu của nó nhé!
Yellow flag là gì?
Yellow flag dịch sang tiếng Việt nghĩa là cờ vàng. Nó là một loại cờ cảnh báo chỉ ra tình huống nguy hiểm hoặc vấn đề liên quan đến an toàn. Còn trong tình yêu, thuật ngữ này được xem như dấu hiệu khuyên con người nên cẩn thận và đề phòng mọi vấn đề xảy ra giữa đôi bên. Mặc dù những điều này có thể không nghiêm trọng nhưng chúng sẽ gợi ý cho bạn về một vấn đề lớn hơn đang tồn tại.
Theo nhà trị liệu tâm lý Parisa Ghanbari: “Cờ đỏ là dấu hiệu cho bạn biết khi nào nên rút lui khỏi một mối quan hệ. Cờ vàng là dấu hiệu cho bạn biết khi nào nên bước đi thận trọng và cho bản thân thời gian để đánh giá sâu hơn về người yêu của mình nhằm đảm bảo bạn đang đầu tư vào mối quan hệ đúng đắn.”
Vì thế, yellow flag là thời gian lý tưởng giúp bạn đánh giá hành động, tính cách và khuynh hướng của đối phương một cách toàn diện. Ngoài ra, yellow flag còn cho thấy những thử thách hoặc rào cản mà các cặp đôi đang gặp phải. Từ đó, họ biết cách giải quyết vấn đề để mối quan hệ đảm bảo lâu dài và bền vững.
Thông thường, red flag sẽ có những biểu hiện cụ thể, rõ ràng giúp chúng ta dễ dàng từ bỏ mối quan hệ độc hại. Tuy nhiên, cờ vàng không như thế. Dấu hiệu của nó mơ hồ và đa dạng sắc thái nên khó đoán hơn rất nhiều.
Chẳng hạn, trường hợp nửa kia của bạn còn liên lạc với người yêu cũ, đó là dấu hiệu cho thấy họ đã trưởng thành về mặt cảm xúc hoặc những cảm xúc này chưa được giải quyết hoàn toàn. Cờ vàng có thể đi theo một trong hai hướng. Nhưng nếu bạn và đối phương cùng nhau vượt qua thì cả hai sẽ lại gần nhau hơn.
Những cung hoàng đạo thuộc yellow flag
Bạn có biết những cung hoàng đạo nào dễ xuất hiện dấu hiệu yellow flag nhất không? Cùng điểm danh một số chòm sao “đặc biệt” đó nhé!
- Song Ngư: Đây là người khá dễ tính, hòa đồng, tốt bụng, biết nhường nhịn, sẻ chia.
- Bảo Bình: Những người thuộc cung này thường có tính cách độc lập, hòa nhã, thân thiện và đam mê sáng tạo.
- Ma Kết: Cung Ma Kết đại diện cho sự trách nhiệm, kiên nhẫn, quyết đoán, không ngại gian khó để đạt được thành công.
- Nhân Mã: Chòm sao này hơi nóng nảy, thiếu kiên nhẫn, dễ cáu gắt nhưng điểm thu hút ở họ là sự dũng cảm, tràn đầy năng lượng.
- Bọ Cạp (Thiên Yết): Bọ Cạp là hình mẫu của sự mạnh mẽ, bí ẩn. Do đó, những người sở hữu cung này có tính cách quyết đoán, cẩn trọng, trách nhiệm.
Trên đây là những thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm. Bởi không phải ai thuộc các cung hoàng đạo này cũng có dấu hiệu yellow flag.
Xem thêm:
Tình yêu là gì? Liệu rằng bạn đã đủ sẵn sàng để bắt đầu một câu chuyện tình?
True love là gì? Làm sao biết được ai là true love của đời mình?
Lãng mạn là gì? Tình yêu lãng mạn tuyệt đẹp gắn kết tâm hồn người đang yêu
Sự khác biệt giữa yellow, green và red flag
Chắc hẳn ngoài yellow flag, bạn cũng đã từng nghe red flag và green flag. Vậy 3 thuật ngữ này có liên quan gì đến nhau hay điểm khác biệt của chúng là gì?
- Green flag (Cờ xanh): Đây là dấu hiệu cho thấy bạn đã thật sự tìm được “true love” của đời mình. Cả hai đang ở trong mối quan hệ lành mạnh, giúp nhau phát triển lên từng ngày.
- Yellow flag (Cờ vàng): Là thuật ngữ nằm giữa green flag và red flag. Thông thường, người trong cuộc sẽ khó phán đoán được đối phương là đang quan tâm hay kiểm soát mình.
- Red flag (Cờ đỏ): Thể hiện mối quan hệ đang ở mức báo động, vô cùng độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất lẫn tinh thần của những người trong cuộc.
Hãy nhớ rằng, cờ vàng sẽ chuyển sang cờ xanh nếu các vấn đề được giải quyết ổn thỏa. Ngược lại, nó sẽ chuyển sang cờ đỏ khi bạn và người bỏ mặc, không chịu tìm cách xử lý những rắc rối tưởng chừng như đơn giản nhưng lại nguy hiểm vô cùng.
10 dấu hiệu yellow flag trong mối quan hệ
Nhà thơ Xuân Diệu đã từng nói: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Đúng vậy, tình yêu luôn mang lại cho con người những cung bậc cảm xúc khác nhau. Song, không phải tình yêu nào cũng giúp ta hạnh phúc, vui vẻ. Do đó, bạn cần tỉnh táo trong mọi mối quan hệ để xem xét đối phương có thật sự phù hợp với mình hay chưa.
Dưới đây là 10 dấu hiệu của yellow flag trong tình yêu mà bạn không nên bỏ qua.
Không chấp nhận lỗi và không sẵn lòng thỏa hiệp
Khi nửa kia của bạn có khuynh hướng thích đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác. Thậm chí, họ còn thao túng tâm lý bạn thay vì chấp nhận lỗi sai để sửa chữa vấn đề. Đó là dấu hiệu đầu tiên của cờ vàng.
Trong một mối quan hệ lành mạnh, cả hai phải biết lắng nghe, cảm thông và thấu hiểu cho nhau. Nếu đối phương không sẵn lòng thỏa hiệp trong khi bạn luôn là người cố gắng giữ hòa khí thì nên cân nhắc lại nhé!
Không có bạn bè, mối quan hệ xã hội khác
Một người ít bạn bè là do họ sống khép kín. Nhưng nếu họ hoàn toàn không có người bạn nào, chứng minh tính cách của họ có vấn đề, thiếu kỹ năng xây dựng và nuôi dưỡng những mối quan hệ lành mạnh ngoài xã hội. Vì thế, bạn cần suy nghĩ cẩn thận và thấu đáo trước khi bước vào mối quan hệ yêu đương với những người như vậy.
Thậm chí, vì không có bạn bè nên phần lớn thời gian đối phương sẽ dành cho bạn. Bạn trở thành người quan trọng duy nhất của họ. Điều này vô tình gây ra một số áp áp lực quá mức, gây mất cân bằng giữa đôi bên.
Thường xuyên trễ hẹn
Một vài lần trễ hẹn do bất khả kháng có thể bỏ qua. Mặc dù đã được bạn góp ý nhưng tình trạng này liên tục xảy ra, chứng tỏ rằng đối phương không biết cách tôn trọng thời gian của người khác.
Nếu nửa kia luôn bắt bạn chờ đợi thì hãy xem xét lại mối quan hệ. Liệu rằng họ có thật lòng yêu thương và trân trọng bạn không?
Thất nghiệp hoặc mang rất nhiều khoản nợ
Nếu đối phương thường xuyên thất nghiệp hoặc luôn nhảy việc, cho thấy người đó không phải là người biết cố gắng. Họ chưa thật sự nghiêm túc làm việc và có định hướng rõ ràng về tương lai.
Nợ nần là chuyện rất bình thường vì không phải tất cả các khoản nợ đều xấu. Nhưng bạn cần xem người yêu đã mắc nợ như thế nào, thói quen chi tiêu hay có kế hoạch trả nợ chưa cũng như thái độ khi đối mặt với tiền bạc ra sao.
Không chia sẻ về gia đình
Laura Wasser - một chuyên gia luật gia đình người Mỹ chia sẻ: “Nếu người yêu của bạn thường xuyên che giấu mọi thứ hoặc tránh chia sẻ thông tin chi tiết về cuộc sống của họ. Đó là dấu hiệu cảnh báo cho thấy lòng tin, sự chia sẻ giữa hai người cần được giải quyết”.
Quả thật, khi yêu nhau, ai cũng muốn tìm hiểu mọi thứ liên quan đến người mình yêu. Nhưng nếu họ không chia sẻ bất kỳ thông tin nào với bạn có thể do 2 nguyên nhân sau.
Một là, gia đình đối phương đổ vỡ hay có vấn đề nhạy cảm không thể nói với bạn. Hai là, người đó chưa thật sự nghiêm túc với mối quan hệ tình cảm này hoặc bạn phải là người mà họ tin tưởng để có thể chia sẻ mọi việc.
Xem thêm:
Tình chiếm hữu trong tình yêu là gì? Những hệ luỵ tồi tệ khi yêu bằng cách chiếm hữu
Si tình là gì? 5 biểu hiện cho thấy bạn đang là một 'kẻ si tình'
Tình yêu sét đánh là gì? Cách nhận biết trái tim đã "loạn nhịp" vì yêu
Thân thiết với mẹ quá mức
Việc gần gũi, thân thiết với mẹ thể hiện chàng trai hay cô gái là người biết yêu thương, chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, nếu đối phương quá phụ thuộc, đến mức mọi quyết định lớn nhỏ đều thông qua ý kiến của mẹ thì thật không hay. Thực tế, nhiều cặp đôi đã tan vỡ do sự can thiệp sâu từ phía gia đình.
Nói xấu về người yêu cũ
Trong một mối quan hệ, trách nhiệm sẽ thuộc về cả 2 bên. Do đó, khi tình yêu đổ vỡ, chúng ta không thể kết luận lỗi hoàn toàn do người còn lại.
Khi bạn gặp phải ai đó luôn đổ lỗi cho người yêu cũ thì nên cân nhắc lại mối quan hệ. Điều này thể hiện họ rất thiếu trách nhiệm với những hành động của mình, trốn tránh giải quyết vấn đề. Đó không phải là người đáng tin cậy để bạn gửi gắm hạnh phúc cả đời.
Chưa từng có một mối tình lâu dài
Dấu hiệu của yellow flag trong tình yêu là đối phương chưa từng có cuộc tình lâu dài hay nghiêm túc nào. Họ có thể là người nhút nhát ở phương diện tình cảm hay chưa tìm được một nửa phù hợp hoặc do tính cách của người đó không ổn lắm. Dù là nguyên nhân nào, bạn cũng nên tìm hiểu thật kỹ để bắt đầu xây dựng mối quan hệ mới.
Không có thú vui, sở thích nào
Khi bản thân có một sở thích, thú vui tích cực để theo đuổi sẽ giúp con người trở nên toàn diện hơn. Nó thúc đẩy chúng ta ham học hỏi, không ngừng tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ để hoàn thiện chính mình.
Nếu nửa kia của bạn chỉ dành thời gian cho việc ăn, ngủ, lướt web thì thật đáng quan ngại. Nhìn có vẻ vô hại nhưng điều này dễ khiến họ thụt lùi so với xã hội.
Không tôn trọng ranh giới của bạn
Một trong những dấu hiệu yellow flag rõ rệt nhất là đối phương coi nhẹ giới hạn cá nhân của người yêu. Khi bạn khéo léo chia sẻ những vấn đề đang xảy ra giữa hai người nhưng họ vẫn thờ ơ, phớt lờ cảm xúc của bạn. Điều này khiến bản thân cảm thấy không thoải mái, khó chịu vô cùng, thậm chí là bị tổn thương sâu sắc.
Làm gì khi người yêu có yellow flag?
Cờ vàng là dấu hiệu cảnh báo nên điều quan trọng đầu tiên bạn cần làm là nhìn nhận lại vấn đề ở nhiều khía cạnh, phương diện để tránh làm tổn hại đến mối quan hệ.
Bày tỏ cảm xúc của bản thân
Trước tiên, bạn hãy bày tỏ cảm xúc của mình về những hành vi của đối phương cho họ biết. Trường hợp người đó chưa sẵn sàng nói chuyện, đây có thể là dấu hiệu nguy hiểm và bạn nên xem xét các lựa chọn khác.
Trao đổi thẳng thắn, chân thành
Hãy tìm cơ hội nói chuyện với nửa kia để cùng nhau tìm hướng giải quyết. Đừng tự biến mình thành kẻ đa nghi, chuyên “vạch lá tìm sâu”. Trong lúc chia sẻ, bạn không nên đổ lỗi cho đối phương, thay vào đó là cố gắng hiểu tại sao họ lại hành động như vậy. Qua đó, cả hai có thể tìm ra những điều cần thay đổi, những thỏa hiệp được đồng ý để đi đến quyết định tiếp tục hay dừng lại.
Tạo thời gian, không gian “nghỉ’ cho cả hai
Một khi đã xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bạn nên chia sẻ điều gì chưa phù hợp trong mối quan hệ và cần cho nửa kia thời gian, không gian để thay đổi. Còn bạn, hãy dành thời gian sắp xếp lại những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân một cách rõ ràng.
Mong rằng, thông qua bài viết này, bạn đã hiểu yellow flag là gì cũng như những dấu hiệu nhận biết của nó. Từ đó, bạn và người ấy biết cách vun vén, xây dựng mối quan hệ hiện tại trở nên tốt đẹp và tích cực hơn.
Đừng quên theo dõi VOH - Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.